Quảng cáo lừa dối (?!)
Như đã thông tin trong bài viết “Công ty LQ Korea Shopping bị “tố” bán hàng không hóa đơn, không tem nhãn phụ” về những bất thường trong hoạt động tổ chức hội thảo, giới thiệu, bán sản phẩm Cao hắc sâm Hàn Quốc cho người cao tuổi tại xã Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội. Theo đó, để thu hút người cao tuổi tham gia hội thảo, đơn vị này nhấn mạnh việc người cao tuổi đến dự dù không mua sản phẩm cũng đều được nhận quà. Điều này đã hấp dẫn các người già, ở nhà không có việc gì mà đến đây chỉ đến ngồi nghe khoảng 1 giờ đồng là cũng có quà mang về. Người này truyền tai người kia, rồi người người đổ về xóm Đình, thôn Đỗ Xá, dần dần đông như hội, mỗi buổi có hàng trăm các cụ tham dự chương trình.
Cụ N.T.K., năm nay đã gần 80 tuổi, sống tại thôn Đỗ Xá cho biết, công ty liên tục giới thiệu rằng đây là công ty của Hàn Quốc. “Thấy họ giới thiệu còn có giám đốc người Hàn Quốc nhưng bảo về mấy lần mà chưa thấy. Địa điểm này (nơi tổ chức hội thảo, gặp mặt khách hàng và bán hàng – PV) cũng là do anh Quyết thuê lại của một người dân” – bà K. nói.
Thậm chí, trên giới mời của Công ty LQ Korea Shopping phát cho các cụ già còn ghi rõ và bôi đậm để nhấn mạnh dòng chữ: “Công ty TNHH LQ Korea Shopping là công ty đến từ Hàn Quốc”.
|
Giấy mời quảng cáo công ty LQ Korea Shopping đến từ Hàn Quốc nhưng sự thật thì không phải vậy. |
Tìm hiểu thêm thông tin về công ty LQ Korea Shopping, PV khá bất ngờ về doanh nghiệp này. Theo đó, thông tin trên Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp cho biết, đơn vị này là Công ty TNHH LQ KOREA SHOPPING, có địa chỉ tại Xóm Đình, thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, Thường Tín.
Công ty này được cấp phép thành lập vào ngày 03/06/2022, tức đến nay mới chỉ hơn “1 tháng tuổi” kể từ khi thành lập. Và cũng chỉ cần hơn 2 tuần để đơn vị này bắt đầu khai trương, bán sản phẩm cho người cao tuổi tại xã Vạn Điểm (khai trương ngày 21, 22/6). Người đại diện theo pháp luật của Công ty là ông Trần Kiên Quyết chứ không phải người Hàn Quốc nào đứng tên. Như vậy, rõ ràng đây là công ty thuần Việt chứ không phải công ty đến từ Hàn Quốc như công ty tự quảng cáo. Vậy mục đích của việc quảng cáo sai thông tin này nhằm động cơ, mục đích gì?
Cũng trong giấy mời, công ty LQ Korea Shopping tiếp tục “nổ”: “Công ty chúng tôi chuyên nghiên cứu về sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp dành cho phụ nữ.” Với công ty chỉ có tuổi đời hơn 1 tháng tuổi thì lời quảng cáo “chuyên nghiên cứu về sức khỏe” nghe có vẻ hoang đường, phi thực tế. Vậy bộ phận nghiên cứu của công ty gồm những chuyên gia nào? Nằm ở đâu? Hay mục đích chính của công ty chỉ nhằm thổi phồng thông tin công ty, quảng cáo sai sự thật để tạo niềm tin cho khách hàng và bán sản phẩm?
|
Người dân xã Vạn Điểm mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc xác minh nguồn gốc xuất xứ, cũng như chất lượng của những lọ cao hắc sâm mà họ đã mua của Công ty LQ Korea Shopping. |
Một cụ già gần 80 tuổi (khách hàng tham dự hội thảo xin giấu tên -PV) cung cấp: “Thành viên công ty tổ chức gồm 7 người, 3 nam 4 nữ. Trong đó, 4 nhân viên nữ là Công ty thuê những cháu nhỏ ở địa phương. Còn 3 anh nam 1 người tên Quyết, 1 người tên là An, 2 người quê ở Hà Nam và Hưng Yên. Đặc biệt, dù bán sản phẩm có giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng, nhưng không thấy công ty xuất hóa đơn bán lẻ hay hóa đơn đỏ nào cho khách hàng.”
Vậy với một sản phẩm không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có thông tin về tem nhãn phụ hay pháp nhân nhập khẩu, không xuất hóa đơn cho khách hàng khi mua thì quyền lợi của người tiêu dùng khi không may sự cố xảy ra sẽ được giải quyết như thế nào? Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nói gì về hoạt động của Công ty này?
Chính quyền không biết họ bán gì
Mặc dù Công ty LQ Korea Shopping tổ chức hội thảo, giới thiệu và bán hàng rầm rộ hơn một tháng nhưng chính quyền địa phương tại đây lại tỏ ra rất bất ngờ khi chúng tôi đề cập đến.
Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội cho hay: “Bản thân tôi cũng không biết họ bán cái gì. Khi họ đủ giấy tờ pháp lý thì mình không thể cấm người ta kinh doanh được”. Khi chúng tôi hỏi về những giấy tờ pháp lý mà công ty này trình lên ủy ban thì ông Hà cho rằng, bản thân ông chưa nhận hồ sơ của đơn vị bán hàng đó. Khi đại diện công ty lên trình bày ông Hà chỉ nhìn qua, sau đó bảo cầm đi.
“Họ mang hồ sơ lên gồm giấy phép kinh doanh, hợp đồng lao động, hợp đồng thuê nhà. Sau đó tôi có giao cho phía công an xã xuống kiểm tra xác minh, đồng thời thông báo cho Công an kinh tế và quản lý thị trường để nắm xem họ hoạt động thế nào” – ông Hà cho biết,
Trong khi đó, đại úy Đinh Văn Trinh - Trưởng Công an xã Vạn Điểm lại cho hay: "Đã trao đổi với Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm về việc các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Doanh nghiệp đến địa phương kinh doanh thì phải có giấy phép kinh doanh, hợp đồng lao động, hợp đồng thuê nhà,… Những giấy tờ này thì đại diện phía doanh nghiệp cũng đã ra UBND xã để báo cáo với đồng chí Chủ tịch."
|
Sản phẩm do công ty LQ Korea Shopping bán được quảng cáo nhập khẩu 100% nhưng không có tem nhãn phụ theo quy định. |
“Với chức năng nhiệm vụ của công an xã thì không thể cấm đoán việc doanh nghiệp về kinh doanh tại địa bàn, đối với việc kiểm tra thì cũng cần các quyết định, kế hoạch kiểm tra. Phía công an xã cũng đã thực hiện 4 lần kiểm tra tại doanh nghiệp này. Về các giấy tờ hợp pháp hay không hợp pháp, đầu vào đầu ra” – đại úy Trinh nói. Tuy nhiên khi chúng tôi có đề xuất xin những biên bản làm việc giữa công an xã và phía doanh nghiệp thì ông Trinh không cung cấp vì lý do nghiệp vụ.
Theo Trưởng Công an xã Vạn Điểm, đã có tới 5 lần Chủ tịch UBND xã chỉ đạo nếu có tụ tập đông người đang trong thời gian chống dịch Covid -19 phải giải tán. Đặc biệt các hoạt động tư vấn sử dụng loa đài, nhạc, làm ồn đến bà con cũng phải giải tán, không để ảnh hưởng đến an ninh trật tự. “Tháng 6 công ty về đây là ngay buổi đầu tiên là cơ quan công an đã ra rồi, họ gặp hết các đơn vị liên quan để chứng minh pháp lý. Bên đó cũng cam kết thuận mua vừa bán, mặt hàng niêm yết rõ ràng. Sau đó họ bán được 1 – 2 buổi là lại cấm, làm sao họ hoạt động dài kỳ được. Tôi thấy không có ai ra, thi thoảng có các bà ra vì tò mò nên mới đi”.
|
Đại úy Đinh Văn Trinh - Trưởng Công an xã Vạn Điểm cho rằng qua theo dõi thì không thấy người dân tham dự, nhưng thực tế PV ghi nhận thì trái ngược với phát biểu của công an xã. |
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên và chia sẻ của người dân thì khoảng hơn 1 tháng này ngày nào cũng diễn ra hội thảo đều đặn 1 ngày 2 buổi. Số lượng người tham gia rất đông.
Công ty LQ Korea Shopping hoạt động bán hàng, hội thảo rầm rộ, sản phẩm nhập khẩu không có tem nhãn phụ, quảng cáo sai sự thật... có nhiều dấu hiệu đáng ngờ thế nhưng cả chính quyền địa phương và công an lại trả lời: "Chúng tôi không biết họ bán gì!". Vậy các cơ quan này đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? nếu có sai phạm thì trách nhiệm người đứng đầu sẽ thế nào? Mời quý vị độc giả đón đọc bài 4 trong loạt phóng sự "Công ty LQ Korea Shopping bị “tố” bán hàng không hóa đơn, không tem nhãn phụ”.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin!