Thế nhưng, đến nay công việc đã hoàn tất tới 80%, song với 20% còn lại, nếu thời tiết cứ không thuận, mưa nhiều, nước lũ cao, thì cũng khó hoàn thành đúng hẹn, dù các kỹ sư, công nhân ai ai cũng quyết tâm mạnh mẽ "hồi sinh" cầu Long Biên.
Bởi thế, dù có những buổi chiều nắng hanh vàng, đứng từ gác tư của ngôi nhà cũ ngay dưới gầm cầu Long Biên, dõi theo dòng người ngược xuôi, dõi theo cây cầu vun vút, đại diện Ban Quản lý dự án 2 (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), đại diện đơn vị thi công, cũng chỉ biết thở dài, mong chờ ngày nước rút...
Hà Nội những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, thời tiết như “khó ở”. Mưa bão thất thường. Sau những cơn mưa, nắng lại đến cháy rát. Nhưng trong căn phòng trên tầng áp mái của ngôi nhà nằm nép bên dưới gầm cầu Long Biên (phía bên đầu Gia Lâm), các kỹ sư sửa chữa cầu dường như vẫn bám trụ.
Anh Nguyễn Xuân Phú - Phó Giám đốc Ban Quản lý 2 cho biết, đơn vị thuê căn phòng này vì nơi đây có thể bao quát được cây cầu rất rõ. Mà cũng nặng lòng thật, đây là lần thứ 2 tham gia dự án sửa chữa cầu, lần nào các anh cũng phải thuê văn phòng tại vị trí nhìn được toàn cảnh hoặc một phần lớn cây cầu, để mỗi lần bước ra cửa, là lại được ngắm nhìn nó, một cây cầu già tuổi thọ, nhưng giá trị lịch sử và văn hoá thì sẽ còn mãi với thời gian.
Chỉ tay về phía sông Hồng, anh cho biết, nước đang ở mức 7,5m, cao thế là bất lợi cho việc thi công phần trụ cầu, nên hàng trăm anh em kỹ sư, công nhân chỉ còn biết ... nằm chờ. Được xây dựng từ năm 1898, đến năm 1902 thì hoàn thành, tính đến nay cây cầu thép cũng đã 115 tuổi. Cầu do hãng Dayde & Pillé (Pháp) thiết kế.
Về mặt kiến trúc và kỹ thuật xây dựng nó là một công trình tuyệt đẹp có giải pháp thiết kế kiểu giàn treo mà trên thế giới hiện chỉ còn 4 cái như vậy. Tổng thể cầu Long Biên bao gồm một cây cầu bằng kim loại dựa trên những mố và trụ cầu xây kiên cố. Chiều dài của cầu giữa những mố ở hai bờ sông là 1.680m. Mố giữa có 19 nhịp cầu gắn vào nhau, tạo thành những dầm thép theo kiểu được gọi là Cantilever...
|
Cầu Long Biên một ngày cuối tháng 7-2017. |
Chúng được xây cao lên 13,50m bên trên mức nước này để toàn bộ chiều cao là 43,50m. Không gian ở giữa những khung sườn chính của cầu được dành cho đường tàu hoả qua, những lối đi trên cầu từng quãng một có những chỗ rộng nhô ra. Bên bờ hữu ngạn của dòng sông, ngay trong thành phố Hà Nội, cây cầu được kéo dài bởi một đoạn cầu cạn xây bằng gạch đá dài hơn 800m. Do vậy toàn bộ chiều dài của công trình lên tới 2.500m…
Ngoài vấn đề thời gian, cộng với nhiều lần bị máy bay Mỹ đánh phá (giai đoạn 1967-1972), cây cầu đã có nhiều thanh dầm, mố trụ bị hư hỏng, xuống cấp. “Nếu chỉ đơn giản “hỏng thì bỏ, hỏng thì thay mới” thì chúng tôi chả mất công mất sức đến vài năm thế này”, anh Phú chia sẻ.
Anh Phú cho biết, trong 4-5 lần sửa chữa, “Dự án Khôi phục cầu Long Biên-Giai đoạn1, gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025” được coi là đại dự án, bởi nó được đầu tư nhiều nhất và quy mô hơn cả, tính từ trước đến nay. Để đạt được mục tiêu dự án đề ra vừa đảm bảo an toàn chạy tàu và an toàn cho người lưu thông, vừa giữ nguyên hiện trạng, kể từ năm 2015 đơn vị quản lý, đã bắt tay vào nghiên cứu lập phương án sửa chữa và thi công.
Thế rồi, hàng loạt khó khăn từ công nhân, từ phương án cũng dần xuất hiện. Mọi thứ thuộc về cây cầu đều đã cũ kỹ nên yêu cầu kỹ thuật sửa chữa cao, với những thợ có tay nghề cứng và kinh nghiêm gia cố dầm Pháp (số này thực tế cả nước chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì công nghệ đinh tán lạc hậu các trường từ lâu đã dừng đào tạo).
Chẳng thế, để có được 400 công nhân cho đợt sửa chữa này, đơn vị thi công đã phải mở các lớp đào tạo nghề riêng, mỗi lớp trung bình là 2 tháng để phục vụ cho việc tán đinh ri-vê, bắt bu lông trên cầu sao cho chính xác. Nhiều vị trí cầu bị hoen gỉ, khi khảo sát bằng mắt thường rất khó nhìn hết vị trí cần sửa chữa, vậy nên khi đơn vị bắt đầu làm thì nảy sinh ra hàng loạt vị trí cần thay thế khác.
Phương án đang thực hiện lại phải dừng lại để chờ bổ sung. Vị trí thi công trên vòm cao có, dưới gầm cầu có nên đòi hỏi phương án phải chắc chắn, nguyên vật liệu phải đủ đầy. Diện tích để sửa chữa thì chật hẹp, lưu lượng phương tiện lưu thông lại cao, nên dường như công tác sửa chữa, trong đó có việc tập kết nguyên vật liệu chỉ thực hiện vào khoảng 1-2 giờ sáng; sơn chống rỉ dầm dọc, dầm ngang trong nhiều ngày chỉ diễn ra vào ban đêm để tránh gây ô nhiễm môi trường, do trước khi sơn phải phun cát tẩy gỉ bề mặt thép cũ, sau đó mới phun sơn mới.
Do cần giữ nguyên hiện trạng nên khi gầm cầu có chừng 4,5 con đinh vít bị mòn, nay cần thay với số tiền nguyên liệu chỉ khoảng vài trăm nghìn, song để có được phương án thay thế nào sao cho vừa an toàn, vừa đảm bảo chất lượng, thì phương án thi công lập ra có khi tốn hàng chục, hàng trăm triệu...
Khó là thế, song trải qua hơn 2 năm miệt mài gia cố, sửa chữa và trùng tu, đến nay dự án khôi phục cầu Long Biên, dường như đã đi được một chặng đường đủ dài với 80% khối lượng đã hoàn thành. 20% còn lại dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017.
Theo thời gian, vai trò huyết mạch giao thông đã không còn, cầu Long Biên giờ chỉ dành cho người đi xe đạp, xe máy và những đoàn tàu, nhưng cây cầu vẫn không mất đi vị trí vốn có của nó trong lòng người Hà Nội. Bởi trước đó, trong ký ức của nhiều người, cầu Long Biên đã cùng người dân Thủ đô kiên cường, vững vàng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng cũng trong những năm tháng khói lửa ấy, cầu Long Biên đã bị ném bom 14 lần, đã có 9 nhịp cầu bị đánh gục và 4 trụ bị hư hỏng nặng, nhưng cầu gãy lại được nối, cầu hỏng lại được sửa ngay để đảm bảo huyết mạch lưu thông.
Trải qua không biết bao biến động với nắng gió thời gian, chiến tranh tàn phá, cầu Long Biên giờ chỉ còn lại một nhịp kép phía Bắc, một nhịp kép phía Nam cộng thêm với nửa nhịp kép nằm giữa sông là còn giữ được vóc dáng nguyên bản. Các nhịp cầu bị bom đánh đổ đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu có độ khẩu nắn đặt trên các trụ xây mới. Cho tới giờ, cầu Long Biên vẫn là cây cầu đẹp nhất Hà Nội.
Biểu tượng cầu Long Biên còn là công trình kiến trúc sắt thép duy nhất và đồ sộ nhất ở Đông Nam Á. Kiến trúc cầu là sự giao hòa của nét cổ điển và hiện đại tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho những du khách đến với Hà Nội và với cả những bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh, đem lại những cảm hứng sáng tạo cho những người yêu và gắn bó với thành phố này.