Chiều 11/10, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, nhưng tình hình cung ứng xăng dầu vẫn rất căng thẳng. Tại TPHCM nhiều cửa hàng vẫn trong tình trạng hết xăng, bán cầm chừng. Nhiều cây xăng chỉ bán 20.000 đến 30.000 đồng cho xe máy, ô tô không bán. Tương tự, tại Hà Nội, người dân cũng phải xếp hàng dài chờ đổ xăng. Người dân bức xúc khi phải đội mưa, thức khuya, đợi chờ để mua xăng. Không ít người nói rằng đi mua xăng thời nay còn khó hơn thời bao cấp xếp hàng mua đồ.
Báo Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) liên quan vấn đề trên.
|
Người dân đội mưa, xếp hàng mua xăng tại TPHCM (Ảnh:24h/Người đưa tin) |
Cơ sở bán lẻ xăng dầu không được tự ý đóng cửa, ngừng bán
Những ngày qua, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh, bán cầm chừng tại một số tỉnh, thành như TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…và mới đây là Hà Nội. Vậy, có được tự ý ngừng bán xăng dầu?
- Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân của hiện tượng trên do các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, một số địa phương cũng xảy ra thiếu hụt nguồn cung cục bộ.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các cơ sở bán lẻ xăng dầu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện bán, khi ngưng bán cũng phải báo cáo với các cơ quan chức năng. Việc bán phải theo đúng giá cả mà nhà nước quy định, theo từng lần điều chỉnh.
Điều 26 Nghị định 83/2014/NĐ-CP một số quy định được sửa đổi bởi khoản 21 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh xăng dầu phải thông báo bằng văn bản về thời hạn ngừng bán xăng dầu cho Sở Công Thương nơi cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và phải nêu rõ lý do ngừng bán xăng dầu. Cơ sở kinh doanh xăng dầu không được tự ý đóng cửa, ngừng bán xăng dầu mà phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết.
Từ quy định trên cho thấy, việc tự ý ngưng bán xăng là vi phạm quy định, vậy hành vi này sẽ bị xử lý thế nào?
- Hành vi ngưng bán xăng dầu là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính, bị áp dụng các biện pháp trong đó có thể tước giấy phép kinh doanh có thời hạn.
Cụ thể, theo Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Ngoài ra còn hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều này. Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và 5 Điều này.
Như vậy, cở sở kinh doanh xăng dầu chỉ được không bán hàng, ngừng bán hàng khi có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Bởi vậy, theo quy định của pháp luật, trường hợp cơ sở kinh doanh xăng dầu tự ý đóng cửa, không bán xăng dầu được xem là vi phạm pháp luật.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. |
Trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý xăng dầu
Ở góc độ quản lý, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng ngưng bán xăng, bán cầm chừng, nhỏ giọt?
- Cơ quan chức năng cần xem xét ra soát xử lý các trường hợp cây xăng từ chối bán cho khách hàng. Mặc dù pháp luật chưa quy định cụ thể về hành vi bán cầm chừng nhưng nếu khách hàng đề nghị đổ đầy bình xăng hoặc đề can xăng mà cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đáp ứng, cũng có thể được coi là hành vi từ chối bán mà không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Hành vi vi phạm nghiêm trọng thì có thể bị tước giấy phép cho một thời hạn nhất định.
Những ngày gần đây rất nhiều thông tin về việc các cây xăng bán lẻ ở một số khu vực không tuân thủ quy định của pháp luật về mua bán xăng dầu gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý các cây xăng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Việc đảm bảo cung ứng xăng dầu, bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là trách nhiệm chính của liên Bộ Công Thương - Tài chính?
- Việc quản lý giá xăng dầu, hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước chưa tốt dẫn đến dư luận bức xúc về việc cửa hàng xăng dầu từ chối bán hàng ở những thời điểm chuẩn bị tăng giá. Trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trước tiên thuộc về Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, các lực lượng chức năng như cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm trong công tác quản lý, kiểm soát tình hình buôn bán xăng dầu trong nước và trên địa bàn địa phương mình.
Xin cảm ơn Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường!
Bộ Công Thương: Vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu
Bộ Công Thương khẳng định dù có sự thiếu hụt xăng, dầu cục bộ tại một số cửa hàng của thương nhân đầu mối, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, song tồn kho xăng, dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng, dầu trong nước. Nguồn cung xăng, dầu cũng vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.
Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc mời các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sản xuất xăng dầu dự cuộc họp bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Cuộc họp dự kiến diễn ra sáng 12/10, với thành phần dự họp là đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội xăng dầu và các doanh nghiệp. Mục đích cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Bộ Tài chính: Trách nhiệm thuộc Bộ Công Thương
Trả lời báo chí ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương, do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.
Trách nhiệm chính của liên bộ Công Thương - Tài chính:
Trao đổi với báo chí, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc đảm bảo cung ứng xăng dầu, bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là trách nhiệm chính của liên bộ Công Thương - Tài chính. Trong đó, việc cung ứng xăng dầu cho thị trường là trách nhiệm của Bộ Công Thương, còn quản lý giá là của Bộ Tài chính, còn việc điều hành không ăn khớp có thể xảy ra sự cố.
Ông Lê Thanh Vân cho rằng, khi thị trường bị khan hiếm, hai bộ đều không thấy nhận trách nhiệm và đều cho mình đúng. Trong khi đó, quan trọng nhất hiện nay là khi có hiện tượng bất thường của thị trường và sự thiếu hụt nguồn cung Liên Bộ cần giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường. Xăng dầu khan hiếm trong điều kiện bình thường là điều không thể chấp nhận được. Đề nghị cần xem xét rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm người có thẩm quyền được phân công để xảy ra tình trạng như vậy.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cục phó quản lý thị trường nhận tiền để 'ngó lơ' tang vật vụ bán xăng dầu trái phép?