Công an và Bộ Y tế đã triển khai ứng dụng (app) VN-eID. Nếu cập nhật đầy đủ thông tin thì app này sẽ giống như thẻ xanh (thẻ thông hành)
Mở đầu họp báo chiều 10/9, ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết số liệu người tử vong tại TP.HCM giai đoạn gần đây giảm đáng kể.
Tính đến 18h ngày 9/9, TP.HCM có 279.223 ca mắc Covid-19. Thành phố đang điều trị 39.617 bệnh nhân, trong đó có 2.664 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.783 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 9/9, toàn thành phố có 195 trường hợp tử vong (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 11.604).
Áp dụng "thẻ xanh, thẻ vàng" thế nào?
Thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM) thông tin về tình hình cấp giấy đi đường cho người dân sau khi TP.HCM nới lỏng một số biện pháp giãn cách từ 7/9. Theo đó, Công an TP đã cấp thêm 100 giấy đi đường cho mỗi quận/huyện, riêng TP Thủ Đức là 300 giấy.
Về các cửa hàng, quán ăn được hoạt động theo quy định mới trên cơ sở thẩm định của chính quyền địa phương, đại diện Công an TP cho biết hiện chưa nhận được nội dung tham mưu liên quan đến việc cấp phép cho nhóm này. Sau khi nhận được thông tin, công an sẽ cấp bổ sung.
"Thời gian tới, thành phố sẽ có phương án giãn cách nới lỏng, ví dụ như xác định tiêu chí thẻ xanh, thẻ vàng để lưu thông an toàn. Công an và Bộ Y tế đã triển khai ứng dụng (app) VN-eID. Nếu cập nhật đầy đủ thông tin thì app này sẽ giống như thẻ xanh (thẻ thông hành). Công an TP.HCM đã báo cáo Bộ Công an để cập nhật dữ liệu về tiêm ngừa vaccine nhằm thực hiện nội dung này", thượng tá Hà cho hay.
|
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.
|
Ông Hà cũng thông tin thêm về việc tạo điều kiện cho người lao động ngoại tỉnh đã tiêm 2 mũi vaccine về TP.HCM làm việc, hoặc người dân ngoại tỉnh vào TP.HCM khám chữa bệnh. Quan điểm của công an là hỗ trợ người dân tối đa nhưng cần đảm bảo quy định, tôn trọng hướng dẫn của ngành y tế.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết Giám đốc Công an TP.HCM vừa ban hành văn bản chỉ đạo công an các đơn vị tổ chức thực hiện một số nội dung mới sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội. Một trong những nội dung mới là thời gian tới, Công an TP hướng dẫn cho phép người được ra đường lưu thông từ 5h đến 21h30.
Nguyên nhân là nếu cho mở cửa đến 21h thì người dân chưa đảm bảo đủ thời gian lưu thông trên đường để về nhà. Ngoài ra, một số lực lượng hoạt động từ 6h (như shipper) và cần thực hiện sớm hơn nên công an quyết định nới rộng khung thời gian.
F0 có dấu hiệu chuyển nặng giảm đáng kể
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam thông tin về việc tiêm trộn vaccine mà Bộ Y tế hướng dẫn. Với các trường hợp thiếu vaccine thì Bộ Y tế hướng dẫn tiêm trộn mũi 2 Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca. Mới đây, Bộ cho phép tiêm trộn Pfizer - Moderna.
Theo đó, Sở Y tế đã có hướng dẫn, yêu cầu đảm bảo an toàn từ sàng lọc trước, theo dõi sau tiêm và giám sát sự cố sau tiêm, quy trình hồi sức cấp cứu.
|
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.
|
Về người nước ngoài tại TP.HCM, quan điểm của TP là không phân biệt. Trong tất cả kế hoạch, TP luôn nhấn mạnh việc tiêm cho tất cả người trên 18 tuổi tại thành phố và thực hiện trong thực tế.
Hiện, trung bình số ca nhập viện khoảng 3.500-4.000/ngày, đa số nhẹ, không triệu chứng, rất nhiều trường hợp F0 sau khi phát hiện được chăm sóc tại nhà.
Thành phố và Trung ương đang tiếp tục mở các bệnh viện như Bệnh viện Hồi sức 5G, Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội ở quận 6… Bên cạnh đó, thành phố có nhiều giải pháp hỗ trợ công tác điều trị như gói thuốc A, B, C và thuốc được Bộ Y tế cấp hoặc từ nhà tài trợ. Trong giai đoạn hiện nay, năng lực điều trị của thành phố được đảm bảo.
“Trước đây, hàng ngày đi trên đường, số xe cấp cứu rất nhiều, nhưng gần đây đã ít đi. Điều này cho thấy dấu hiệu chuyển nặng đã giảm đi đáng kể”, ông Nam thông tin.
TP.HCM lo thiếu vaccine
Thông tin về tiến độ tiêm vaccine, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết nhìn lại cả quá trình tiêm vaccine đợt 5 thì giai đoạn ngày 9-11/8, thành phố đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, khoảng 300.000 mũi tiêm/ngày.
Từ 13/8, TP.HCM bắt đầu tiêm Vero Cell. Với vaccine này, sau 3-4 tuần sẽ tiêm mũi 2. Do đó, mũi 2 Vero Cell được tiêm vào 3/9. Tuy nhiên, số lượng tiêm vẫn còn thấp. Từ 3/9 đến 9/9, số lượng tiêm tăng dần mỗi ngày.
Trả lời câu hỏi của Zing liệu với tiến độ, ngành y tế có đạt mục tiêu tiêm 2 triệu liều vaccine từ 9/9 đến 15/9 hay không, ông Nam cho biết Sở Y tế "lo không còn vaccine" chứ không lo về tốc độ. Ông cho biết tất cả các đội tiêm của TP.HCM vẫn duy trì từ đợt tiêm thứ 5 tới nay, không rút đội nào, thậm chí còn bổ sung đội tiêm cho khu công nghiệp, khu chế xuất.
"Từ nay đến 15/9, TP.HCM sẽ tiêm hết lượng vaccine đang giữ. Lo là lo thời điểm tới có thêm vaccine không, còn không lo về tốc độ", ông Nam chia sẻ.
Chưa có hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ 12-18 tuổi
Về việc xét nghiệm 2 ngày/lần cho cơ sở kinh doanh ăn uống, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đây là quy định chung đối với doanh nghiệp, khối quân đội, công an, lực lượng tham gia chống dịch… được nêu tại văn bản 2716 của UBND TP.HCM.
Theo đó, các đơn vị phải chủ động giám sát xét nghiệm trên nguyên tắc 4T: Tự tổ chức, tự lên kế hoạch, tự thực hiện, tự triển khai. Tần suất xét nghiệm 3 ngày/lần.
Về điều kiện tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi, ông Tâm cho biết cho đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn.
“Dù ở các nước trên thế giới, vaccine Pfizer được nhà sản xuất khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi, nhưng tại Việt Nam, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn thực hiện”, ông Tâm nói và cho biết có thể sắp tới, ngành y tế sẽ đưa ra sự thay đổi tùy vào tình hình cụ thể.
Gần 1 triệu người đã tiêm mũi 2
Ngày 9/9, toàn thành phố có 3.700 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 144.024 người), 195 trường hợp tử vong (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 11.604).
Tính đến 9/9, thành phố đã tiêm cho 7.307.738 người. Trong đó, tổng số mũi 1 là 6.335.838 và mũi 2 là 971.900. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 809.308.
Ngày 9/9, thành phố có 71.209 hộ có nhu cầu đi chợ hộ, giảm 17,08% so với ngày 8/9. Nhu cầu đăng ký giảm tại 14/22 địa phương. Tỷ lệ được cung ứng hàng hóa là 102,5% (do có nhiều đơn hàng tồn đọng từ những ngày trước).
TP.HCM đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội các mức độ. Từ ngày 23/8, TP.HCM siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đó"; người dân được "đi chợ hộ". Công an TP.HCM cấp giấy đi đường cho 17 nhóm đối tượng được phép ra đường.
Ngày 7/9, TP.HCM ban hành văn bản cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.
Thành phố cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động chỉ trong phạm vi quận, huyện, TP Thủ Đức. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày.
TP.HCM đang tập trung hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/9.