Cty Frit Phú Sơn tự ý xây dựng miếu thờ trái phép ở Huế: Xử lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Công ty cổ phần Công nghệ Frit Phú Sơn ngang nhiên xây dựng công trình đền miếu, điện thờ trong khuôn viên Nhà máy sản xuất men frit tại KCN Phú Đa. Dư luận quan tâm, nếu công trình trên không được cấp phép sẽ bị xử thế nào?

Công trình đền miếu, điện thờ bề thế mọc lên trong khuôn viên Nhà máy sản xuất men Frit thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Frit Phú Sơn tại Lô CN 17, KCN Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế khiến dư luận quan tâm.
Nhà máy sản xuất men frit của Công ty Phú Sơn vừa đưa vào vận hành từ tháng 8/2019, với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Trong thủ tục giao đất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, đây là đất KCN khoảng 5ha dùng để xây dựng nhà xưởng sản xuất men frit, kho bãi, nhà điều hành, hệ thống xử lý chất thải…không có hạng mục thờ tự tâm linh.
Do vậy, việc mọc lên khu đền miếu, điện thờ bề thế với kết cấu kiên cố, kiến trúc giả cổ cùng những hạng mục phụ trợ bằng bê tông cốt thép khiến dư luận đặt câu hỏi về tính hợp pháp của công trình này và nếu công trình không hợp pháp, sẽ xử lý thế nào theo quy định pháp luật?
Cty Frit Phu Son tu y xay dung mieu tho trai phep o Hue: Xu ly the nao?
 
Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội dẫn điều 34 Nghị định 92/2012/NĐ-CP quy định việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải xin cấp giấy phép xây dựng.
Cụ thể, công trình tín ngưỡng là những công trình như: Đình, đền, am, miếu, từ đường, nhà thờ họ và những công trình tương tự khác.
Công trình tôn giáo là những công trình như: Trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, tượng đài, bia, tháp và những công trình tương tự của các tổ chức tôn giáo,
Công trình phụ trợ là những công trình không sử dụng cho việc thờ tự của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, như: Nhà ở, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, tường rào khuôn viên cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các công trình tương tự khác.
Luật sư Cường cho rằng, việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình theo quy định nêu trên và những công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
“Miếu thờ là công trình tín ngưỡng, phải xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Luật xây dựng 2014, Thông tư 10/2012/TT-BXD.Trường hợp xây dựng các công trình tín ngưỡng, thờ tự không có giấy phép, sử dụng đất không đúng mục đích thì sẽ bị xử phạt hành chính, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm”, Luật sư Cường cho hay.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng được quy định tại nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính Phủ.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 5, điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP thì mức xử phạt như sau:
5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Khoản 11. Điều 5 quy định biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
d) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 6 và khoản 7 Điều này.
Luật sư Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật nêu trên thì chính quyền địa phương có quyền áp dụng nghị định 139 để xử phạt hành chính đối với công trình xây dựng trái phép này và buộc chủ đầu tư phải tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Trong trường hợp cố tình không tháo dỡ thì có thể cưỡng chế tháo dỡ theo quy định pháp luật.
Cty Frit Phu Son tu y xay dung mieu tho trai phep o Hue: Xu ly the nao?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.
Luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến, pháp luật quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, trong khuôn khổ pháp luật, tránh việc lợi dụng tự do tín ngưỡng để xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
“Những hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng để gây rối, kích động, gây mất an ninh trật tự hoặc truyền bá tôn giáo trái phép, tuyên truyền những tư tưởng mê tín dị đoan thì sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Mời độc giả xem clip Xây công trình tâm linh có thật sự linh thiêng? - Nguồn VTC 14:
  
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)