Mới đây, trên địa bàn phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đã xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng khiến hai nữ sinh trong phòng trọ tử vong.
Sáng sớm 16/9, Giàng A Dông (SN 1996, ở Điện Biên) đến phòng trọ của người yêu tên S.T.M.L. (SN 2000, quê Điện Biên) ở số nhà 14, ngõ 30 phố Nghĩa Đô. Không kìm chế khi cãi nhau với bạn gái, Dông đã ra tay sát hại người yêu
Sau đó, Dông đi ra ngoài thì thấy N.T.X. (SN 2000, quê Hải Dương), sống chung phòng trọ với L., liền cầm dao đâm tiếp khiến X. tử vong tại chỗ.
Nghi phạm 9X tiếp tục cầm dao truy sát 3 nữ sinh còn lại trong phòng nhưng họ may mắn chạy thoát.
Sau khi gây án, Dông nhảy từ tầng 5 của ngôi nhà này xuống đất và được mang đi cấp cứu tại bệnh viện E nhưng không qua khỏi.
Như vậy, nghi can của vụ án giết hại hai nữ sinh trong phòng trọ đã tử vong.
|
Nghi can Giàng A Dông đã tử vong. |
Trao đổi với
PV Kiến Thức, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Văn phòng luật sư Vạn Xuân Hà Nội - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng tình tiết h
ung thủ đã chết chính là căn cứ để cơ quan chức năng không khởi tố vụ án cuồng ghen sát hại bạn gái đồng thời ra quyết định đình chỉ vụ án, không khởi tố bị can nếu vụ án không có đồng phạm. Trước khi ra quyết định, việc khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường phải được tiến hành. Ngoài ra, yêu cầu bồi thường thiệt hại về dân sự vẫn sẽ được chấp nhận nếu đủ điều kiện.
Theo khoản 1 điều 248 quy định về các trường hợp đình chỉ vụ án hình sự, dẫn chiếu sang điều 157 của BLTTHS năm 2015 thì vụ án thuộc trường hợp tại khoản 7 của điều 157 về việc “người thực hiện hành vi nguy hiểm đã chết”.
"Như vậy, căn cứ theo quy định của BLTTHS ăm 2015 hiện đang có hiệu lực thì nếu không có đồng phạm trong khi hung thủ đã chết thì cơ quan chức năng sẽ đình chỉ vụ án" - ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, trước khi ra quyết định không khởi tố và đình chỉ vụ án, cơ quan chức năng phải tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân chết. điều này được cụ thể hóa tại khoản 1 điều 3 của Quyết định số Số: 170/QĐ-VKSTC do VKS nhân dân tối cao ban hành ngày 2/5/2018.
|
Hiện trường vụ án mạng được phong tỏa. |
Cũng theo chuyên gia pháp lý, trong trường hợp hành vi phạm tội của hung thủ gây thiệt hại cho các bị hại và những người liên quan mà những người này có căn cứ chứng minh được thiệt hại cũng như có yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi đến cơ quan có thẩm quyền thì sẽ được chấp nhận nếu hung thủ có tài sản khi còn sống và để lại thành di sản.
Về khía cạnh pháp lý, việc yêu cầu bồi thường trong vụ án hình sự chính là chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của bộ luật dân sự 2015.
Theo đó, việc yêu cầu về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có 4 điều kiện là: có thiệt hại, hành vi gây thiệt hại là trái pháp luật, tính có lỗi của hành vi và mối quan hệ giữa hành vi và thiệt hại.
Nếu đủ 4 điều kiện này và có căn cứ chứng minh về thiệt hại của mình, những người có liên quan hoàn toàn có thể được bồi thường theo quy định của pháp luật nếu hung thủ có tài sản thuộc sở hữu của mình khi còn sống theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
>>> Xem thêm video: Nam thanh niên giết 2 nữ sinh rồi tự tử