Trung tâm rừng Vàm Sát là xã Lý Nhơn. Giờ đây, đến với Lý Nhơn, là đến với xã nông thôn mới đang thay da đổi thịt từng ngày với nhiều nhà yến được các đại gia ở Sài Gòn đầu tư để thu về "vàng trắng". Và đến với Lý Nhơn là đến với những sản vật, món ngon trứ danh chỉ vùng rừng ngập mặn mới có.
Rừng Sác huyền thoại
Lý Nhơn của Rừng Sác gắn với các chiến tích oai hùng của các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 Rừng Sác thời kháng chiến chống Mỹ như vụ đánh kho bom Thành Tuy Hạ năm 1972, pháo kích Dinh Độc Lập, phá kho xăng Nhà Bè năm 1973, nhận chìm 500 tàu chiến của hải quân Mỹ-ngụy, bắn rơi hàng chục trực thăng, đánh cháy gần 200 tàu vận tải quân sự từ 6.000 đến vạn tấn trên sông Lòng Tàu, và có cả những trận đánh diệt sấu dữ chuyên ăn… thịt người.
Phía sau những chiến công rạng danh ấy, bộ đội đặc công cũng chịu nhiều đau thương mất mát, với hơn 800 liệt sĩ nằm lại vùng rừng ngập mặn sình lầy. Trong đó có hơn 500 liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy.
Rừng Sác là vùng rừng sình lầy, ngập mặn quanh năm với hệ thống sông rạch chằng chịt từ 2 con sông lớn, sông Soài Rạp, sông Lòng Tàu, ăn thông qua địa bàn các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… Một rừng Sác thâm u, sản vật trù phú, những thảm rừng đước vô tận hàng trăm năm tuổi, cây rễ chằng chịt như ma trận, tàn lá phủ xanh kín các mặt sông mà theo nhiều bậc lão niên, ban ngày đi phải đốt đuốc để thấy đường, đã là địa bàn lý tưởng cho các nghĩa sĩ họat động, nhưng cũng đồng thời là chốn cư trú thiên đường của loài cá sấu hung thần.
|
Đường ra Lý Nhơn. |
Cách trung tâm thành phố ngoài 30km, con đường lý tưởng nhất để đến với Lý Nhơn là qua phà Bình Khánh, theo con lộ chính đi dăm cây số thì rẽ vào đường xương cá qua cánh rừng ngập mặn. Lâu nay nhắc đến Lý Nhơn, người ta thường liên tưởng đến cảnh đẹp của rừng đước ma quái và những món ngon vọp, cua, sò huyết, lịch, ốc leng… Lần gần đây nhất tôi theo chân một nhóm cần thủ chuyên đi câu cá thòi lòi - loài cá quái dị có chân, biết leo cây, vừa sống dưới nước vừa sống trên cạn. Cá thòi lòi con lớn nhất chỉ bằng cùm tay người lớn. Cá thòi lòi nướng muối ớt, nấu canh trái giác (có vị chua như lá giang, là vị thuốc Nam được người dân sở tại dùng để thanh nhiệt-PV) là món ngon nhớ đời làm luyến lưu nhiều du khách mê ẩm thực.
Người hùng diệt sấu dữ
Từ trung tâm xã Lý Nhơn, không khó để tìm ra nơi ở của "người hùng diệt sấu" Lưu Tuấn Kiệt. Ở tuổi cận 80, ông Kiệt khỏe mạnh, hoạt bát dù rằng ông đang mang trong mình căn bệnh ung thư dạ dày đã nhiều năm. Bí quyết để sống chung với căn bệnh K. tử thần ấy của ông Kiệt rất lý thú mà trong khuôn khổ bài viết, tôi chẳng thể nêu tường tận được. Thời điểm chúng tôi gặp ông Kiệt mới hơn 7 giờ sáng. Lúc này ông vừa tập xong các thế võ dưỡng sinh. Khi nghe chúng tôi hỏi thăm, ông Kiệt chỉ tay về phía trước, rừng xanh um, giọng chắc nịch: "Tôi hạ con sấu dữ ở ngay đó đó".
Sáng ở gia trang ông Kiệt tinh khôi vô ngần với muôn vàn thanh âm đến từ nhiều loài côn trùng và cỏ cây hoa lá, có cả tiếng rì rầm của trăm ngàn con sóng đến từ phía con sông Lòng Tàu, con sông mà trong quá khứ từng chứng kiến nhiều trận thủy chiến khốc liệt giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh. Ông Kiệt từng là Trưởng Công an xã Lý Nhơn sau năm 1975. "Bây giờ thì rừng bị thu hẹp nhường chỗ cho nhà dân, đường lộ, các ruộng muối, đìa tôm, ao cá, nhà nuôi yến… nhiều rồi. Chứ hồi sau năm 1975, rừng dày như ma trận, trùng trùng lớp lớp, lạc vào khó tìm được lối ra vì dưới tán rừng, ban ngày cũng như ban đêm, u u minh minh, tăm tối lắm...
|
Cụ Kiệt tại nơi cụ hạ gục con cá sấu nặng nửa tấn. |
"Lâu nay nhắc đến Rừng Sác hay rừng Vàm Sát, bà con phương xa cứ nghĩ trong rừng chẳng có gì ngoài sò cua tôm cá và cá sấu. Nhưng động thực vật ở rừng Vàm Sát phong phú, đa dạng lắm. Ở đây từng là mái nhà của nai rừng nặng đến hơn nửa tấn. Rồi mèo rừng, beo, heo rừng, con mang, khỉ, voọc, trăn rắn… nhiều vô kể" - ông Kiệt lần giở ký ức. Rồi ông bảo giống như cọp Ba Móng, sấu dữ Vàm Sát rất thích ăn thịt người.
Sát thủ bí ẩn
Lời ông Kiệt khiến tôi nhớ đến lời của ông Ngô Văn Dị, Vạn trưởng Vạn lăng ông Thủy Tướng ở thị trấn Cần Thạnh - nơi lưu giữ bộ xương cá voi khổng lồ dài 12m, cao hơn 2m. Nói về Cần Giờ của thuở sơ khai, ông Dị cho biết, đất Cần Giờ chia thành 2 phần sông - biển tách biệt. Cá sấu sống tập trung ở nơi có con sông Lòng Tàu ăn thông với sông Thị Vải đổ dài qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Dị nói rằng ngày ấy sấu nhiều vô kể, đêm xách đèn đi soi cá moi cua, giật mình thon thót khi ánh đèn quét qua những vùng sấu nằm chực mồi với ánh mắt đỏ lừ và hàm răng nhọn hoắt.
"Hồi nào giờ rừng đước là đại bản doanh của sấu. Thời chống Pháp, tiếng Rừng Sác nhiều sấu dữ lan khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Có những con sấu khổng lồ to bằng chiếc ghe, dài đến 5-6m, chuyên ăn thịt người. Trước sự lộng hành của những con sấu tinh, bà con trong vùng phải hùn tiền mời "thầy" chuyên câu sấu ở miệt Cà Mau về Cần Giờ lùng bắt sấu. Khi bắt được sấu, ông thầy chỉ lấy bao tử con vật, còn lại giao hết cho người làng. Nghe nói trong bao tử của những con sấu từng ăn thịt người có rất nhiều vòng vàng của những người mà nó ăn thịt? Khi lấy những món ấy ra khỏi bao tử, người câu sấu phải làm mâm cơm cúng tạ vong hồn chủ nhân của những vòng vàng ấy rồi mới dám bán buôn, sử dụng".
Cá sấu ở rừng Sác - Cần Giờ được các nhà khoa học định danh là cá sấu hoa cà, là loài bò sát lớn với con trưởng thành có thể nặng hơn 1.000kg, dài đến 7m… Từng nhiều lần đối mặt với loài bò sát dữ khổng lồ này nên ông Kiệt rất rành về chúng. Ông mô tả sấu Vàm Sát có hàm khỏe như xáng-cạp (máy múc đất), mỗi lần đẻ từ 40-90 trứng, sau 90 ngày được ấp, trứng nở ra sấu con… Loài này sống phổ biến ở vùng đầm lầy nước lợ, vùng cửa sông giáp biển.
Con sấu ông truy bắt để danh đến giờ dài đến 4m, sải ngang hơn 1,2m, nặng gần 500kg. Sau nhiều ngày truy tìm, ông bắn nó vào buổi chiều tối một ngày đầu tháng 11/1976.
Đã gần 40 năm trôi qua nhưng chuyện diệt sấu dữ vẫn như in. Là Trưởng công an xã, thi thoảng ông nhận được thông tin người dân, thanh niên xung phong ở các nông trường tự dưng mất tích một cách bí ẩn. Sau có một phụ nữ may mắn thoát chết báo tin, ông Kiệt mới rõ hung thủ gây nên những vụ mất tích khó hiểu là con sấu tinh khổng lồ nên mở chiến dịch tìm diệt.
"Con sấu đó nó gan lắm. Nó gan đến độ nhà người ta mở đám tiệc với đông người đến, vậy mà nó không sợ, nó chọn địa thế, nằm nghếch đầu về hướng đám tiệc chờ ai đó sơ suất là đến "gắp" đi… Nó ngông cuồng như vậy, nhưng muốn diệt nó là chuyện không phải dễ. Vì lớp da trên thân mình nó đích thực là lớp áo giáp, đạn bắn không thủng, lao phóng không lủng. Con sấu nặng một tạ đã khó trừ nói gì con sấu nặng đến nửa tấn, da dày gấp 5 lần, lại sống lâu nên rất tinh quái".
Cuộc chạm trán khốc liệt
Theo ông Kiệt, yếu huyệt của loài cá sấu là phần "tam tinh", hiểu nôm na là phần trán trên đầu. Muốn diệt sấu, chỉ có thể tập trung tấn công ở phần yếu huyệt ấy. Da dưới bụng nó thì có thể bắn hoặc đâm thủng được, nhưng lặn xuống nước thì bắn thế nào? Mà bắn vào chỗ khác chẳng ăn thua, như mảnh đạn văng nón cối thôi. Con sấu này lại rất tinh quái, khi biết bị truy tìm, nó chủ động tìm đến phục sẵn? Sẩm tối hôm đó, vừa về trụ sở ủy ban xã thì ông nhận được tin báo sau khi gắp gọn con heo nặng 40kg của một hộ dân, con sấu đang chủ động… "đợi" ông ở đoạn kênh trước nhà dẫn nước vào vườn? Ông Kiệt xách khẩu AR15 còn nguyên băng 20 viên đến nơi, dưới ánh đèn pin nhập nhoạng, thấy nó đen sì, một bên mép trắng hếu. Giữa lúc ông Kiệt còn đang tính kế diệt nó thì bỗng một loạt đạn anh em đứng phía sau quét tới. Vậy nhưng con sấu chẳng hề hấn gì, nó cũng chẳng tỏ ra sợ hãi, nó đủng đỉnh quay đầu đi…
Ông Kiệt nhớ lại, khi con sấu khủng tinh quái quay đầu về hướng sông, ai cũng tưởng nó bỏ đi nhưng đó kỳ thực là "chiêu hồi mã thương" của nó: "Nó giả bộ quay đầu để mọi người chủ quan không phòng bị. Và đúng ngay khi tưởng nó bỏ đi, bất ngờ nó quay lại lao nhanh đến chỗ tôi cùng anh em! Dù bất ngờ nhưng tôi cũng kịp điềm tĩnh trụ chân, súng chĩa thẳng nhắm vào phần tam tinh của nó mà bóp cò. Trúng phát đạn chí mạng nhưng con sấu to lớn vẫn lướt theo đà sát người vừa bắn nó. Do giật mình nên tôi trượt chân, mất đà ngã xuống kênh, tránh được cú táp chết người ấy. Lúc ngoi lên, tôi xả nốt băng đạn vào đầu nó. Con sấu nằm gục với phần sọ vỡ nát".
Sau cuộc chạm trán tử thần, hơn chục thanh niên lực lưỡng cố hết sức mới khiêng được con sấu khủng lên bờ. Thịt của nó đãi cho bà con cả xã ăn không hết. Lại còn có chuyện thêu dệt rằng con này chừng là sấu chúa vì sáng hôm sau, bà con trong vùng chứng kiến không biết từ đâu, sấu tràn về phủ kín cả đoạn kênh dài như thể đưa ma con sấu chúa…
Theo thời gian và thời cuộc, các cuộc khẩn hoang và những cuộc tìm diệt sấu để bán da cho thương lái nhiều năm trước đã khiến hung thần của rừng Vàm Sát nay tuyệt diệt. Bây giờ, cá sấu ăn thịt người, cá sấu khổng lồ hung dữ chỉ còn là hình ảnh của một thời quá vãng ở rừng Vàm Sát. Có chăng chỉ trong chuyện kể, trong hồi ức của các bậc cao niên như ông Kiệt, mà thôi!