"Thuận mua vừa bán, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi hay khách hàng là thượng đế" là những quy tắc nằm lòng của những người kinh doanh, buôn bán. Thế nhưng, đối với những kẻ kinh doanh kiểu côn đồ ở một số chợ nổi tiếng của Hà Nội lại không phải vậy.
Không mua, chửi thẳng mặt
Khoảng 4h chiều 9/10, một cô gái trẻ đứng trước cửa hàng tạp hóa ở chợ Nhà Xanh (Phan Văn Trường, Cầu Giấy, Hà Nội). Nhìn một hồi không thấy cái kẹp tóc nào ưng ý, cô gái lại chạy sang một cửa hàng khác gần đó. Cô gái vừa quay lưng đi, bà chủ quán lầm bầm: "Tiên sư con ranh, không mua thì nhìn vào làm gì?"
Khoảng 2 phút sau, một cô gái trẻ khác tiếp tục vào cửa hàng này. Lần này, thay vì chỉ nhìn, cô gái đã tháo hẳn một chiếc ô ra để xem. Thấy chiếc ô có thiết kế lạ, cô gái quay ra hỏi bà chủ: "Sao chiếc ô này lại có chiếc nắp này?"
Bà chủ cầm trên tay con dao gọt hoa quả, mắt gườm gườm: "Cái ô nào mà chẳng giống nhau. Đồ quái gở. Tao còn chưa mở hàng, mày không mua thì đừng có sờ vào rồi chê bai..."
"Cháu cũng có ý định mua nhưng sao cô lại nói cháu không ra cái gì?", cô gái nói. Hai bên tranh cãi với nhau một hồi, nghe bà chủ hung hăng "gằn giọng", vì ngại ầm ĩ giữa chợ, cô gái yếu thế,sợ sệt đành bỏ tiền mua chiếc ô trên tay.
Những khách hàng khác đang có ý định vào xem thấy cảnh tượng trên dãn ra hết. Họ lắc đầu nhìn bà bán hàng ghê gớm, "bắt nạt" khách nên cũng vội vàng tìm cách bỏ đi.
Lê Hằng, một cô sinh viên Học viện Ngoại giao mới từ TP.HCM ra Hà Nội nhập học chứng kiến cảnh tượng này đã bức xúc: "Mình ở trong TP.HCM ra đây mới được mấy bữa mà không chịu nổi cách bán hàng ngoài này. Không mua là chửi, dọa đánh...
Ra Hà Nội mình rất ghét cái thái độ khinh người, với thái độ phục vụ khách hàng. Ở TP.HCM, không mua người ta còn cám ơn hẹn lần khác quay lại".
|
Ảnh cắt từ clip. |
Bởi vậy, dù mới ra thủ đô chưa đầy 2 tháng nhưng Hằng đã quen với điệp khúc "mua mở hàng đi" của các tiểu thương ở Hà Nội.
"Mới đầu em chưa quen nên rất sợ hãi với cách hành xử của họ. Phải mất vài tuần để làm quen nhưng em vẫn không thể chấp nhận được kiểu văn hóa này. Thường họ hay nói "chưa mở hàng" để ép tất cả những người sờ vào hàng của họ phải "mua mở hàng" bằng được.
Có những nơi bán từ sáng đến 4, 5 giờ chiều vẫn kêu chưa mở hàng. Những chủ bán hàng đó em chỉ gặp một lần và không bao giờ dám quay lại", Hằng cho hay.
Bán hàng kiểu giang hồ
Tình trạng chửi bới, ép khách phải mua hàng không chỉ có riêng ở chợ Nhà Xanh mà còn khá phổ biến ở nhiều chợ nổi tiếng khác ở Hà Nội. Trên các diễn đàn nhiều người thường chia sẻ những tình huống gặp người bán hàng rất "oái ăm" ngoài chợ.
Bạn Trương Linh chia sẻ trên Web Trẻ thơ về lần đi chợ Ngã Tư Sở của mình: "Hôm đó em vào chợ mua đôi bốt mùa đông. Sau khi thử thấy không ưng ý nên chào đi. Chủ quán cầm đôi bốt ném ngay sau lưng, chị ta quay ngoắt lại bắt em nhặt lên xếp vào chỗ cũ. Ức lắm nhưng tụi họ buôn bán có hội có phường, em thân cô thế cô biết làm sao được".
Sau lần đi mua sắm đó Linh tự nhủ sẽ không bao giờ bước chân vào khu chợ này nữa.
|
Nhiều độc giả comment bức xúc khi gặp những tiểu thương "oái oăm". |
Trên một diễn đàn của báo VnExpress, bạn đọc có tên Reara tâm sự: "Tôi đã từng phải để lại hai vết sẹo trên mặt vì không mua một cái áo phông ở chợ Ngã Tư Sở. Chủ cửa hàng ép nhưng tôi không mua, thế là ông ta đấm thẳng vào mặt tôi. Do không tránh kịp, tôi đã bị đập mặt vào tủ kính, bây giờ vẫn còn hai vết sẹo”.
Nếu chợ Nhà Xanh là chửi khách, chợ Ngã Tư Sở giở thói côn đồ với khách thì chợ Đồng Xuân lại nổi tiếng ở khoản "chặt chém" khách hàng. Nếu không phải khách quen mà chỉ đi chợ lần đầu có thể khách phải mua hàng chợ với giá trên trời.
Bạn đọc Hồng Nhung chia sẻ trên báo Gia đình Việt Nam: "Nếu khách hàng lần đầu tiên đến chợ Đồng Xuân thường gặp phải cảnh không bán lẻ mà chỉ bán sỉ. Một mẫu họ chỉ bán nguyên dây (từ 4 đến 5 cái), nếu họ bán một cái, nghĩa là họ phải phá dây ra. Vì vậy dù mua lẻ một cái họ cũng bán "cắt cổ" bằng giá sỉ cả dây luôn.
Một chiếc áo khoác bình dân được nói với giá 900.000 đồng, một đôi giày hàng chợ nhưng cũng bị quát giá 400.000 đến 500.000 đồng. Sau khi khách sờ vào cái áo chưa ưng cũng bị ép phải mặc cả, nhìn sang bên cạnh thấy bà bán hàng ở cửa hàng khác cũng mắng xơi xơi".
“Nếu thấy đắt, bạn buông lời trả giá sẽ bị chửi tới tấp: "Giày của tao tốt thế mà trả giá rẻ mạt vậy à? Áo chất đẹp vậy mà mày còn chê à? Không có tiền mua thì đừng sờ vào hàng nhà tao.Người bán hàng chửi bới, dọa nạt nên cuối cùng tôi đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" mua với giá cao", Hồng Nhung viết.
|
Ai cũng 1 lần từng ngậm đắng nuốt cay khi đi chợ ở thủ đô. |
Mất tiền để mua đồ, nhưng nhiều khách hàng ở Hà Nội đã không ít lần phải giật mình vì cách hành xử giang hồ của người bán. Có người đã từ bỏ hẳn thói quen mua sắm ở chợ truyền thống sang mua sắm ở siêu thị.
“Đã 3 năm nay rồi, sau lần bị một chủ quầy hàng “đuổi vía” vào buổi sáng tôi chưa hề bước chân trở lại chợ truyền thống. Họ chỉ vì một vài đồng tiền bán hàng mà đánh mất đi cả nhân cách, văn hóa của mình. Sự tôn trọng của tôi dành cho những người buôn bán kiểu chợ búa đó cũng không còn nữa…” – cô Hoàng Ngân (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):