Covid-19: Nguy cơ thiệt hại cho nền kinh tế, ứng phó thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Covid-19 đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và nền kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy chúng ta ứng xử thế nào để giảm thiệt hại do dịch bệnh?

Tính đến ngày 25/3, dịch bệnh Covid -19 đã lây ra 197 quốc gia, vùng lãnh thổ với 522.614 người mắc, 18.892 người tử vong. Trong đó, châu Âu hiện là khu vực có số mắc và tử vong cao nhất, tiếp đến là châu Á, khu vực Bắc Mỹ (Mỹ và Canada)…
Cập nhật tình hình dịch bệnh từ Bộ Y tế tính đến tối ngày 25/3 cho thấy cho biết, tại Việt Nam đã ghi nhận 141 trường hợp mắc Covid-19. Tính đến 12h trưa nay, có 117 bệnh nhân đang được điều trị tại 16 cơ sở khám, chữa bệnh (85 người Việt Nam, 32 người nước ngoài). Trong đó, 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; 26 bệnh nhân âm tính lần 1, 7 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần 2.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khoẻ (cách ly) là 46.933 người, trong đó có 412 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 20386 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 26.135 người đang cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Covid-19 đang gây ảnh hưởng, tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội. Vậy ứng phó với dịch bệnh thế nào để đảm bảo an toàn, giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế. PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về nội dung trên.
Covid-19: Nguy co thiet hai cho nen kinh te, ung pho the nao?
 Covid-19 đang gây ảnh hưởng, tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội. Ảnh: Thương gia.
Covid-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và nền kinh tế
Thưa Luật sư Đặng Văn Cường, Covid-19 đang lan rộng và diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của dịch bệnh đến cuộc sống người dân và nền kinh tế hiện nay?
Hiện nay, Covid 19 đang có nhiều diễn biến phức tạp khi tiếp tục bùng phát tại các nước Châu Âu với tốc độ lây nhiễm rất nhanh và số ca tử vong tăng cao, vượt qua cả Trung Quốc – quốc gia có số ca nhiễm ghi nhận cao nhất thế giới, đã cho thấy mức độ nguy hiểm đáng báo động đối với dịch bệnh này.
Như số liệu thống kê trên, có thể thấy số ca bị nhiễm trên thế giới vẫn không ngừng tăng lên, số ca tử vong cũng lên đến hơn 18.000 người. Đây thật sự là một con số khủng khiếp của dịch bệnh này khi đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người trên thế giới.
Do vậy, các nước cần có những biện pháp rõ ràng, nghiêm ngặt để đối phó, ngăn chặn sự lây lan chóng mặt của dịch bệnh này thì mới có thể kiểm soát được nó. Cùng với đó là những biện pháp y tế để đảm bảo chữa trị cho các ca nhiễm mới có thể hoàn toàn khống chế được dịch bệnh này.
Thứ hai, việc dịch bệnh tiếp tục không có dấu hiệu suy giảm mà đã lan rộng ra rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khiến không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn khiến nền kinh tế của toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề, kể cả các thị trường lớn như Trung Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ hay những nước đang phát triển như thị trường Đông Nam Á cũng bị tác động không nhỏ, bao gồm tất cả các lĩnh vực như dịch vụ thương mại, sản xuất, du lịch, hàng không…
Việc dịch bệnh lây lan nhanh, không kiểm soát khiến cho các quốc gia phải áp dụng biện pháp như: hạn chế tụ tập nơi đông người, đóng cửa các hàng quán, khách sạn, cấm xuất nhập cảnh, đóng cửa biên giới hay thậm chí là phong tỏa, khiến cho nền kinh tế lao đao, thị trường xuất nhập khẩu “đóng băng”, “tê liệt”, các hãng hàng không, các dịch vụ du lịch, nhà hàng,… cũng bị ngưng trệ.
Tại Trung Quốc, kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại thành phố Vũ Hán đã khiến cho quốc gia đông dân nhất thế giới bị thiệt hại nặng nề, cụ thể là các ngành bán lẻ, du lịch, khách sạn, nhà hàng tại Trung Quốc phải ‘chịu trận’ đầu tiên. Từ đầu năm, các hãng hàng không Trung Quốc đã mất từ 5% đến 10% giá trị tài sản chứng khoán, tiếp sau đó là thị trường chứng khoán ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ đã cũng có dấu hiệu bất ổn.
Tại các nước Châu Âu – EU, Hoa Kỳ, do Trung Quốc là thị trường sản xuất và tiêu thụ lớn của các nước trên thế giới nên khi Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm kinh tế cũng kéo theo các nền kinh tế khác bị ảnh hưởng.
Không những thế, hiện nay dịch bệnh tiếp tục bùng phát tại các nước Châu Âu khiến cho nền kinh tế của các nước này bị ảnh hưởng ít nhiều. Cùng với đó, hiện tất cả đang tập trung hoàn toàn cho công tác phòng chống dịch bệnh nên nền kinh tế chắc chắn bị giảm sút và cần nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Cụ thể như Ý đã có lệnh phong tỏa toàn quốc từ tuần trước, các nước khác cũng có lệnh đóng cửa biên giới nên các dịch vụ du lịch, hàng không, nhà hàng, dịch vụ phải ngừng hoạt động,…
Tại thị trường Việt Nam trong thời gian qua, chúng ta chứng kiến hàng loạt các cuộc giải cứu như dưa hấu, thanh long, sầu riêng,…Trong trường hợp cấm biên tiếp tục diễn ra, sản lượng xuất khẩu nông sản tiếp tục giảm mạnh. Khó khăn của người nông dân không chỉ là tiêu thụ nông sản, mà còn là nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là không đủ để cung cấp cho thị trường trong trường hợp cấm biên dài hạn.
Không những thế, các dịch vụ, du lịch, nhà hàng khách sạn, hàng không, xuất khẩu hiện nay cũng bị ảnh hưởng, khiến cho nền kinh tế trong nước sụt giảm nghiêm trọng.
Do vậy, tôi cho rằng trong thời gian tới khi dịch bệnh chưa được kiểm soát, nền kinh tế vẫn còn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề và phải cần một thời gian đủ dài để mới có thể phục hồi nền kinh tế.
Covid-19 ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp Việt Nam?
Luật sư đánh giá thế nào về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp Việt Nam?
Trong hơn 3 tháng qua, Covid 19 bùng phát tại nhiều quốc gia, đã cho thấy rõ tác động của nó với nền kinh tế, thậm chí có những tác động gián tiếp chưa thể đo đếm ngay được đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Thứ nhất, ngành nông sản thời gian qua, chúng ta chứng kiến hàng loạt các cuộc giải cứu như dưa hấu, thanh long, sầu riêng,…, Trong trường hợp cấm biên tiếp tục diễn ra, sản lượng xuất khẩu nông sản tiếp tục giảm mạnh. Khó khăn của người nông dân không chỉ là tiêu thụ nông sản, mà còn là nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là không đủ để cung cấp cho thị trường trong trường hợp cấm biên dài hạn.
Không chỉ nông sản mà việc xuất khẩu thủy hải sản, may mặc …sang các thị trường Châu Âu, Hòa Kỳ cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề khi các nước này đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như phong tỏa, cấm biên giới cũng như cấm xuất nhập khẩu từ các nước khác.
Tại thị trường trong nước, việc đóng cửa biên giới, hạn chế tụ tập nơi đông người cũng khiến cho các ngành dịch vụ, du lịch, nhà hàng khách sạn, hàng không, xuất khẩu của nước ta ngưng trệ, khiến cho nền kinh tế trong nước sụt giảm nghiêm trọng. Từ ngày 22/3/2020, chúng ta đã cấm nhập cảnh hoàn toàn đối với người nước ngoài khiến cho ngành du lịch đã ngừng hoạt động một phần…
Covid-19: Nguy co thiet hai cho nen kinh te, ung pho the nao?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Liệu Covid-19 có làm gia tăng các tranh chấp, khiếu kiện trong các quan hệ dân sự, kinh tế hay không và giải pháp nào cho cá nhân, doanh nghiệp để giảm bớt các thiệt hại khi có tranh chấp xảy ra?
Trong tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp nên vừa qua, một số cơ quan tố tụng đã có chỉ thị về việc tạm dừng một số hoạt động tố tụng trong giai đoạn tháng 3, như mới đây Tòa án NDTC đã có Chỉ thị số 02/2020/CT-CA ngày 10/3/2020 về việc tạm hoãn một số hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân các cấp nhằm phòng chống dịch Covid-19 bao gồm hoãn các phiên tòa trong tháng 3, hạn chế triệu tập đương sự, tiếp nhận, giải quyết đơn thư,….. hay Bộ tư pháp đã có văn bản hỏa tốc đối với các Chi cục, Cục thi hành án dân sự hạn chế triệu tập đương sự, tạm dừng một số hoạt động để phòng chống dịch Covid 19….
Như vậy, có thể thấy trong giai đoạn này, một số hoạt động tố tụng của Cơ quan có thẩm quyền sẽ bị ngưng lại.
Thứ hai, trong giai đoạn này, tình hình dịch vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, nhiệm vụ chính vẫn là phòng chống dịch bệnh nên tôi nghĩ rằng có chăng thì các tranh chấp, khiếu kiện sẽ gia tăng sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, đã được kiểm soát và khi mọi hoạt động trở lại bình thường.
Bởi nguyên nhân tranh chấp phải xuất phát từ những hoạt động, giao dịch hàng ngày, nếu hoạt động bị ngưng trệ thì tranh chấp cũng khó phát sinh.
Thứ ba, thời điểm này là giai đoạn khó khăn không chỉ của một cá nhân, tổ chức mà là khó khăn chung đối với nền kinh tế. Do đó trước hết, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của Chính Phủ và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức có liên quan trong hoạt động thương mại, sản xuất…. nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh được hiệu quả.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp nên có sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau trong thời điểm này, chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát thì chúng ta mới có thể ổn định nền kinh tế, do đó tôi cho rằng nhiệm vụ phòng chống bệnh cũng phải đặt lên hàng đầu.
Cần làm gì để giảm thiểu những thiệt hại
Theo ông, mỗi tố chức, cá nhân cần làm gì để giảm thiểu những thiệt hại cho bản thân và khả năng vực dậy nền kinh tế sau dịch?
Khi Covid - 19 diễn ra trong một thời gian ngắn, chẳng hạn hai hoặc ba tháng, một phần của nền kinh tế hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn, tôi cho rằng nền kinh tế có khả năng rơi vào suy thoái. Khi những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu sẽ không thể cầm cự được thêm, buộc phải ngừng hoạt động và sa thải nhân công.
Sẽ có nhiều kịch bản xảy ra cho nền kinh tế Việt Nam hậu dịch bệnh Covid-19. Mức độ tác động tới Việt Nam như thế nào, khôi phục hay suy thoái sẽ phụ thuộc vào thời gian kết thúc dịch bệnh cũng như tác động của dịch bệnh đối với các nền kinh tế toàn cầu.
Nếu may mắn, dịch bệnh kết thúc sớm trong tháng tới tại Việt Nam và được khống chế lây lan trong phạm vi toàn cầu, đa phần các hoạt động kinh tế sẽ vận hành bình thường trở lại. Những doanh nghiệp hoạt động cầm chừng trước đây sẽ hồi phục năng lực sản xuất. Thậm chí nhu cầu sẽ bùng phát mạnh hơn sau thời gian này khiến cho tốc độ tăng trưởng tăng mạnh để bù lại những thiệt hại trong thời gian qua.
Trong trường hợp dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài thì có lẽ Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung ứng mới và thị trường mới để thay thế và hồi phục sản xuất.
Đây là những công việc Chính phủ có thể cần làm ngay từ bây giờ như các chính sách hỗ trợ thuế, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sẽ là các biện pháp khả thi.
Nhiều ý kiến cho rằng nên dùng các gói hỗ trợ kích cầu kinh tế đơn thuần nhưng tôi đây không phải biện pháp tối ưu, bởi lẽ tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân bị suy giảm không phải do vấn đề tiền bạc, lạm phát mà là do lo ngại dịch bệnh khiến cho nhu cầu bị co lại tạm thời.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng ta cần có tâm lý tích cực với triển vọng chống lại dịch bệnh, còn doanh nghiệp cần có tâm lý tích cực đối với triển vọng kinh tế.
Về bản chất việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh khiến cho nhu cầu đi lại và tiêu dùng giảm trong ngắn hạn, đồng thời khiến cho các ngành dịch vụ thương mại từ đó bị suy giảm.
Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính Phủ với cá nhân, doanh nghiệp trong việc kích cầu tiêu dùng thì mới có thể phục hồi nền kinh tế như tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu; Khẩn trương phục hồi và phát triển nghành du lịch , hàng không; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh.
Cùng với đó nên tập trung xử lý vướng mắc về lao động, đẩy mạnh thông tin truyền thông, kích cầu tiêu dùng.
Trách nhiệm của mỗi cá nhân thế nào để việc phòng chống Covid-19 đạt hiệu quả?
Luật sư đánh giá thế nào về việc thực hiện phòng chống dịch hiện nay theo các quy định của pháp luật? Trách nhiệm của mỗi cá nhân hiện nay ra sao để việc phòng chống dịch đạt hiệu quả?
Tôi cho rằng hiện nay công tác kiểm soát, phòng chống dịch của nước ta đang triển khai rất tốt, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ của rất nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân trong công tác phòng chống dịch. Mặc dù số ca nhiễm có dấu hiệu tăng nhưng về cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Từ khi dịch bệnh xâm nhập, chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp đối phó với dịch như cách ly tại chỗ, cách ly tập trung, đã huy động nhiều lực lượng tham gia, đặc biệt là lực lượng quân đội để ứng phó với dịch.
Đồng thời, chúng ta cũng dồn toàn lực trong các tác chữa trị đối với các ca lây nhiễm, theo dõi chặt chẽ các ca nghi nhiễm để tránh việc lây nhiễm chéo. Đến nay đã phần nào cho thấy được hiệu quả của các biện pháp này.
Tại các địa phương hiện nay đã và đang triển khai tốt các phương án phòng chống dịch cũng như đảm bảo theo các chỉ đạo từ cấp trung ương. Điển hình như Vĩnh Phúc ban đầu là tỉnh ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất nhưng đến nay đã kiểm soát được dịch bệnh khi không có cơ nghi nhiễm mới, áp dụng nghiêm ngặt biện pháp cách ly tập trung, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo. Do đó, các địa phương cần tiếp tục triển khai các phương án phòng chống dịch theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ y tế.
Đối với trách nhiệm của người dân, tôi cho rằng người dân cần chủ động, ý thức trong công tác phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ y tế.
Cụ thể, từng người dân, từng địa phương, từng tổ chức, đơn vị phải chủ động ứng phó tốt nhất với những biện pháp thông thường chúng ta đang dùng hiện nay như tường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, dừng các hoạt động không cần thiết; khai báo y tế trung thực trong trường hợp có dấu hiệu bệnh, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong trường hợp phải cách ly tại chỗ.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi trên!
>>> Mời độc giả xem video Toàn cảnh phòng chống dịch COVID-19 ngày 24/3/2020

Nguồn: VTV 24.

Tâm Đức (thực hiện)

>> xem thêm

Bình luận(0)