Nhóm PV Báo Tri thức và Cuộc sống gặp cô Kiều Thị Hữu (giáo viên tại Hà Nội) vào những ngày cận kề dịp cả nước tưởng nhớ, tri ân Thương binh, liệt sĩ 27/7. Trong câu chuyện về hành trình 5 năm đi tìm người sống cho người chết của mình, cô Hữu hy vọng: "Mong rằng trong dịp 27/7 này, anh linh của các liệt sĩ linh thiêng sẽ phù hộ cho cụ Thu (tên đầy đủ Nguyễn Văn Thu) tìm được người thân của mình."
Cô Hữu kể, cụ Thu (tên đầy đủ Nguyễn Văn Thu, SN 1890). Theo hồ sơ của Trung tâm lưu trữ Quốc gia trong phần ghi chép về danh sách tù nhân ở Côn Đảo có thông tin: Tù nhân Nguyễn Văn Thu, hay còn gọi là Bếp Thu (làm đầu bếp), số tù C.7111, tên mẹ là Phạm Thị Tôn. Trong hồ sơ Pháp để lại, cụ bị kết án năm 1936, đầy ra Côn Đảo. Cụ chịu án chung thân khổ sai, có 2 năm cầm cố trong hầm, chuồng cọp. Sau đó, cụ bị đưa ra lao động khổ sai và đã vượt ngục năm 1941.
Cơ duyên cô Hữu biết đến cụ Thu và cảm thấy mình như mang nợ cụ bắt đầu từ năm 2017.
|
Cô Kiều Thị Hữu xúc động khi kể về cuộc đời của cụ Thu. |
Cô kể, năm 1997, sau khi trận bão Linda lịch sử càn quét vào Cà Mau, Kiều Thị Hữu khi đó vẫn là một cô giáo trẻ với đầy nhiệt huyết thanh xuân đã xung phong vào mũi Cà Mau làm tình nguyện. Mặc dù chỉ ở đó trong thời gian ngắn nhưng tình cảm mà cô và đoàn để lại cho các học trò là rất sâu đậm. Trở về Hà Nội, cô lao vào công việc và cuộc sống. Thời gian cứ thế trôi đi, câu chuyện làm tình nguyện năm nào đã trở thành ký ức của tuổi trẻ. Cô cũng không thể ngờ, 20 năm sau, đám học trò ngày nào lại tìm được mình trên Facebook. Qua những dòng tin nhắn, hóa ra 20 năm qua đám trẻ ngày nào vẫn đau đáu nhớ về cô giáo Hữu, người đã dạy dỗ chúng bằng tất cả tình yêu và nhiệt huyết thanh xuân, người sẵn sàng đến với chúng khi lớp học chỉ còn đống đổ nát sau cơn bão. "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" - quả đúng như vậy, cô trò tìm thấy nhau mừng mừng - tủi tủi.
Tết năm 2017, cô Hữu trở lại Cà Mau thăm học trò cũ. Tại đây, cô gặp bà Hai (mẹ một cậu học trò) và được nghe kể câu chuyện về cuộc đời của cụ Thu. Bà dẫn cô ra mộ, kể cô nghe về cụ: Năm 1941, dân làng vớt được hai người đàn ông trôi dạt trên biển, người họ đầy máu, chằng chịt vết sẹo, vết thương từ cũ đến mới. Hỏi ra mới biết họ vượt ngục từ nhà tù Côn Đảo, hai người sống sót là cụ Thu và cụ Tám Đẳng.
Thời gian đầu, hai cụ tá túc trong chùa, nhưng không ở lâu được vì sợ lính Pháp dò xét. Sau đó, các cụ về sống trong nhà dân, cụ Thu đến ở nhà bà Hai. Lúc bấy giờ bà Hai còn nhỏ, bố mẹ bà và anh chị đi du kích nên ở nhà thường chỉ có hai ông cháu.
Bà Hai nhớ lại, cụ kể cụ là đồng chí của cụ Nguyễn Thái Học, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Cụ làm việc trong đồn Pháp, lấy tài liệu, súng ống của Pháp tiếp tế cho cuộc khởi nghĩa và vì thế mà bị bắt.
Trước khi đi cách mạng cụ có vợ rồi, có hai người con và hai em gái. Cụ thường nhắc về quê hương, nhưng bà Hai chỉ nhớ là quê cụ có hai từ và có vần “Inh”, nhà cụ ở gần một cái đình làng, gần đình làng đấy có sông hay suối gì đó.
Năm 1975, đất nước thống nhất, cụ Tám Đẳng cũng đến rủ cụ Thu về Bắc tìm lại quê hương, người thân, nhưng lúc bấy giờ cụ Thu đang đổ bệnh, các vết thương cũ tái phát. Cụ Tám Đẳng còn chờ mấy tháng không thấy cụ Thu khỏe nên đành về trước và từ đấy cũng mất liên lạc.
Năm 1977, cụ Thu mất! gia đình bà Hai chôn cất, xây mộ cho cụ đàng hoàng. Vì coi cụ Thu như một thành viên trong gia đình. Tâm niệm của cụ là tìm được người thân khiến gia đình luôn day dứt khi chưa thực hiện được.
Như có 1 sợi dây tâm linh kết nối, thôi thúc! Từ khi biết được câu chuyện, cô Hữu như mang trong mình 1 món nợ phải trả. 5 năm qua, cô miệt mài lên Trung tâm lưu trữ Quốc gia tìm tài liệu, thông tin, đến các xã, huyện tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội... để đối chiếu, tìm kiếm.
Cô tâm sự: “Hồ sơ của người Pháp để lại ghi quê quán cụ là Vĩnh Yên, Hà Nội. Mình đã đi tìm đọc sách sử và bản đồ cũ viết về thời đó, Hà Nội không có nơi nào tên Vĩnh Yên. Có khả năng, xưa cụ làm đầu bếp tại Hà Nội, và quê ở Vĩnh Yên. Nếu quê cụ ở Vĩnh Yên, thời Pháp thuộc bao gồm phủ Vĩnh Tường và huyện Yên Lạc, gồm các huyện: Bạch Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc, Yên Lãng, Tam Dương và huyện Bình Xuyên.
Cụ lại nói là bạn chiến đấu của cụ Nguyễn Thái Học, mà cụ Học quê ở Thổ Tang, Vĩnh Phúc thì nhiều khả năng cụ ở Vĩnh Phúc chứ không phải Hà Nội”.
Khoanh vùng tìm kiếm, cô Hữu lên Vĩnh Phúc nhờ Ban Chép sử của tỉnh, nhờ Hội người cao tuổi, nhờ Công an tỉnh… nhưng cũng không có thông tin gì. Đem tờ rơi dán ở nhiều nơi trên Vĩnh Phúc, có người gọi điện lại hỏi nhưng chưa có ai nhận là con cháu cụ.
|
Cô Hữu dán tờ rơi khắp mọi nơi cô đi qua mong rằng có thể sớm tìm thấy người nhà của cụ Thu. |
Làm đơn xin Công an Hà Nội và Công an Vĩnh Phúc kiểm tra tàng thư lưu trữ xem có manh mối gì về mẹ của cụ và cụ không. Nhưng lúc đấy cả 2 nơi đều trả lời là “Lúc đấy là năm 1930 (khởi nghĩa Yên Bái), chưa có chính quyền của mình nên chưa có tàng thư lưu trữ của những người dân như thế”.
Cô đến các nhà tù ở miền Bắc, đọc danh sách tù nhân. Đến các nhà tù lớn, tìm xem trong quá trình bắt, họ dẫn giải đưa qua những đâu nhưng mà cũng không có thông tin gì.
Cô Hữu đưa lên mạng xã hội, tìm trong tất cả các nhóm đồng hương Vĩnh Phúc, gửi thông tin đến chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly; VTV24" nhưng vẫn chưa có thông tin.
Ngay cả thông tin về cụ Tám Đẳng, cô Hữu cũng đã truy tìm nhưng không có hồ sơ chi tiết về cụ. Ở những tài liệu ghi chép của người Pháp mà ta còn giữ lại được chỉ ghi người tên là “Nguyen Van Dang” quê Vĩnh Long. Nhưng khi tìm về Vĩnh Long, các cơ quan nhà nước chỉ có hồ sơ lưu từ năm 1975, và cụ Tám Đẳng này lại nói giọng Hà Nội. Thế nên, gần như không có chút thông tin nào.
|
Hình ảnh cô Hữu bên cạnh mộ cụ Nguyễn Văn Thu. |
Năm nay (2022), cô Hữu dự định trở vào Cà Mau, gặp lại bà Hai tìm xem có còn manh mối gì nữa không. Hiện giờ, cô Hữu đang phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia, rút các hồ sơ có tên “Nguyen Van Thu” ra để đọc nhưng có rất nhiều. Và mỗi một tập hồ sơ như vậy, cô phải đến tận nơi để tìm hiểu để hỏi lại xem là con cháu của cụ còn sống không.
|
Hình ảnh cụ Nguyễn Văn Thu được người dân Cà Mau vẽ truyền thần. |
Qua Báo Tri thức và Cuộc sống, cô Hữu mong rằng thông tin sẽ được lan tỏa, chia sẻ rộng khắp hơn.
"Biết đâu! người thân của cụ vô tình đọc được bài báo và tìm được cụ. Đặc biệt, trong dịp cả nước hướng về ngày 27/7, tri ân các thương binh, liệt sĩ... nếu tìm được người thân cho cụ trong dịp này thì đó là sự đền đáp rất ý nghĩa" - cô Hữu bùi ngùi.
Quý độc giả có thông tin về cụ Nguyễn Văn Thu hoặc người nhà của cụ, vui lòng liên hệ cô Kiều Thị Hữu (số điện thoại: 0329735156) hoặc liên hệ với Báo Tri thức và Cuộc sống (địa chỉ: 70 Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; đường dây nóng : 096 523 77 56).
>>>Xem thêm video: Cuộc trùng phùng đẫm nước mắt Sau 32 năm tìm con 2 tuổi bị thất lạc (Nguồn: Góc nhìn Pháp Việt).