Chuyện tình sắp đặt và đám cưới xa hoa nhất Đông Dương ở Hà Nội xưa

Google News

Cưới nhau vì bố mẹ sắp đặt, nhưng bởi chồng quá yêu thương chiều chuộng nên bà An dần dần có cảm tình với ông.

Căn nhà cổ số 18 phố Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xây dựng từ rất lâu rồi, chẳng ai nhớ từ bao giờ. Đến nay bên ngoài căn nhà đã thay đổi sửa sang khá nhiều, nhưng đối với một cụ bà 83 tuổi, đó là nơi chứa chan không biết bao nhiêu kỷ niệm với người chồng quá cố suốt gần 1 thế kỷ qua.
Cô tiểu thư nhà giàu bướng bỉnh và cuộc hôn nhân không tình yêu
Bà Nguyễn Thị An (sinh năm 1932) là con gái lớn trong gia đình có 6 người con. Trên bà còn 2 anh trai, và sau là 3 cô em gái. Gia đình bà khi xưa cũng thuộc dạng giàu có, làm ăn lớn, có tiếng tại phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến), con phố chuyên bán dao kéo tại thành Thăng Long.
Người ta bảo “Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài / Gái Đinh, Nhâm, Quý qua hai lần đò”, con gái Nhâm Thân lận đận tình duyên, số thường vất vả. Nhưng với bà An thì khác, đi gần hết cuộc đời, nhìn lại năm tháng đã qua, bà thấy mình có cuộc sống rất sung sướng bình yên, đường tình duyên thì êm đềm hạnh phúc. Đặc biệt, chuyện tình yêu của bà với người chồng quá cố rất ly kỳ và chan chứa kỉ niệm.
Cụ Nguyễn Thị An. 
Lật giở từng tấm ảnh cũ được lưu giữ rất cẩn thận, bà An vuốt ve chúng như muốn chạm vào những mảnh ký ức còn nguyên vẹn từ hơn 60 năm trước.
“Năm 20 tuổi, khi ấy tôi vẫn đương thì xuân sắc. Tôi bán vải ở chợ Nam, nhà có máy dệt, chuyên dệt quần áo chở vào trong Nam bán. Bố mẹ tôi giáo dục các con rất nghiêm khắc, theo nề nếp phong kiến, nhưng chuyện tình cảm thì tôi rất cởi mở. Tôi sống cũng thoáng, hay đi chơi với bạn bè, ăn mặc mốt thời đại lắm. Nhưng 9h tối không có mặt ở nhà là bố đã chờ sẵn để đánh phạt.
Năm 51-52, tôi yêu một anh là em út của ông Cự Giao, phú hào làng Cự Đà giàu có nổi tiếng ngày xưa. Nhưng bố mẹ tôi qua mai mối lại muốn gả tôi cho con trai nhà họ Nguyễn trên phố Tràng Tiền. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nên dù tôi không hề có tình cảm với người ta, vẫn phải nghe lời bố mẹ. Mẹ tôi còn doạ bảo, nếu chịu lấy chồng mẹ sẽ cho tôi hết sạp vải ở chợ, còn không thì tự đi mà cưới người khác, tự lo ăn mặc. Thế nên tôi im lặng về nhà chồng, dù trong lòng phản đối cực lực.
Ông nhà tôi là Nguyễn Đức Chiểu, con trai chủ tiệm may Adam nổi tiếng, giờ là số 19 Tràng Tiền đấy. Mẹ ông mất sớm, chỉ còn bố thôi. Hồi ấy ông thích tôi lắm, ngày Tết đến nhà tôi chơi thì tôi bận đi với “người yêu”. Ra bờ Hồ vô tình 3 người gặp mặt, tôi “bơ” ông ấy luôn (cười). Nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn phải lên xe hoa. Trước lúc cưới tôi nói thẳng với ông Chiểu là tôi không yêu ông, nhưng ông chỉ cười hiền.
Ngày rước tôi về, ông và bạn bè lái một hàng xe xịn đến trước cửa, tiệc cưới thì đặt ở khách sạn to nhất nhì Hà Nội, ông cười nhiều lắm, còn tôi thì buồn thiu. Sau đó mấy tháng tôi vẫn lạnh nhạt, chỉ quán xuyến việc nhà như trách nhiệm người vợ, như những gì tôi được bố mẹ dạy dỗ.
Thế mà ông Chiểu vẫn yêu thương, chiều tôi lắm. Tôi sinh 2 đứa, 1 trai 1 gái, chẳng bao giờ phải thức khuya vất vả chăm con hay cho bú, bởi nhà có 2 vú em. Ông quan tâm chăm sóc tôi đủ thứ, nên dần dần tôi yêu ông lúc nào không hay. Ông tốt lắm, bao dung độ lượng, không quát mắng ai bao giờ, rất học thức. Gia đình môn đăng hộ đối, tôi cũng không thiệt thòi gì. Ai cũng bảo tôi sướng, tôi cũng thấy mình may mắn, cảm động vì ông nhiều lắm.
Cưới nhau xong, vợ chồng tôi cùng kinh doanh cửa hàng may ở số 19, toàn quý tộc, giới thượng lưu đến đặt may đồ. Làm ăn tốt đến mức 3 tháng sau tôi đã mua thêm căn nhà số 18 đối diện bên kia đường, mất 5 vạn đồng tiền Đông Dương cũ, thêm 5 vạn tiền nữa để sửa sang. Ngày ấy 10 vạn nhiều lắm, đủ mua 2 căn mặt phố cơ. Cả đoạn phố Tràng Tiền xung quanh số 19 trước kia của nhà chồng tôi cả”, bà kể.
Có rất nhiều kỉ niệm gắn bó với ông, với 2 căn nhà số 18, 19 mà bà nhớ suốt đời không quên. Năm 53, Pháp thất trận nhiều, lính Pháp tả tơi xếp hàng dài từ Tràng Tiền ra tận Hàng Khay để đợi mua quần áo nhà ông bà.
Số 19 phố Tràng Tiền - tiệm may Adam năm 1952 (ngoài cùng bên phải) và số 19 hiện tại. 
Năm 55, chính phủ cải cách, ông bà đem nhà sung vào HTX may Hồ Gươm, Nhà nước tiếp quản. Dần dần nghề may nhà họ Nguyễn mai một, tiệm Adam sau giải phóng đổi tên thành tiệm Á Đông, kinh doanh thêm một thời gian thì vắng bóng hẳn. Vợ chồng bà chuyển sang làm công việc nhà nước, hạnh phúc và an yên.
Tình yêu vượt thời gian và chiếc nhẫn cưới mang hình bóng người chồng quá cố
Bà An năm nay đã 83 tuổi, nhưng rất minh mẫn, nhanh nhẹn, trông bà trẻ trung hơn tuổi thật rất nhiều. Tuy nhiên bà bị mù 1 mắt, do nhiều năm trước đi mổ gặp sự cố, nên giờ chỉ còn nhìn được mắt bên trái.
Con cháu đề huề thành đạt, ai cũng bảo bà có lối sống xì tin, lạc quan, chịu khó cập nhật những thứ hiện đại. Lối nói chuyện của bà rất dí dỏm, khiến ai cũng yêu mến, kính trọng bà.
Hơn 60 năm qua, bà vẫn luôn giữ nếp sống chỉn chu, gia giáo, sáng nào cũng tự vấn tóc theo kiểu sang trọng thời xưa. Những công tử, tiểu thư nhà giàu gốc Hà Nội cùng thế hệ với bà, đến bây giờ chẳng mấy ai còn sống. Bà An đã đi qua nhiều năm tháng lịch sử thăng trầm của Hà Nội, chứng kiến nhiều sự kiện và quá trình thay đổi của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Bà đã góp phần gìn giữ nhiều nét văn hoá truyền thống của gia đình thượng lưu phong kiến, duy trì sự giáo dục tốt cho con cháu qua nhiều thế hệ.
Bà còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật về ông Chiểu, người chồng thân thương đã ra đi từ hơn 30 năm trước. Mỗi kỷ vật lại gắn liền với những ký ức tươi đẹp về tình yêu đơm hoa kết trái muộn của 2 ông bà.
“Buổi tối, ông hay lái xe chở tôi đi ăn đi chơi, phát hiện ra 2 người cùng thích ăn thịt bò khô, nên suốt ngày ăn món đó, lên xe ông đút cho tôi 1 miếng, tôi cũng đút cho ông. Đến lúc tôi có tình cảm với ông rồi, 2 vợ chồng cùng đi chụp ảnh tại tiệm Kinh Đô nổi tiếng bấy giờ.
Nghĩ lại thì tôi thấy ông cũng đẹp trai (cười), lại yêu thương tôi như thế, nên khi ông qua đời, tôi tự nhủ, nếu có người đàn ông khác đến bên mình thì người ấy phải hơn được ông tất cả mọi thứ, nếu không thì chẳng xứng với tôi.
Đám cưới năm 52, ông trao cho tôi chiếc nhẫn vàng hình đốt trúc. Chiếc nhẫn trên tay từng ấy năm chưa bao giờ tôi tháo ra, trừ 1 lần duy nhất, là tôi đem đi đánh lại, lấy chiếc răng vàng của chồng tôi pha thêm vào nhẫn sau khi ông mất. Tôi nhớ mãi 3 hôm trước lúc ra đi, ông nằm trên giường chỉ nắm lấy tay tôi làm một việc duy nhất, là sờ vào chiếc nhẫn cưới, rơm rớm nước mắt. Rồi ông rời xa tôi mãi mãi trong một ngày đông lạnh giá cuối năm 1984. Tôi ở vậy cho đến tận bây giờ”.
 Bà An (thứ 2 từ phải sang) và con gái út - cô Oanh (áo vàng).
Con cháu trong nhà cũng không biết hết những câu chuyện cảm động giữa 2 ông bà như thế. Bắt đầu từ cuộc hôn nhân xếp đặt, vậy mà bà lại có được người chồng tốt, lại sống trong nhung lụa cả đời. Nhân tình thế thái đổi thay từng giờ, người ta ngày càng xô bồ vội vã, nhưng riêng bà vẫn giữ lại được khoảng trời bình yên với những năm tháng vàng son và chuyện tình yêu đẹp hơn cả tiểu thuyết. Bà vẫn nhớ ông nhiều lắm, và yêu ông tha thiết, chân thành như tình cảm ông dành cho bà trước đây.
Bà hiện đang sống với gia đình con trai cả tại phố Bạch Đằng, dãy nhà số lẻ phố Tràng Tiền đã bán đi từ lâu, còn căn nhà 2 tầng số 18 Tràng Tiền, bà cho vợ chồng cô con gái út sinh sống.
Cô Oanh, con gái cụ An đã ngoài 50 nhưng vẫn rất trẻ trung, hiền hậu. Căn nhà số 18 hiện tại được cô sửa sang lại nhiều, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, ấm áp, chứa đựng nhiều kỉ niệm của gia đình cô suốt 4 thế hệ.
Con dâu cô Oanh, cũng là cháu dâu cụ An, chính là cô giáo trẻ xinh đẹp nổi tiếng Ly Ly Nguyễn. Ly Ly là vợ anh Hùng, con trai lớn của cô Oanh. Nói về cụ An, chị cười rạng rỡ: “Mình cảm thấy rất may mắn khi được làm cháu dâu của bà. Bà hiền lắm, tâm hồn trẻ trung, lạc quan, thay đổi theo thời đại. Bà biết rất nhiều thứ, hay kể chuyện, và bà cũng “điệu” lắm (cười), làm móng này, làm tóc này, đi đâu làm gì cũng ăn mặc chỉn chu, chuẩn bị gọn gàng”.
Đối với bà Nguyễn Thị An, điều may mắn nhất chính là việc ông Chiểu xin cưới bà làm vợ, dù biết bà không yêu ông, và giúp bà tận hưởng được hương vị tình yêu chân thành, vĩnh cửu.
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)