Những quyết định “chấn động” nhằm bảo vệ vịnh Hạ Long

Google News

Đã có khá nhiều giải pháp nhằm bảo vệ vịnh Hạ Long, mà một trong số đó được dư luận đánh giá cao là chủ trương “không san đồi, lấn biển”.

Một quyết định rất được lòng dân được đưa ra ngay lập tức: Dừng lấn biển tiếp từ Bãi Cháy cho tới Cột 8, dù các dự án đã được chuẩn bị công phu và chuẩn bị được triển khai..
 Đường bao biển Cột 3- Cột 8 suýt thành đường giữa phố.
Lòng tham không đáy
Những khu đô thị từ Cột 3 đến Cột 8, khu Vựng Đâng và khu đô thị Hùng Thắng, với tổng diện tích hàng nghìn hécta hiện tại, trước đây là những khu rừng ngập mặn xanh ngắt. Những khu rừng ấy được ví như một hệ thống “gạn đục, khơi trong” cực kỳ hiệu quả cho nước vịnh Hạ Long, mà sau này địa phương có loay hoay đổ tiền tỉ vào với sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài cũng chẳng thể sánh bằng.
Ngày đó, cách đây không xa lắm, đã có nhiều ý kiến về việc lấn biển quá mức ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan vịnh Hạ Long. Những cảnh báo đó giờ đang trở thành hiện thực. Tưởng rằng lòng tham sẽ dừng ở đó, nhưng trong cơn say bất động sản đang “sốt”, một loạt dự án lấn biển liên tiếp ra đời.
Dọc bờ biển dài khoảng 3km, từ Cột 3 đến Cột 8 - hiện là những khu đô thị đẹp nhất Hạ Long, dù đã được kè kiên cố bằng một con đường hai làn xe tuyệt đẹp, tỉnh vẫn chủ trương cho lấn biển tiếp. Tất nhiên, khoảng cách từ đường bao biển cũ tới đường bao biển mới có quỹ đất đủ lớn cho thị trường bất động sản.
Hàng trăm hộ dân tin rằng nhà mình mãi ở mặt tiền, nhìn thẳng ra biển bỗng ngớ người ra vì… biển còn bị lấn tiếp.
Một số nhà chức trách giải thích với phóng viên khá vui tai, rằng: Phải lấn thêm ra tới vị trí mà ở đó khi thủy triều xuống mức thấp nhất cũng không trơ đáy, để du khách không nhìn thấy những bùn bẩn, rác rưởi(!?)
Phía bên kia Bãi Cháy, một dự án hoành tráng với tên gọi mĩ miều “Con đường di sản”, kéo dài từ gần bến xe cũ tới phường Hùng Thắng, cũng trong tình trạng tương tự: Sẽ đẩy toàn bộ bãi tắm Hoàng Gia vào sâu bên trong. Và tất nhiên, khoảng cách từ mép đường cũ tới đường bao biển mới cũng tạo ra một quỹ đất “vàng” rất lớn.
“Không san đồi, không lấn biển”
Những dự án trên nếu được thực hiện sẽ thu hẹp vịnh Hạ Long, cùng bao hệ lụy khác về môi trường…
Rất may, chủ trương “không san đồi, không lấn biển” ra đời vào cuối năm 2011, cùng với những quyết định mạnh mẽ gây “chấn động” không chỉ với giới đầu cơ bất động sản, mà với cả nhóm lợi ích: Thu hồi những dự án trên, nhằm giữ nguyên hiện trạng cho vịnh Hạ Long, dù các dự án sắp được triển khai.
Trước đó, hầu hết các quả đồi xanh tại thành phố biển Hạ Long bị gọt, bị đào xới như những đại công trường, mà từ biển nhìn vào cả thành phố như chiếc áo rách vá chằng chịt, để lấy đất một phần cho lấn biển. “San đồi, lấn biển” mang lại lợi ích kép cho số ít: Có quỹ đất bằng trên bờ và dưới biển để bán, nhưng khiến cảnh quan, môi trường TP.Hạ Long và vịnh Hạ Long ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính đã đưa ra bàn bạc, để rồi sau đó Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất chủ trương “hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức san đồi, lấn biển. Sau đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh có nghị quyết về nội dung này.
Theo ông Chính, chủ trương trên ra đời trên cơ sở khuyến nghị của UNESCO và xuất phát từ trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, đặc biệt là bảo tồn, tôn vinh, khai thác và phát huy giá trị di sản kỳ quan thế giới vịnh Hạ Long.
Từ khi HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về vấn đề trên, tại kỳ họp cuối năm 2011, đến nay, việc san đồi, lấp biển để phát triển “nóng” quỹ đất đã được xem xét hết sức cẩn trọng. Môi trường, cảnh quan khu vực ven bờ vịnh Hạ Long đang từng bước được cải thiện rõ rệt.
Kỷ niệm tròn 20 năm kể từ ngày trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, ngoài việc tôn vinh, ca ngợi “sắc đẹp” và nỗ lực bảo vệ vịnh Hạ Long, cũng cần tổng kết những việc con người đã vô tình hoặc cố ý tác động tiêu cực đến di sản, để có giải pháp ngăn ngừa và bảo vệ tốt hơn.
Đặc biệt, cần một tầm nhìn xa hơn và thống nhất hơn, để chủ trương “không san đồi, lấn biển” hôm nay mãi không thay đổi, để lòng tham của nhóm lợi ích không thể trỗi dậy khi thị trường bất động sản lại lên cơn “sốt”.

Theo Lao Động

Bình luận(0)