Sự sống của cô gái xinh đẹp càng mong manh hơn khi cha mẹ không còn, khả năng chi trả viện phí ngoài tầm với. Tuy nhiên, cũng như những số phận may mắn kỳ lạ mà chúng tôi muốn đề cập, chị Trân đã thoát chết thần kỳ…
Cuộc đời được tái sinh
Tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, đội ngũ y, bác sỹ vẫn thường nhắc về trường hợp cứu sống hi hữu nạn nhân Phan Thị Nam Trân (25 tuổi, ngụ quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Bởi đây là một ca bệnh cực kỳ khó, các bác sỹ phải giành giật sự sống của bệnh nhân trước “lưỡi hái tử thần.
|
Chị Trân vui vẻ với hiện tại. |
Bác sỹ Võ Duy Trinh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhớ lại, tối 15/10/2012, Trân cùng em gái là Phan Thị Liên Châu (23 tuổi) đang trên đường về nhà. Khi đến đường Tô Hiệu, TP. Đà Nẵng thì bất ngờ va chạm với một chiếc xe tải. Cả hai ngã xuống đường và được người dân đưa vào bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Chị Châu bị gãy xương chân.
Riêng Trân vào phòng cấp cứu trong tình trạng tỉnh táo, song áo quần đẫm máu. Tiến hành chụp chiếu, xét nghiệm máu, kết quả cho thấy, chị Trân bị đa chấn thương giập phổi hai bên, tràn máu màng phổi, giập lách, thủng ruột, toạc cơ hoành, gãy toàn bộ xương chậu, gãy xương đùi...
Mạch của bệnh nhân bị tai nạn giao thông rất yếu, có thể ngừng đập bất cứ lúc nào. Vẫn chưa hết, bác sỹ xác định, chị bị nhiễm trùng độc cao, choáng chấn thương, choáng mất máu, choáng nhiễm trùng... Ngay trong đêm, một ê-kíp mổ được thành lập, thực hiện hàng giờ liền.
Bác sỹ tiến hành phẫu thuật cắt lách, đưa ruột ra ngoài hậu môn tạm, đặt xông dẫn màng phổi hai bên. Do sức khỏe quá yếu, chị được cho thở bằng máy, dùng kháng sinh mạnh, siêu lọc máu và truyền thuốc liên tục để nâng huyết áp. Ca phẫu thuật kết thúc cũng là lúc trời bắt đầu sáng. Mặc dù ca phẫu thuật thành công, nhưng bác sỹ chưa thể xác định bệnh nhân có thể qua khỏi cơn nguy kịch hay không.
Hôm sau, Trân vẫn trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, máu truyền liên tục. Đến ngày thứ ba, mạch đập mạnh hơn. Chế độ chăm sóc đặc biệt được thực hiện đối với trường hợp này, y tá túc trực 24/24 bên cạnh bệnh nhân. Một tuần sau, nhận định chị đã qua khỏi cơn nguy kịch, một ê-kíp mổ khác được thành lập để phẫu thuật lần hai. Lần này, bác sỹ thực hiện cố định ngoài khung chậu, kết hợp với xương đùi gãy. Sau đó, hàng loạt ca phẫu thuật khác được thực hiện với mong muốn giảm thiểu hậu quả vụ tai nạn kinh hoàng.
Trân có bảo hiểm y tế, nhưng trong quá trình điều trị có rất nhiều hạng mục không được chi trả. Trong đó, chi phí mỗi lần lọc máu là 20 triệu đồng mà chị liên tục được thực hiện. Tính sơ mỗi ngày, người thân phải chi trả thêm gần chục triệu đồng.
Điều đáng nói, chị là con lớn trong gia đình, mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đồng nghĩa, chi phí chữa trị nằm ngoài khả năng của bệnh nhân. Phía tài xế xe tải không nhận trách nhiệm, không đến bệnh viện thăm hỏi vì cho rằng xe không đâm vào chị.
Mặc dù chi phí chữa trị là rất lớn, ước lượng lên đến gần cả tỉ đồng, nhưng Ban giám đốc bệnh viện vẫn chấp nhận chữa trị cho Trân vì “lương y như từ mẫu”. Bên cạnh đó, nhiều cuộc họp có nội dung về chi phí chữa trị cho Trân được diễn ra. Theo điều động của ban giám đốc bệnh viện, một số nhân viên liên hệ với các tổ chức từ thiện, báo chí với hy vọng lên tiếng giúp đỡ trường hợp bệnh nhân đặc biệt này.
Trước sự đồng lòng của đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện, sau hai tháng nằm trong phòng cấp cứu, Trân được chuyển đến phòng Hồi sức để tiếp tục theo dõi. Cũng trong khoảng thời gian này, nhờ được sự quan tâm của bệnh viện, chị nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các tấm lòng hảo tâm. “Trân không chỉ được cứu sống, chi trả đủ tiền viện phí, mà lúc xuất viện còn có một thẻ tiết kiệm để sinh sống. Điều này trở thành một kỳ tích mà tất cả nhân viên tại bệnh viện không thể quên”, bác sỹ Trinh nói.
Trời xanh có mắt
Ba năm sau vụ tai nạn, theo hồ sơ, chúng tôi tìm gặp chị Trân. Khuôn mặt chị thanh tú, nụ cười ngập tràn trên môi. Trong cuộc trò chuyện, những giọt nước mắt lăn dài trên má khi chị nhắc về quá khứ. Chị kể, trước đây, từng có một gia đình hạnh phúc, đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Vào ngày 25/3/2010, cha mẹ về quê ngoại ở xã Điện Quang (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) dự đám giỗ.
Chiều cùng ngày, cha mẹ dùng ghe vượt sông Thu Bồn sang bên kia sông để bẻ bắp. Gần đến bờ, bất ngờ gió mạnh, chiếc ghe lật úp, dòng nước cuốn cả hai người. Từ đó, ba chị em Trân trở thành mồ côi.
|
Bác sỹ đang chăm sóc chị Trân trong phòng cấp cứu. |
Ngày ấy, Trân đang là sinh viên trường cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt – Hàn, chị Châu là sinh viên năm nhất trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng và cậu em út Phan Quang Hợp học lớp 5. Từ ngày cha mẹ qua đời, gánh nặng cơm áo, gạo tiền dồn lên đôi vai của Trân.
Dù đau đớn, nhưng nhìn hai em, chị luôn dặn lòng không được khóc, phải cứng rắn để trở thành chỗ dựa. Để có tiền tiếp tục học và nuôi hai em, ngoài thời gian đến trường, chị bươn chải làm thêm từ tờ mờ sáng đến tối mịt, với các công việc như phụ bán quán, phát tờ rơi...
Ra trường, Trân xin được việc làm ở Gia Lai. Đầu tháng 10/2012, công ty làm ăn kém, chị xin nghỉ phép về Đà Nẵng thăm hai em. Chỉ mới sum họp được hai ngày thì xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng.
“Khi ấy, tôi tỉnh táo, đau khắp mình mẩy. Tôi cố gắng ngồi dậy nhưng không thể. Một người dân chạy đến bế dậy, nhưng thấy phía dưới lưng đẫm máu nên đành đặt trở lại. Tôi từng nghe, khi bị tai nạn, nếu tỉnh táo là điều đặc biệt nguy hiểm, có thể bị chấn thương sọ não và tử vong. Tôi sợ, nếu mình theo cha mẹ thì hai em phải làm sao?”, chị nói.
Do thời gian cao điểm, nửa tiếng sau xe cấp cứu mới tới. Vào đến bệnh viện, chị nghe bác sỹ bảo bệnh rất nặng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Lúc ấy, chị sợ hãi khi nghĩ đến số tiền viện phí phải chi trả, nếu được cứu sống. Chị chia sẻ: “Rất may, tôi được đội ngũ y, bác sỹ tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng tận tình chăm sóc, kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều người.
Có thể nói, nhờ các bác sỹ, nhờ những tấm lòng hảo tâm tôi đã được sinh ra lần thứ hai. Cái ơn ấy, suốt đời này tôi cũng không thể trả hết”.
Tình yêu bất tử
Sau khi ra viện, hàng ngày, chị phải đến trung tâm phục hồi chức năng để tập đi. Đến nay, sức khỏe vẫn còn yếu, mỗi khi trái gió trở trời khắp mình mẩy lại đau. Chị cũng từng được yêu cầu quay lại bệnh viện để mổ, vì dây thần kinh bị chèn ép. Tuy nhiên, do kinh phí lớn nên chị vẫn chưa thực hiện.
Thời sinh viên, Trân có một mối tình đẹp. Khi bị tai nạn, lo sợ về tương lai, không muốn làm người khác khổ vì mình, nhiều lần chị tìm cách chia tay. Người yêu thấu hiểu tâm sự, vẫn cố vun đắp tình cảm. Cách đây sáu tháng, Trân đã kết hôn và chuyển lên tỉnh Gia Lai sống. Riêng hai em, vẫn tiếp tục sống ở Đà Nẵng. Chị Châu đã tốt nghiệp, đang làm việc tại một studio áo cưới, còn cậu em út là học sinh lớp 10.
Hiện tại, Trân phụ việc trong công ty của chồng. Được nhắc đến chuyện con cái, chị cho hay: “Khi bị tai nạn, nội tạng bị ảnh hưởng nhiều, các bác sỹ cứu sống đã là một kỳ tích. Tôi từng nghĩ, vụ tai nạn có thể ảnh hưởng đến việc sinh nở, nhưng cơ thể vẫn còn đau nên chưa đi khám, và chưa nghĩ đến chuyện sinh con. Là người phụ nữ, tôi vẫn hy vọng lo sợ của mình không xảy ra”.
Một ca bệnh không thể quên
Bác sỹ Võ Duy Trinh cho biết, hàng chục năm công tác tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, mỗi ca bệnh đối với ông đều là trường hợp đặc biệt. Mỗi khi gặp bệnh nhân đều phải cố gắng cứu chữa hết mình. Tuy nhiên, có lẽ, không chỉ ông mà tất cả cán bộ tại bệnh viện mãi mãi không thể quên ca bệnh của chị Nam Trân.