Bi kịch?
Mới đây, khi VKSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng TT&TT và 13 bị can trong thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG, nhiều ý kiến cho rằng, ông Son ngoài việc sẽ phải trả giá cho những hành vi vi phạm pháp luật mà mình gây ra còn phải chịu một bi kịch từ chính gia đình của mình.
Thực tế theo cáo trạng, với tội danh nhận hối lộ, Viện kiểm sát nêu rõ, sau khi xem xét quyết định hình phạt đối với tội danh này cần có sự phân hóa về vai trò, hành vi, số tiền chiếm đoạt và kết quả nộp tiền khắc phục hậu quả, áp dụng triệt để các căn cứ pháp luật và chính sách hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho các bị can nhất là các bị can đã khắc phục hết số tiền chiếm đoạt.
Tuy nhiên, đối với bị can Nguyễn Bắc Son sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ bởi bị can nhận hối lộ lên đến 3 triệu USD nhưng chỉ khắc phục được hơn 500 triệu số tiền chiếm đoạt. Lý do, dù bị can Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền.
Đó chính là bi kịch của bị can Nguyễn Bắc Son. Bởi khi còn đảm nhiệm chức vụ, ông Son đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để được nhận số tiền trên nhưng khi sự việc bị bại lộ, bị can đã không thể khắc phục hết các hậu quả do mình gây ra, ngay số tiền chiếm đoạt cũng không thể nộp lại khi gia đình chính bị can lại không hợp tác.
|
Ông Nguyễn Bắc Son. |
Thực tế, để được nhận số tiền lên đến 3 triệu USD, dù rõ năng lực tài chính của AVG rất xấu, kinh doanh bết bát, nhưng với mục đích mong muốn MobiFone sớm thực hiện được dự án mua cổ phần của AVG trong năm 2015 nên bị can Son đã chỉ đạo các ông Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải khẩn trương triển khai thực hiện dự án. Theo bị can Son nghĩ nếu việc mua bán thành công thì cổ đông AVG sẽ cảm ơn ông bằng vật chất.
Đáng chú ý, sau đó, việc trao nhận 3 triệu USD giữa ông Phạm Nhật Vũ và cựu Bộ trưởng TT&TT diễn ra ngay tại nhà ông Son một cách như đương nhiên phải thế và đúng như mục tiêu ban đầu của ông Son khi “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.
Bởi vậy, khi nhận được số tiền hưởng lợi bất chính trên, nắm rõ được điều này nên bị can Son đã cẩn thận chia số tiền vào 1 chiếc valo du lịch, 1 ba lô du lịch và một chiếc valo du lịch khác sau đó cất ra ngoài ban công được quây kín bằng khung nhôm kính. Toàn bộ số tiền 3 triệu USD, Nguyễn Bắc Son đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần bà này từ TP HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Khi đưa tiền Son dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy.
Rõ ràng việc dặn con gái không được gửi tiết kiệm là bị can Son thừa biết số tiền trên là bất chính, nếu bị phát giác sẽ bị tịch thu. Dặn con gái mang đi đầu tư, thực chất là hành vi rửa tiền, xoay những đồng tiền bẩn thành tiền sạch. Đó cũng là sự tẩu tán tài sản và hành động này của ông Son không có gì là lạ bởi thực tế việc “quan tham” chuyển dịch, tẩu tán tài sản đã không còn là chuyện hiếm hiện nay. Thực tế không ít vụ án, đối tượng tham nhũng thường tìm cách tẩu tán tài sản bằng cách cho người thân như bố, mẹ, con cái đứng tên chủ sở hữu nhà cửa, đất đai, xe cộ... Những người này lại không thuộc diện kê khai tài sản nên mới có tình trạng, quan chức đôi khi kê khai tài sản rất ít nhưng vợ, con, người thân tài sản lại rất nhiều. Dẫn đến khi phát hiện ra dấu hiệu của đối tượng tham nhũng, Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố, bắt tạm giam thì tài sản đã bị chuyển hóa, bốc hơi, không thể thu hồi được.
Tuy nhiên, bất hạnh nhất đối với bị can Nguyễn Bắc Son khi sự việc bị phát giác, bị truy tố trước pháp luật với khung hình phạt ở mức cao nhất. Lẽ ra để giảm nhẹ hình phạt, bị can Son cần phải nộp lại toàn bộ số tiền trên để hưởng sự khoan hồng. Tuy nhiên, trong khi các bị can khác như bị can Lê Nam Trà đã tác động gia đình nộp toàn bộ số tiền 2,5 triệu USD; bị can Cao Duy Hải đã tác động gia đình nộp số tiền 11,6 tỷ đồng; bị can Trương Minh Tuấn nộp 4.120.000.000 đồng (tương đương gần 200.000 USD). Trong khi đó, riêng bị can Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục nhưng gia đình không hợp tác để nộp tiền.
Bi kịch hơn nữa, tại cơ quan điều tra, con gái ông Son đã phủ nhận lời khai của bố mình và nói rằng chỉ ra Hà Nội thăm bố mẹ và vợ chồng ông Son có vào TP.HCM vài lần nhưng bà không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Nguyễn Bắc Son. Do vậy, cơ quan tố tụng cho rằng, căn cứ kết quả điều tra, đến nay chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái ông Son). Ngoài ra, VKS khẳng định, hành vi của Nguyễn Thị Thu Huyền tiếp tục được điều tra làm rõ qua kết quả xét hỏi tại phiên tòa.
Dù chưa có chứng cứ và tài liệu chứng minh việc Nguyễn Thị Thu Huyền nhận tiền từ bố mình nhưng dư luận tin ông Son nói thật. Bởi nếu bị can Son chấp nhận việc không khắc phục hậu quả 3 triệu USD thì sẽ không khai việc đưa tiền cho con gái. Ông Son cũng không thể vì bản thân mình mà khai như vậy để con gái vướng vòng lao lý. Nếu bị can Son khai là sai thì 3 triệu USD giờ ở đâu? Bị can không thể giấu diếm số tiền ấy bởi bản án chờ đợi chưa biết ngày nào được ra để hưởng thụ số tiền bất chính ấy.
Tuy nhiên, nếu con gái ông Son đã nhận tiền của cha, nay phủ nhận đó cũng là chuyện khó lý giải. Bởi cha con tình thân, để cứu cha mình, sao con gái ông Son lại phủ nhận việc này. Bởi theo quy định của pháp luật, ông Nguyễn Bắc Son có thể được không thi hành án tử hình nếu “sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ”. Việc bị can tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả thì đây là một tình tiết quan trọng để được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, thậm chí có thể giữ được mạng sống, không bị áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình.
Trong vụ án này, ông Son nhận hối lộ đến 3 triệu USD nhưng mới nộp khắc phục hậu quả số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân tại Vietcombank thì khó có thể xem là tình tiết giảm nhẹ. Vậy tại sao, con gái ông Son lại không mang tiền (nếu nhận) để giữ mạng sống cha mình hoặc có thể làm nhẹ đi hình phạt mà ông Son sắp phải đối mặt.
Lại không phải là bi kịch?
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp lại cho rằng, đó không phải là bi kịch hay sự bất hạnh của ông Son mà việc ông Son nhận tới 3 triệu USD nhưng chỉ nộp khắc phục được 500 triệu đồng trong đó lý do là gia đình không hợp tác thì rõ ràng đó là một ý đồ.
“Có thể người nhà ông Son chấp nhận điều đó để sau này, vì ông Son có đường vào tù nhưng cũng có đường đi ra. Bởi số tiền hơn 60 tỷ đồng là hết sức kếch xù, người dân bình thường nằm mơ cũng không bao giờ thấy được số tiền ấy. Người ta có thể sống hết đời này đến đời khác nếu biết sử dụng số tiền đó. Bởi vậy, tôi không nghĩ đây là bi kịch hay bất hạnh của ông Son”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cơ quan nhà nước, các cơ quan thi hành pháp luật phải làm sao thu hồi cho bằng được số tiền đó. Cần phải truy có tận tới nguồn gốc.
“Bởi ông Son khai rằng, đưa số tiền cho con gái làm 10 lần, mỗi lần 300 nghìn USD mà yêu cầu con gái không được gửi ngân hàng mà yêu cầu phải đầu tư. Bây giờ trong phiên xét xử tới, tòa án phải làm rõ ông Son đưa tiền cho con gái, hiện nay số tiền đang được sử dụng để làm gì, đầu tư vào những đâu. Bởi không thể không biết được. Con gái ông Son sở hữu những tài sản gì, nhà cửa, bất động sản, tham gia những dự án gì, tiền đầu tư lấy ở đâu ra, nếu có gửi ngân hàng thì vẫn truy ra được. Tôi nghĩ không có gì là khó cả khi đã có địa chỉ, đã xác định được qua lời khai của ông Son rất thành khẩn, thành thật”, đại biểu Hòa nói.
Đồng thời, ông tiếp tục khẳng định, ở đây có sự tính toán của gia đình rất lớn.
“Bởi có thể tham gia sự tính toán ấy còn có nhiều người thân khác chứ không chỉ có con gái ông Son. Để ông Son cực khổ và đối mặt với bản án nghiêm khắc mà người nhà sao lại không động lòng, không ai khuyên răn con gái ông Son đưa tiền ra để giảm nhẹ tội cho ông Son. Cơ quan thi hành pháp luật cần làm rõ ràng, cụ thể để trả lời cho công luận và thu hồi được số tiền mà ông Son đã nhận. Phải thu hồi được số tiền đó để người dân tin tưởng, hoan nghệnh, nếu không thu hồi được số tiền đó, người dân sẽ thiếu tin tưởng, cho rằng mình làm không đến nơi đến chốn, không tích cực”, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.