Con gái ông Son vẫn phủ nhận việc nhận 3 triệu USD từ cha
Mới đây, TAND TP Hà Nội vừa có quyết định đưa vụ án liên quan đến sai phạm trong thương vụ Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) ra xét xử.
Theo đó, từ 16/12 đến 31/12/2019, TAND TP Hà Nội dự kiến đưa ra xét xử sơ thẩm Nguyễn Bắc Son cùng 13 bị cáo liên quan thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cùng 11 bị can bị truy tố về tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 220 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải và Lê Nam Trà còn bị VKS truy tố thêm tội Nhận hối lộ, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Đáng chú ý, trong số các bị can nhận hối lộ, ông Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc nhận số tiền lên đến 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Tuy nhiên đến thời điểm này, ông Son mới chỉ nộp lại số tiền hơn 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Lý do, dù bị can Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền.
|
Ông Nguyễn Bắc Son. |
Cụ thể, theo lời khai của ông Son, toàn bộ số tiền 3 triệu USD, ông Son đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần bà này từ TP HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Khi đưa tiền Son dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy.
Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, con gái ông Son đã phủ nhận lời khai của bố mình. Do vậy, cơ quan tố tụng cho rằng, căn cứ kết quả điều tra, đến nay chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái ông Son).
Mức án cao nhất là tử hình?
Theo cáo trạng, với tội danh nhận hối lộ, VKS nêu rõ, sau khi xem xét quyết định hình phạt đối với tội danh này cần có sự phân hóa về vai trò, hành vi, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả, áp dụng triệt để các căn cứ pháp luật và chính sách hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị can nhất là các bị can đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt.
Tuy nhiên, đối với bị can Nguyễn Bắc Son sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ bởi bị can nhận hối lộ lên đến 3 triệu USD nhưng chỉ khắc phục được hơn 500 triệu số tiền chiếm đoạt.
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội nhận định, những bị can bị khởi tố tội đưa và nhận hối là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội tham nhũng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan nhà nước, tổ chức, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tội nhận hối lộ là hành vi của một người có chức vụ quyền hạn đã sử dụng chức vụ quyền hạn của mình để làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ vì lợi ích vật chất (tiền bạc, tài sản...).
Tội nhận hối lộ là tội có cấu thành vật chất nên phải xác định trị giá của nhận hối lộ để làm căn cứ xử lý tương ứng, theo quy định tại điều 354 Bộ luật hình sự 2015. Nếu có căn cứ xác định các bị can nhận hối lộ với trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ phải đối mặt với hình phạt 20 năm tù, tù chung thân và cao nhất đến tử hình.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, ông Nguyễn Bắc Son bị truy tố hai tội danh đặc biệt nghiêm trọng là: Tội Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tội Nhận hối lộ.
Với tội nhận hối lộ, ông Nguyễn Bắc Son sẽ được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ tội khi lượng hình sự như: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS; có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập và công tác. Nếu số tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là "đáng kể", ông Nguyễn Bắc Son còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, khoản 1, Điều 51 BLHS.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, với vai trò là người đứng đầu, là cán bộ cao cấp mà không tuân thủ pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, số tiền lên tới 7.000 tỷ đồng, bởi vậy mức hình phạt sẽ rất nghiêm trọng.
Với 2 tội danh bị cáo buộc thì tội Nhận hối lộ có mức hình phạt cao nhất là tử hình (nếu tiền, của nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên), số tiền hơn 3 triệu USD quy đổi ra tiền Việt Nam hơn 66,4 tỷ đồng là số tiền rất lớn.
Bởi vậy, nếu không khắc phục hậu quả được 3/4 số tiền do phạm tội mà có thì dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ cũng không có gì đảm bảo là cựu bộ trưởng này sẽ thoát khỏi mức án cao nhất của tội danh này là tử hình.
Luật sư Cường cho rằng, pháp luật quy định bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là nghĩa vụ, trách nhiệm của bị can, bị cáo trong vụ án hình sự. Nếu bị can, bị cáo không tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả sẽ bị áp dụng chế tài nghiêm khắc, đồng thời bị buộc phải bồi thường, thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Bị can, bị cáo tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả là một tình tiết quan trọng để được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, thậm chí có thể giữ được mạng sống, không bị áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình trong một số tội danh về tham nhũng. Pháp luật cũng luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho bị can, bị cáo bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả chứ không cần phải "xin" được bồi thường”.
“Pháp luật chỉ quy định việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả phải là "đáng kể" mới được áp dụng coi là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự khi lượng hình” - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Mức bồi thường đến đâu để có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là "Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sẽ phụ thuộc vào mức bồi thường so với mức độ thiệt hại và số tài sản mà bị can hưởng lợi, ngoài ra còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của bị can sao cho được đánh giá là "đáng kể".
Về nguyên tắc thì hình phạt chỉ được đặt ra khi tòa án tuyên bố bị cáo có phạm tội. Việc quyết định mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo, từng tội danh và việc tổng hợp hình phạt sẽ do Hội đồng xét xử quyết định trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trong trường hợp tòa án xác định các bị can là có tội thì với những bị can chủ mưu, vai trò chủ yếu sẽ khó có thể thoát được mức án cao nhất là tử hình.
Nếu bị tòa án tuyên án mức cao nhất, các bị can, bị cáo vẫn còn cơ hội giữ được mạng sống nếu việc bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả đủ điều kiện áp dụng quy định tại Điều 63, điểm c, khoản 3, Điều 40 BLHS và hướng dẫn tại Công văn số 64/TAND-PC.
Mời độc giả xem clip Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn sắp hầu tòa