Không tuân thủ quy định cách ly, nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines đã khiến bản thân bị nhiễm bệnh và lây ra cộng đồng. Hành vi vi phạm rất nghiêm trọng này không chỉ ảnh hưởng đến thành quả phòng chống dịch trong 88 ngày sạch bóng COVID-19 mà còn ngay lập tức tác động tiêu cực đến cộng đồng.
Tác động có thể thấy trước tiên là hàng chục nghìn học sinh, sinh viên tại TP HCM đã phải tạm thời nghỉ học để phòng chống dịch bệnh do liên quan đến BN 1342 và BN 1347. Số liệu thống kê đến chiều 2/12 cho thấy, hơn 50.000 các trường Đại học HUTECH, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Công nghệ TP HCM, ĐH Tôn Đức Thắng phải tạm thời nghỉ học tập trung để chuyển sang giảng dạy trực tuyến.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: SGGP |
Trước đó, hàng nghìn học sinh tiểu học tại 4 trường Võ Văn Tần; Nguyễn Huệ; Lê Văn Tám; Bình Tiên (quận 6, TP HCM) phải tạm nghỉ học để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19. Ngoài ra, Trung tâm Anh ngữ Key English cũng ra thông báo dừng các lớp học tại các cơ sở ở TP HCM từ ngày 30/11 đến 14/12 để đảm bảo an toàn.
Nhưng ảnh hưởng chưa dừng lại ở đó khi nguy cơ cho cộng đồng đang dần hiện hữu. Thực tế, ngay sau khi phát hiện 3 ca nhiễm cộng đồng, UBND Quận 6, TP HCM đã phải phong tỏa 3 khu vực liên quan đến các ca nhiễm. Tại phiên họp Chính phủ ngày 2/12, Thủ tướng cũng chỉ đạo những khu vực có nguy cơ cao xem xét giãn cách, khu vực khác hoạt động bình thường trên tinh thần không hoang mang, nhưng không chủ quan, lơ là để thực hiện mục tiêu kép. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu "bảo vệ sức khỏe cho người dân là quan trọng nhất".
Nếu tình hình tiếp tục nóng lên, COVID-19 tiếp tục lây nhiễm ra cộng đồng, lan ra nhiều địa phương như đã từng xảy ra trong đợt 1 và đợt 2 năm 2020, liệu hàng quán có phải tiếp tục đóng cửa, công ty, doanh nghiệp có phải thực hiện luân phiên làm việc để cách ly an toàn. Đó không chỉ là câu hỏi mà có thể sẽ hiện hữu khi tình hình dịch bệnh có chiều hướng xấu đi.
Chúng ta vẫn có rất nhiều niềm tin COVID-19 sẽ tiếp tục được ngăn chặn khi phát hiện, khoanh vùng sớm và Chính phủ cùng các Bộ, ngành địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn một cách hiệu quả, tuy nhiên, không thể không nghĩ đến những tình huống xấu nhất sẽ xảy ra.
Trong hai đợt dịch trước, dịch bệnh COVID-19 đã tác động và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tác động về kinh tế khi gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm…
Một con số thống kê cho thấy, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2020, đã có 93.500 doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể và phá sản. Chỉ tính riêng ngành du lịch, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại 23 tỷ USD, khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động.
Ở góc độ đời sống xã hội, dịch bệnh đã từng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân khi phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Hơn 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập, chưa kể đến việc cuộc sống người dân gặp nhiều bí bách, hàng trăm nghìn học sinh ở các địa phương có dịch từng phải nghỉ học tập trung, chuyển sang học trực tuyến…
Đến nay, Chính phủ đã tung ra nhiều gói hỗ trợ với tổng số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng để giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người yếu thế ổn định cuộc sống. Tuy nhiên những thiệt hại do đại dịch vẫn chưa thể khắc phục hoản toàn.
Nhắc lại những ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong hai đợt bùng phát dịch từ đầu năm 2020 đến nay để thấy được sự ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng của đại dịch này đến kinh tế xã hội. Nếu xảy ra tình trạng dịch bùng phát mạnh trong thời gian tới thì doanh nghiệp, người dân khó có thể xoay sở khi tết đã cận kề.
Bởi trải qua hai đợt dịch bệnh, những khó khăn của các doanh nghiệp vẫn còn đó, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa hết khó khăn. Những tháng cuối năm, tưởng như việc sạch bóng COVID-19 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, ở thời điểm cả nước đang chạy nước rút với sự khởi sắc của nền kinh tế thì nguy cơ dịch bệnh lại hiện hữu từ chính sự thiếu ý thức trong phòng chống dịch bệnh của một số cá nhân, tổ chức. Dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại cũng đồng nghĩa với việc các hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch và đời sống người dân sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Trên tinh thần không hoang mang, không chủ quan, lơ là, để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thủ tướng và các Bộ ngành, địa phương đang chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng nhất trong phòng, chống dịch bệnh vẫn chính là việc nâng cao ý thức của người dân và các đơn vị, tổ chức. Trước hết, cần xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra lây nhiễm, vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng, chống dịch COVID-19 để có tính răn đe, tránh những vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian tới.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhiều đối tượng chưa nhận được tiền hỗ trợ COVID-19