Covid-19: Chế tài xử lý nếu dân vi phạm chỉ đạo “ngồi yên” như nào?

Google News

(Kiến Thức) - Việc cấm tụ tập đông người, hạn chế ra đường là một biện mạnh không chỉ ở Việt Nam áp dụng mà các quốc gia trên thế giới đang triển khai để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Nhiều quốc gia có chế tài xử phạt rất nặng với hành vi vi phạm, tại Việt Nam thế nào?

Một loạt quốc gia trên thế giới cứng rắn chống dịch Covid-19
Việc lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam đang gia tăng khi số ca nhiễm bệnh đã tăng lên 153. Đáng lo ngại hơn, hiện đã xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, có trường hợp nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện.
Trước tình trạng trên, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19 ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề về việc có nên tạm thời đóng cửa tất cả các hoạt động và đi lại của người dân khi số ca nhiễm còn thấp, không phải con số 1.000.
Cho rằng chỉ có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn nếu không triển khai phòng, chống kịp thời, quyết liệt, Thủ tướng yêu cầu ít nhất trong 2 tuần tới, người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (cùng một chỗ). Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người (cùng một chỗ).
Covid-19: Che tai xu ly neu dan vi pham chi dao “ngoi yen” nhu nao?
Người dân tập trung đông người tại Phủ Tây Hồ ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch vừa qua. Ảnh Vietnamnet
Đồng thời, đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, các cơ sở du lịch, tham quan, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống… Riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thủ tướng cho rằng, cần thực hiện đóng cửa toàn bộ các cơ sở dịch vụ trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh.
Mới đây, UBND TP Hà Nội có công văn hỏa tốc yêu cầu tạm đóng cửa các nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê, quán bar... đến ngày 5/4 (trừ những mặt hàng nhu phẩm thiết yếu). Tại nhiều tỉnh thành khác cũng đã ra quyết định dừng các dịch vụ kinh doanh, khu di tích lịch sử văn hóa tập trung đông người.
Việc cấm tụ tập đông người, hạn chế ra đường là một biện mạnh không chỉ ở Việt Nam áp dụng mà các quốc gia trên thế giới đang triển khai để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Ví dụ tại Thụy Sĩ, quốc gia hiện đã đóng cửa các trường học, cấm tụ tập từ 5 người trở lên và những ai không đứng cách đủ 2 mét so với người khác có thể sẽ bị phạt.
Tương tự tại Anh, mới đây Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần kể từ tối 23/3. Lệnh phong tỏa bắt buộc mọi người dân Anh phải ở trong nhà, chỉ đi ra ngoài khi đi mua thực phẩm cần thiết, đến hiệu thuốc, đến cơ quan làm những việc không thể làm được tại nhà.
Cùng với việc hạn chế người dân ra đường, tụ tập đông người, nhiều quốc gia đã đưa ra những chế tài xử phạt rất nặng như Nga có quy định cụ thể, nếu vi phạm có thể bị phạt đến 5 năm tù, Israel có thể phạt người cố ý vi phạm lệnh cách ly tới 7 năm tù, người vô ý tối đa 3 năm tù. Còn tại bang New South Wales (Úc) nếu vi phạm không chấp hành các quy định về y tế sẽ bị phạt 5.500 đô la Úc, bang Tây Úc trừng phạt những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng đến 50.000 đôla hoặc tối đa 1 năm tù…
Từ việc các nước đưa ra chế tài xử phạt nặng, dư luận đặt câu hỏi, tại Việt Nam nếu vi phạm tập trung đông người sẽ bị xử lý như thế nào?
Tập trung đông người sẽ bị xử lý như thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát và diễn biến phức tạp như hiện nay, nguy cơ lây bệnh từ cộng đồng là rất cao bởi vậy việc thực hiện quyết liệt các biện pháp đặc thù, đặc biệt để khoanh vùng, dập dịch, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh là cần thiết.
“Về mặt pháp lý thì các quyền đi lại, cư trú, hội họp, tự do kinh doanh, quyền tự do nhân thân, tự do hình ảnh, quyền về tài sản... Là các quyền cơ bản của công dân được hiến pháp và các văn bản pháp luật ghi nhận bảo đảm thực hiện. Các quyền cơ bản này của công dân sẽ bị hạn chế trong trường hợp vì lợi ích quốc gia, để quốc phòng, nơi công cộng. Việc hạn chế các quyền này chỉ được thực hiện bằng các văn bản luật do Quốc hội ban hành”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Tại điều 52 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây: Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch; Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.
Đồng thời quy định Chính phủ hướng dẫn thi hành những nội dung này. Cụ thể tại Chương II, Nghị định 101/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch như: Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng (Điều 15); Áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh (Điều 16); Áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong vùng có dịch (Điều 17).
Theo đó, điều kiện để quyết định việc áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng là: Dịch đang lưu hành là dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định đường lây truyền của dịch bệnh là đường hô hấp và nguy cơ lây truyền ở mức độ cao.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, khi có Quyết định hành chính lệnh cấm kinh doanh, cấm tập trung đông người để chống Covid-19, những ai cố tình không chấp hành, người vi phạm có thể bị phạt đến 10 triệu đồng theo quy định tại khoản 4, điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
"Trường hợp: Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch thì người vi phạm sẽ bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng theo quy định tại khoản 6 của điều luật này", luật sư Cường nhận định.
Đối với trường hợp vi phạm lệnh cấm tập trung đông người nơi công cộng, còn dẫn đến hậu quả làm lây lan dịch bệnh, đến mức cơ quan chức năng phải công bố tình trạng dịch bệnh, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt đối với hành vi này có thể lên đến 12 năm tù, đồng thời phải bồi thường thiệt hại gây ra với nhà nước và tổ chức, cá nhân.
Bởi vậy, khi các địa phương ban hành lệnh cấm tụ tập, tập trung đông người, người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng, trường hợp cố tình vi phạm thì sẽ bị chịu những chế tài nghiêm khắc của pháp luật Việt Nam hiện hành.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nhật ký chống dịch Covid-19 ngày 26/3/2020

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)