Trong chuyến công tác đến với bà con nhân dân ở xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. PV đã được nghe rất nhiều câu chuyện, hoàn cảnh khó khăn của những gia đình nơi đây. Trong đó, những câu chuyện của các cô giáo cắm bản khiến cho chúng tôi có những xúc cảm đặc biệt. Đó là câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1988), quê gốc Thái Bình đã có 8 năm công tác tại miền biên cương Tung Qua Lìn.
Trò chuyện với PV, cô Phương cho biết cô tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm mẫu giáo Trung ương Hà Nội. Mặc lời can ngăn của bố mẹ nói nhà neo người chỉ có hai chị em nhưng cô Phương vẫn nhất quyết không nghe lời và đi đến với bản làng nơi vùng sâu, vùng xa vùng gần biên giới.
|
Câu chuyện của cô giáo Phương khiến chúng tôi như nghẹn lại. |
Những ngày đầu đi đến bản vùng cao, cũng như bao cô giáo khác, xa nhà lại thiếu thốn đủ thứ nên cứ đêm xuống là cô lại bật khóc. Cô chỉ biết khóc một mình không dám phàn nàn với bố mẹ bởi vì cô nghĩ mình đã dám lựa chọn thì phải chấp nhận. Và rồi những ngày nhớ nhà đã qua thì cũng là lúc cô nhận ra mình không biết một tiếng dân tộc nào mà học sinh của cô lại không nói được tiếng phổ thông.
Khó khăn chồng chất khó khăn, thế rồi nhờ sự giúp đỡ của mọi người, cô Phương đã vượt qua và gắn bó với trường mầm non Tung Qua Lìn (điểm trường Cò Ký) 8 năm.
Cô còn nhớ như in những lần đi vận động học sinh, ở đây người dân nuôi chó thả rông nên hầu như năm nào cô cũng bị chó cắn. Có hôm bị cắn chảy máu cô Phương buộc phải đi tiêm phòng: “Những lúc như vậy thấy nghề của mình sao mà cực nhọc quá. Nhưng nghĩ đến tương lai của các em mình và nhiều thầy cô giáo khác lại hào hứng đi vận động học sinh”.
Hai vợ chồng cô Phương cùng công tác gần nhau nên họ được gần nhau nhiều hơn nhưng có một điều khiến cô giáo Phương luôn cảm thấy buồn đó chính là hai con gửi về cho ông bà trông.
|
Ánh mắt của những đứa trẻ vùng cao níu chân cô ở lại cho đến bây giờ. |
Con lớn thì nhận ra mẹ nhưng cô con gái nhỏ sinh năm 2015 vì phải xa mẹ từ sớm do hoàn cảnh công việc nên những lúc cô về thăm con con gái nhìn thấy mẹ là bé lại khóc ré lên ôm bà khiến trái tim của người mẹ như quặn thắt.
“Mình gửi con về khi con còn nhỏ vì ở trên này không có ai trông mà hai vợ chồng lại đi làm cả ngày. Chỉ cuối tuần mới được về thăm con nhưng con không nhận ra mẹ, mình đau lắm chứ. Có nỗi đau nào hơn khi con dứt ruột sinh ra không quen hơi ấm của mẹ.
Những lúc con không nhận ra mình đành gạt vội những giọt nước mắt và làm quen từ đầu với con. Thế nhưng, khi vừa làm quen được với con thì cũng là lúc mình lại phải lên đường về trường”, cô giáo Phượng ngậm ngùi chia sẻ.
Cô cũng mong có một ngày được đoàn tụ với các con nhưng chưa biết khi nào có thể thực hiện vì điều kiện chưa cho phép và bởi cô còn nặng lòng với lũ trẻ vùng cao.
Trong suốt 8 năm công tác, năm nào cô Phương cũng đạt được thành tích lao động tiên tiến, đây cũng là món quà tinh thần khích lệ những cô giáo cắm bản.
Có lên với Tung Qua Lìn, thăm nơi học tập, sinh sống của các cô giáo 8X mới thấu hiểu được những khó khăn mà các cô giáo và học sinh nơi đây vẫn đang phải trải qua từng ngày. Thế nhưng, vượt qua tất cả, các cô giáo vẫn không ngừng hi vọng các học sinh thân yêu của mình sẽ thành người, bớt đi cái nghèo, cái khổ.