Cướp ngân hàng ở Hải Phòng: Chưa cướp được tiền… án nào đón đợi?

Google News

Trường hợp tên cướp ngân hàng ở Hải Phòng chưa cướp được tiền cũng sẽ phải chịu hình phạt về tội cướp tài sản.

Tối 11/5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng phối hợp với các đơn vị chức năng bắt giữ Đào Anh Tuấn (SN 1973, trú tại đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) – kẻ gây ra vụ cướp chi nhánh một ngân hàng trên phố Lạch Tray (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) vào 15h chiều cùng ngày.
Thời điểm đó, Tuấn bịt mặt, đeo túi, cầm theo một vật dài khoảng 60 cm (giống súng) đi vào phòng giao dịch ngân hàng uy hiếp nhân viên để cướp tài sản. Khi một nhân viên quầy giao dịch đã nhấn nút báo động, Tuấn bỏ chạy và không thực hiện được việc cướp tài sản. Tuấn sau đó bị bắt vào khoảng 19h30 tại nhà riêng trên phố Lê Lợi, quận Ngô Quyền.
Cuop ngan hang o Hai Phong: Chua cuop duoc tien… an nao don doi?
Nghi phạm bị bắt giữ. 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, với hành vi cướp tài sản tại chi nhánh ngân hàng như trên là hành vi đặc biệt nguy hiểm, đối tượng thực hiện hành vi sẽ phải chịu mức chế tài nghiêm khắc.
Ngân hàng là nơi thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền, ngoại tệ. Nơi đây được bảo vệ nghiêm ngặt, có sự phối hợp của lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Bởi vậy, hành vi cướp ngân hàng thường sẽ để lại rất nhiều chứng cứ, dấu vết ở hiện trường vụ án, việc bắt giữ các đối tượng cướp ngân hàng thường sẽ rất nhanh chóng để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, để kịp thời xử lý đối với người thực hiện hành vi phạm tội.
Thông tin từ phía cơ quan chức năng cho thấy, nghi phạm Tuấn đã sử dụng một vật nghi là súng để đe dọa uy hiếp nhân viên ngân hàng nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát. Tuy nhiên, với các biện pháp nghiệp vụ, dựa trên lời khai của người làm chứng, các dấu vết để lại trên hiện trường, hình ảnh qua camera giám sát, cơ quan điều tra đã nhanh chóng phát hiện và bắt giữ đối tượng.
Luật sư Cường cho rằng, đối tượng cướp ngân hàng ở Hải Phòng sẽ bị xử lý về tội cướp tài sản theo quy định tại điều 168 bộ luật hình sự năm 2015 với hình phạt cao nhất được pháp luật quy định có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân. Tùy thuộc vào tài sản bị cướp mà đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải đối mặt với những khung hình phạt khác nhau.
Do đó, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền đối tượng đã thực hiện hành vi cướp tại ngân hàng này là bao nhiêu tiền để xác định tính chất nguy hiểm của hành vi, làm cơ sở để tòa án xác định tội danh và quyết định mức hình phạt phù hợp với quy định của pháp luật.
Trường hợp chưa cướp được tiền của ngân hàng thì đối tượng này cũng sẽ phải chịu hình phạt tới 7 năm 6 tháng tù nếu trường hợp được xác định là phạm tội chưa đạt.
Cuop ngan hang o Hai Phong: Chua cuop duoc tien… an nao don doi?-Hinh-2
Hình ảnh camera ghi lại khi tên cướp đột nhập ngân hàng. 
Theo quy định pháp luật, tội cướp tài sản có cấu thành hình thức. Theo đó, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thực hiện hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được "nhằm" chiếm đoạt tài sản, hành vi phạm tội hoàn thành, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm được tài sản hay chưa. Điều luật quy định là thực hiện hành vi dùng vũ lực "nhằm chiếm đoạt tài sản" chứ không quy định là chiếm đoạt được tài sản.
Do đó, trong vụ án này dù đối tượng chưa chiếm đoạt được số tiền của ngân hàng, hành vi dùng vũ lực đe dọa uy hiếp tinh thần của nhân viên ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội cướp tài sản, đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản theo điều 168 bộ luật hình sự. Trường hợp không làm rõ số tiền muốn cướp là bao nhiêu thì sẽ xử lý theo quy định tại khoản 1, điều 168 với hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định về áp dụng hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt. Theo đó, phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017. Cụ thể: "Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.
Về mặt lý luận còn chia thành các trường hợp phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành và phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. Theo đó, phạm tội chưa đạt đã thành là trường hợp cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng do những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội nhưng họ đã thực hiện hết các hành vi dự định làm. Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp người phạm tội có ý thức thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện đến cùng do những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội và họ cũng chưa thực hiện hết những hành vi dự định làm.
Điều 57, Bộ luật Hình sự quy định về việc quyết định hình phạt với hành vi phạm tội chưa đạt như sau: Hình phạt đối với hành vi phạm tội chưa đạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ ngoài đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi cướp tài sản còn đối tượng nào là đồng phạm với vai trò chủ mưu, giúp sức hoặc xúi giục hay không. Trường hợp có căn cứ cho thấy có đối tượng khác đứng đằng sau thì đối tượng này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản với vai trò đồng phạm.
Đồng thời, cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định vật giống khẩu súng để xác định đây có phải là vũ khí quân dụng hay không. Trong trường hợp hung khí gây án là vũ khí quân dụng đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự thêm một tội danh khác là tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo điều 304 về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Như vậy, trường hợp khẩu súng mà đối tượng này sử dụng là vũ khí quân dụng thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hai tội danh trên.
>>> Mời độc giả xem video ghi lại vụ việc:
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)