Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thế Hùng (SN 1982) - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản và thương mại Thăng Long để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra ban đầu, năm 2004, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt và giao cho Công ty Thăng Long là chủ đầu tư để thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu đô thị phía Bắc đường trục trung tâm khu đô thị phía Nam quốc lộ 5, tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Công ty Thăng Long có trách nhiệm thi công tuyến đường trục trung tâm khu đô thị phía Nam quốc lộ 5 và hoàn thành nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất với Nhà nước. Sau đó, Công ty Thăng Long đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp, thi công một số hạng mục cơ sở hạ tầng và tuyến đường trục trung tâm.
|
Đối tượng Nguyễn Thế Hùng tại cơ quan Công an
|
Công ty Thăng Long chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa nộp tiền sử dụng đất, các công trình hạ tầng khu đô thị chưa được nghiệm thu, các nền đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, Công ty Thăng Long đã ký hợp đồng chuyển nhượng trên 2.700 lô đất trái quy định, thu tổng số tiền hơn 1.700 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan điều tra xác định dự án này chưa đủ điều kiện để tham gia giao dịch về BĐS nên việc ký hợp đồng bán các lô đất này là trái pháp luật, có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thế Hùng, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BĐS và thương mại Thăng Long.
Luật sư Cường nhận định, đây là vụ án hình sự lớn nhất từ trước đến nay liên quan đến lừa đảo trong lĩnh vực BĐS xảy ra tại Hưng Yên. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ các tình tiết của vụ án, đặc biệt là làm rõ bản chất pháp lý của dự án này, thủ đoạn gian dối của bị can và đặc biệt là sẽ chứng minh mục đích chiếm đoạt tài sản được thực hiện như thế nào.
Nếu trường hợp người mua BĐS biết rõ pháp lý của dự án, biết dự án chưa đủ điều kiện để tham gia giao dịch, nhưng vẫn ký kết các hợp đồng giao dịch thì giao dịch đó không phải là lừa đảo. Trường hợp chủ đầu tư dự án đưa ra thông tin gian dối, sai sự thật làm cho nhà đầu tư hiểu lầm mà xuống tiền nhưng không thể chuyển quyền sử dụng đất, không đủ điều kiện để khai thác sử dụng, gây thiệt hại đến tài sản của người mua, các nhà đầu tư, khi đó hành vi mới nguy hiểm cho xã hội.
Bởi vậy, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ bản chất của từng giao dịch, làm rõ thông tin các bên đưa ra để thực hiện giao dịch, đồng thời sẽ làm rõ ý chí của các bên chủ thể khi tham gia các giao dịch này để chứng minh tội phạm.
Theo quy định của pháp luật, giao dịch bất động sản chỉ hợp pháp khi đối tượng của giao dịch đủ điều kiện tham gia giao dịch, ý chí của các bên là tự nguyện, tỉnh táo, minh mẫn và thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án BĐS thương mại, chủ đầu tư phải thực hiện xong thủ tục giải phóng mặt bằng, phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước, phải xây dựng hạ tầng kĩ thuật và có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền mới được phép huy động vốn, được phép chuyển nhượng theo quy định của Luật Đất đai. Việc chuyển nhượng đó phải công khai và đăng ký theo quy định của pháp luật.
Trường hợp dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, nhưng chủ đầu tư dự án này đã đưa ra thông tin gian dối để khách hàng giao dịch bất hợp pháp, sau đó không thể thực hiện được hợp đồng, cũng không trả lại tiền, hành vi đó là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, cơ quan tiến hành tố tụng xác định giao dịch đó là bất hợp pháp, người mua bị lừa dối thì giao dịch đó không có hiệu lực pháp luật, thửa đất đó chưa phải là tài sản của doanh nghiệp, vẫn thuộc về Nhà nước và nạn nhân được quyền yêu cầu bị can trả lại số tiền đã chiếm đoạt.
Bởi vậy, trong vụ án này nếu cơ quan điều tra đề nghị truy tố, Viện Kiểm sát truy tố và tòa án kết tội đối với bị can, xác định các giao dịch đó là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các giao dịch đó sẽ bị tòa án tuyên bố vô hiệu, những người tham gia các giao dịch đó sẽ được xác định là người bị hại trong vụ án hình sự. Khi đó các bị hại có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, trong đó có quyền yêu cầu bị can phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả để trả lại toàn bộ số tiền đã nộp cho công ty này và những thiệt hại khác phát sinh (nếu có).
Những người mua BĐS ở dự án này mà bị gian dối chiếm đoạt tài sản sẽ được xác định là người bị hại và có quyền yêu cầu pháp luật bảo vệ quyền lợi cho mình, có quyền đề nghị cơ quan điều tra phong tỏa, kê biên các tài sản của bị can và của doanh nghiệp này để đảm bảo thi hành án.
Nếu dự án này không đủ điều kiện để chuyển nhượng, quá thời hạn triển khai dự án, vi phạm nghĩa vụ tài chính, UBND tỉnh Hưng Yên có quyền thu hồi dự án này theo quy định của luật đầu tư, luật đất đai hiện hành. Quyền lợi của những người bị hại sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật trong vụ án hình sự.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
|
Trong trường hợp bị can nhận thức được sai phạm của mình, thành khẩn khai báo ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi tòa án lượng hình. Trường hợp bị can tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho người bị hại hoặc những người thân thích của bị can bồi thường khắc phục hậu quả thì những người bị hại có cơ hội nhận lại số tiền đã bị chiếm đoạt. Trường hợp bị can không tự nguyện bồi thường và những người thân của bị can không tự nguyện bồi thường thiệt hại thì phải chờ vào kết quả xét xử, thi hành án.
Theo kết quả xác minh ban đầu, số tiền chiếm đoạt 1.700 tỷ đồng, đây là số tiền đặc biệt lớn, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền này đã được chi phí sử dụng như thế nào để thu hồi trả lại cho những người bị hại.
Cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục làm rõ ngoài bị can đã bị khởi tố còn có ai giúp sức cho bị can thực hiện hành vi phạm tội hay không, sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều giao dịch, nhiều tổ chức cá nhân và liên quan đến thủ tục hành chính pháp lý của dự án nên cơ quan điều tra sẽ từng bước làm rõ các tình tiết của vụ án để giải quyết theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bị bắt vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Hòa thượng “dởm” khai gì?