CSGT bị hất văng ở Hải Phòng: Dấu hiệu tội giết người hay Cố ý gây thương tích?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ việc thiếu niên 16 tuổi chạy xe không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh đâm vào CSGT đang làm nhiệm vụ đang khiến giới luật sư tranh luận về việc có dấu hiệu tội Giết người hay cố ý gây thương tích.

Dấu hiệu tội Giết người hay Cố ý gây thương tích?
Vụ việc Đỗ Văn Thắng – 16 tuổi trú tại xã Thái Sơn (An Lão, Hải Phòng) điều khiển xe mô tô BKS 15D1-294.35 vi phạm các lỗi không đội mũ bảo hiểm và chạy quá tốc độ, tông vào một CSGT và hất văng cán bộ này lên cao gây thương tích nặng đang thu hút sự chú ý của dư luận về vấn đề pháp lý về hành vi của nam thiếu niên.
Trong đó, một số Luật sư cho rằng, hành vi của Đỗ Văn Thắng đã có dấu hiệu của tội Giết người. Tuy nhiên, một số luật sư khác lại cho rằng, hành vi đó có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích.
Mời quý vị độc giả xem video: CSGT bị hất văng ở Hải Phòng
 
Theo đó, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, hành vi này của Thắng đã xâm phạm đến tính mạng của người khác, đủ yếu tố cấu thành nên Tội giết người được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
CSGT bi hat vang o Hai Phong: Dau hieu toi giet nguoi hay Co y gay thuong tich?
 Hình ảnh cắt từ clip ghi lại sự việc CSGT bị người vi phạm hất tung.
Bảo vệ quan điểm này, Luật sư Bình cho biết, đối tượng Đỗ Văn Thắng đã nhìn thấy tổ công tác và thượng úy Nguyễn Trọng Quý - cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Cơ động (Công an huyện An Lão) từ xa nhưng thay vì dừng xe theo hiệu lệnh của CSGT Quý thì Thắng đã bất chấp chạy với tốc độ cao, cố ý lái xe tông thẳng vào thượng úy Quý để dẫn đến tai nạn cho vị chiến sĩ CSGT này. Đặc biệt, đối tượng đã sử dụng phương tiện nguy hiểm" là chiếc xe máy chạy với tốc độ cao để tấn công thượng úy Quý”.
Cùng quan điểm trên, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, có thể xem xét xử lý hình sự về tội giết người đối với kẻ lái xe hất văng CSGT kể cả trong trường hợp cảnh sát giao thông này không thiệt mạng.
“Người này điều khiển phương tiện cơ giới với tốc độ rất cao, đường vắng, với khoảng cách đó hoàn toàn có thể quan sát được cảnh sát giao thông đang hiệu lệnh yêu cầu dừng xe. Trong tình huống giao thông như vậy, người này hoàn toàn có thể dừng xe để CSGT kiểm tra hành chính hoặc có thể tránh Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ nhưng người lái xe lại không thực hiện các thao tác để giảm tốc độ, tấp lề đường hoặc chuyển hướng mà lại lao thẳng vào cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, đang ra hiệu lệnh dừng xe”- luật sư Cường cho biết.
Luật sư Cường cũng cho rằng, theo quy định của pháp luật thì phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ này phải chịu trách nhiệm trong quá trình sử dụng phương tiện.
“Hành vi sử dụng phương tiện giao thông (nguồn nguy hiểm cao độ) như một công cụ để trả thù hoặc là công cụ để gây án, gây thương tích, tấn công người khác thì đây là hành vi hết sức nguy hiểm, hành vi này là tình tiết định tội về tội giết người hoặc là các tình tiết định không tăng nặng hình phạt với tình tiết là phương tiện có thể gây nguy hại cho nhiều người...” - luật sư Cường cho biết.
Ở một quan điểm khác, Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho rằng, hành vi của Đỗ Văn Thắng không phải tội Giết người mà có dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích.
Luật sư Thơm cũng cho rằng, hành vi của thanh niên điều khiển xe mô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, chạy với tốc độ cao, không chấp hành tín hiệu dừng xe của đồng chí CSGT là hành vi nguy hiểm đến tính mạng người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, trong trường hợp này, hành vi của thanh niên được xác định tuy không mong muốn tước đoạt tính mạng người khác nhưng đã có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra khi điều khiểm xe mô tô đâm xe mô tô vào đồng chí CSGT.
“Lỗi của thanh niên điều khiển xe mô tô đâm vào đồng chí CSGT trong trường hợp này được xác định là Lỗi cố ý gián tiếp quy định tại khoản 2 Điều 10 BLHS "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra” - luật sư Thơm nêu ý kiến.
Như vậy, theo luật sư Thơm, hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về hậu quả đến đó. Nếu gây hậu quả chết người thì thanh niên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123 BLHS.
“Cho đến thời điểm này, theo thông báo, tính mạng đồng chí CSGT được đảm bảo. Như vậy có đủ căn cứ xác định hành vi của thanh niên điều khiển xe mô tô có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 BLHS. Tỷ lệ thương tích của đồng chí CSGT càng cao thì thanh niên này phải chịu hình phạt tương ứng tăng nặng theo định khoản của Điều 134 BLHS” - luật sư Thơm cho biết.
Cảnh sát giao thông xuống lòng đường, dừng xe xử phạt có đúng?
Liên quan vụ việc trên, dư luận đề cập đến sự việc xảy ra vào thời điểm tổ công tác của đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Cơ động Công an huyện An Lão đang thực hiện nhiệm vụ.
Khi phát hiện tại Tỉnh lộ 354 khu vực chợ Thái (địa phận thôn Tân Nam, xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng), nam thanh niên Đỗ Văn Thắng điều khiển xe mô tô BKS: 15D1-294.35 theo hướng từ cầu Khuể đi Kiến An, vi phạm các lỗi không đội mũ bảo hiểm và chạy quá tốc độ 61/50 km/h.
Tổ công tác đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra nhưng Đỗ Văn Thắng không chấp hành mà điều khiển xe lao thẳng vào Tổ công tác. Vậy CSGT có được xuống lòng đường dừng xe xử lý vi phạm?
CSGT bi hat vang o Hai Phong: Dau hieu toi giet nguoi hay Co y gay thuong tich?-Hinh-2
 Hình ảnh CSGT ra giữa đường chặn xe xử vi phạm.
Trao đổi về vấn đề này, cả Luật sư Nguyễn Anh Thơm và Luật sư Diệp Năng Bình đều cho rằng, theo các quy định, CSGT được phép áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật
Luật sư Nguyễn Anh Thơm đã dẫn căn cứ khoản 1, 2, 3 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA về quyền hạn của CSGT quy định:
1. Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
2. Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.
3. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”. 
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)