Công nhân Bình Dương bỏ chạy vì sợ COVID-19: Dương tính có bị xử lý?

Google News

"Cần phải xử lý nghiêm việc hàng trăm công nhân xô đổ cổng nhà máy bỏ chạy tán loạn khi nghe tin có ca mắc COVID-19 để tuyên truyền cũng như để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội" - luật sư Cường nói.

Nghe tin có ca mắc COVID-19, nhiều công nhân Công ty TNHH Ampacs Interntational (Bình Dương) đã không giữ được bình tĩnh, xô đổ cổng bỏ chạy ra ngoài. Sau đó, chính quyền và công ty phải vận động những công nhân này trở về nhà máy. Ngày 11/7, ngành y tế huyện Bàu Bàng (Bình Dương) đã lấy được 600 mẫu để xét nghiệm, truy vết.
Cong nhan Binh Duong bo chay vi so COVID-19: Duong tinh co bi xu ly?
Hàng trăm công nhân xô đổ cổng nhà máy bỏ chạy. (Ảnh Thái Hà)
Sự việc công nhân ở Bình Dương bỏ chạy vì sợ COVID-19 khiến dư luận bức xúc. Bởi lẽ, trong tình cảnh dịch diễn biến phức tạp thì chúng ta cần phải bình tĩnh, cùng nhau đoàn kết ứng phó. Thế nhưng, các công nhân lại có hành động thiếu trách nhiệm với cộng đồng trong công tác phòng chống dịch. Nhiều ý kiến còn đặt giả thiết, nếu các công nhân bỏ chạy dương tính với COVID-19 và làm lây lan ra cộng đồng thì có bị xử lý không? mức độ xử lý thế nào?
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đặng Cường - Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp bày tỏ quan điểm: "Dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người rất hoang mang, thậm chí có những người hoảng loạn, lo sợ khi biết mình mắc bệnh. Bởi vậy, tâm lý đám đông sợ hãi là điều cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, việc mất bình tĩnh, lo sợ thái quá về dịch bệnh có thể có những tác động tiêu cực, cản trở công tác phòng chống dịch COVID-19. Bởi vậy, trong mọi tình huống dịch bệnh diễn ra thì người dân cần phải bình tĩnh, tuân thủ triệt để các quy định về phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng".
Trong sự việc công nhân Công ty TNHH Ampacs Interntational bỏ chạy vì sợ COVID-19, đó là một biểu hiện của tâm lý xã hội, cảm giác lo lắng sợ hãi khi có người dương tính với loại virus này. Trường hợp tiếp xúc gần với người dương tính có thể sẽ bị cách ly tế tập trung, những trường hợp khác có thể bị cách ly tế tại nhà. Trước tiên sẽ không được làm việc, không có thu nhập, ảnh hưởng đến công việc, đời sống và sức khỏe. Chính vì vậy, nhiều người đã lo ngại, thậm chí sợ hãi dẫn đến tâm lý bất an hoảng loạn.
Cong nhan Binh Duong bo chay vi so COVID-19: Duong tinh co bi xu ly?-Hinh-2
Luật sư Đặng Cường - Trưởng văn phòng Luật Chính Pháp. 
"Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần phải tuyên truyền, động viên, thuyết phục công nhân thực hiện xét nghiệm, cách ly theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp doanh nghiệp, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã có những yêu cầu thực hiện các biện pháp để phòng dịch nhưng những công dân cố tình không chấp hành quy định làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự" - luật sư Cường nói và cho biết, trong vụ việc trên diễn ra vào thời điểm tan ca, tâm lý lo sợ của công nhân, việc xô đẩy, bỏ chạy khỏi công ty là đều có thể thông cảm. Tuy nhiên cũng cần làm rõ trước đó doanh nghiệp, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã có yêu cầu công nhân ở lại để thực hiện việc xét nghiệm hay chưa?
Trong trường hợp cơ quan chức năng đã yêu cầu công nhân không được ra khỏi công ty để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, phải thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân cũng như xét nghiệm sàng lọc nhưng nhiều người không tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì cần phải xử lý để tuyên truyền cũng như để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ từng bước làm rõ để thực hiện các giải pháp phòng ngừa. Trong trường hợp phát hiện dịch bệnh từ công ty này lấy làm ra cộng đồng do hành vi không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh thì người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chế tài hành chính có thể áp dụng nếu như có một trong các hành vi vi phạm theo quy định của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo luật sư Giáp Văn Điệp - Công ty luật Fanci: "Rất khó để quy trách nhiệm thuộc về ai trong trường hợp này".
Luật sư Điệp cho rằng, phía Công ty TNHH Ampacs Interntational, sau khi phát hiện có ca nhiễm COVID-19 trong nhà máy, công ty cũng đã tiến hành đóng cửa nhà máy, đồng thời tiến hành xét nghiệm, sàng lọc cho từng công nhân để truy vết dịch bệnh. Nhưng các công nhân đã không chấp hành, xô đổ rào chắn bỏ chạy tán loạn vì họ đang hoảng loạn, số lượng công nhân rất lớn, lại tập trung đông người, họ nhận thức không đúng nên mới hành động như vậy.
"Mặc dù việc làm của các công nhân trên là sai, nhưng cũng xuất phát từ tâm lý sợ hãi, nhất thời họ không kiểm soát được hành động của mình nên mới làm như vậy. Chúng ta không nên áp dụng các biện pháp xử phạt cứng nhắc, mà nên vận động, tuyên truyền để các công nhân hiểu và tuân thủ các quy tắc phòng dịch tốt hơn" - luật sư Điệp bày tỏ quan điểm.
Công ty TNHH Ampacs Interntational có vốn Đài Loan, chuyên sản xuất linh kiện, tai nghe điện thoại. Hiện công ty có khoảng 5.900 công nhân đang làm việc, trong đó hơn 2.000 lao động dịch vụ cung ứng qua công ty trung gian.

>>> Mời quý độc giả xem video: Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại nơi làm việc

Nguồn: THĐT


Hiểu Lam - Văn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)