Chuyến bay giải cứu: Nhiều tình tiết mới gây “nóng” trước khi tòa tuyên án

Google News

Trong thời gian tòa nghị án, thêm nhiều tình tiết mới xuất hiện khiến dư luận đặc biệt quan tâm mức án tòa tuyên đối với các bị cáo này.

Theo thông báo từ chủ tọa, dự kiến chiều nay 28/7, TAND TP Hà Nội tuyên án 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” về các tội “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong thời gian tòa nghị án, nhiều tình tiết mới xuất hiện như Cựu Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng được tập thể giáo viên viết tâm thư xin giảm án, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế Phạm Trung Kiên nộp khắc phục hơn 42 tỷ...khiến dư luận đặc biệt quan tâm mức án tòa tuyên đối với các bị cáo này.
Chuyen bay giai cuu: Nhieu tinh tiet moi gay “nong” truoc khi toa tuyen an
Các bị cáo trong phiên xét xử. 
Cựu Thư ký Phạm Trung Kiên khắc phục hơn 42 tỷ nhận hối lộ
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị cáo buộc có đến 253 lần nhận tổng số 42,6 tỷ đồng, trong đó 228 lần qua chuyển khoản. Khi luận tội, Đại diện VKS đánh giá bị cáo Phạm Trung Kiên nhận hối lộ trắng trợn nhất và nhiều nhất. Đại diện VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Kiên tử hình về tội “Nhận hối lộ”, đồng thời buộc bị cáo Kiên nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ.
Trong thời gian tòa nghị án, chị gái của Phạm Trung Kiên đã nộp thêm 7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả hành vi nhận hối lộ trong vụ án chuyến bay giải cứu. Như vậy, đến nay gia đình bị cáo Phạm Trung Kiên đã khắc phục được số tiền 42,2 tỷ đồng/42,6 tỷ nhận hối lộ.
Theo chuyên gia pháp lý, hiện tòa án chưa kết tội bị cáo Phạm Trung Kiên, tuy nhiên nếu trường hợp kết tội bị cáo về tội nhận hối lộ thì cũng có thể áp dụng khoản 2, Điều 5 Nghị quyết 03 để vận dụng quy định về bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả theo hướng có lợi cho bị cáo.
Tuy nhiên, nếu chỉ bồi thường khắc phục hậu quả từ ¾ số tiền nhận hối lộ nhưng không có điều kiện thứ hai là chủ động tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý tội phạm, tòa án vẫn có thể tuyên mức hình phạt tử hình theo quy định tại Điều 40 của Bộ luật Hình sự.
Chuyen bay giai cuu: Nhieu tinh tiet moi gay “nong” truoc khi toa tuyen an-Hinh-2
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế  
Gia đình bị cáo Kiên đã bồi thường khắc phục hậu quả thay cho bị cáo gần như 100 % số tiền nhận hối lộ cũng cần thêm một điều kiện nữa là bị cáo phải chủ động tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn mới chắc chắn là không bị tuyên hình phạt cao nhất là tử hình trong trường hợp tòa án xác định bị cáo có tội.
Tâm thư xin giảm án cho cựu Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng
Trong vụ án chuyến bay giải cứu, ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch Hà Nội bị xét xử về tội nhận hối lộ. Ông Dũng bị cáo buộc nhận hơn 2 tỷ đồng và bị VKS đề nghị mức án 3 đến 4 năm tù. Ông Dũng và gia đình đã nộp lại hết số tiền nhận hối lộ.
Trong thời gian tòa nghị án, 71 cán bộ, giáo viên trường THPT Lê Lợi viết “tâm thư” xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Chử Xuân Dũng vì "điều kiện khách quan đã vô tình vi phạm pháp luật".
Chuyên gia pháp lý cho rằng, đơn thư xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong vụ án hình sự của người không phải là bị hại, sẽ không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, HĐXX có thể áp dụng, coi là tình tiết giảm nhẹ "mềm" được ghi rõ vào bản án hoặc tình tiết này sẽ là căn cứ để đánh giá nhân thân của bị cáo, cũng như là cơ sở để đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Từ đó, sẽ là cơ sở để tòa án quyết định một mức hình phạt phù hợp.
Chuyen bay giai cuu: Nhieu tinh tiet moi gay “nong” truoc khi toa tuyen an-Hinh-3
 Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch Hà Nội
Mức hình phạt sẽ phụ thuộc vào 5 yếu tố: Quy định của Bộ luật Hình sự về khung hình phạt, loại hình phạt; Tính chất mức độ hành vi phạm tội; Nhân thân người phạm tội; Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Năm căn cứ quyết định đến hình phạt trên chia làm 2 nhóm yếu tố là: Yếu tố nhân thân và Yếu tố hành vi.
Do đó, các tâm thư, đơn thư, văn bản kiến nghị đề nghị khoan hồng, xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo có thể được coi là thông tin để HĐXX làm rõ hình ảnh, nhân thân của bị cáo, cũng như vai trò, giá trị của bị cáo đối với xã hội, trên cơ sở đó để quyết định một hình phạt sao cho "thấu tình", đạt lý, phù hợp với các yếu tố quyết định hình phạt.
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng kêu oan
Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cục An ninh điều tra bị cáo buộc có hành vi lừa đảo “chạy án” cho hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky và Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Bluesky không bị xử lý hình sự, qua đó bị cáo Hưng chiếm đoạt 800.000 USD. Hưng bị VKS đề nghị mức án từ 19 - 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, suốt những ngày diễn ra phiên xét xử, bị cáo Hưng không nhận tội. Thậm chí khi nói lời sau cùng, Hưng một mực kêu oan, khi nói lời sau cùng còn nói "đánh đổi cả mạng sống để tìm lại sự trong sạch cho bản thân".
Bị cáo Hưng đề nghị VKS đưa ra chứng cứ chứng minh trong chiếc cặp số bị cáo nhận từ cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đựng 450.000 USD như cáo buộc. Hưng liên tục khai bên trong chiếc cặp chỉ là 4 chai rượu vang. “Anh Tuấn đưa 450.000 USD cho bị cáo không có bất kỳ nhân chứng nào, không có hình ảnh nào. Bởi thế không thể khẳng định trong cặp có tiền", Hưng nói.
Đề cập số tiền 350.000 USD, Hoàng Văn Hưng cũng đề nghị làm rõ "bị cáo yêu cầu anh Tuấn đưa tiền vào ngày nào, giờ nào, cách nào, nội dung yêu cầu chuyển tiền là gì. Bị cáo nhận 350.000 USD vào giờ nào, ngày nào, cách nào".
Theo đại diện VKS, việc khởi tố Hoàng Văn Hưng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 800.000 USD được đánh giá trên toàn bộ hệ thống chứng cứ. Việc giao nhận tiền chỉ có hai người biết, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã khai nhận, bị cáo Hoàng Văn Hưng không khai nhận nên đã áp dụng nhiều biện pháp điều tra, qua đó có thể tổng hợp, dựa trên nhiều căn cứ để xác định hành vi phạm tội của bị cáo.
Chuyen bay giai cuu: Nhieu tinh tiet moi gay “nong” truoc khi toa tuyen an-Hinh-4
Bị cáo Hoàng Văn Hưng 
Đại diện VKS cho rằng, Hưng không nhận tội, đưa ra nhiều quy kết với cơ quan tố tụng “thể hiện sự tráo trở”, “gian dối” và “dựng chuyện”. Hưng thể hiện sự tráo trở khi chỉ khai báo nhỏ giọt những gì Cơ quan điều tra đưa ra và không thể chối cãi.
Đại diện VKS viện dẫn, vào ngày 11/1/2023, bị cáo Hưng bị bắt, bị cáo không thừa nhận hành vi, không nhận bất cứ lợi ích vật chất nào từ Hằng và Tuấn. Đến ngày 24/3/2023, khi Cơ quan an ninh điều tra thông báo cho bị cáo biết có camera ghi nhận việc bị cáo đã nhận vali tiền từ Tuấn thì bị cáo Hưng mới thừa nhận từ Tuấn một chiếc vali nhưng không thừa nhận bên trong có tiền mà chỉ là 4 chai rượu. Đến ngày 26/3/2023, khi đối chất với Tuấn, Hưng mới thừa nhận đã nhận bản tự khai của Hằng từ nhà Tuấn mang về nhà. Từ những chứng cứ trên, có thể đánh giá được sự không trung thực, tráo trở của bị cáo Hưng.
Đại diện VKS nhấn mạnh, từ những tài liệu đã thu thập được trong quá trình điều tra và được thẩm vấn công khai tại phiên tòa, qua những lập luận nêu trên, khẳng định bị cáo Hoàng Văn Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản 800.000 USD.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Các bị cáo đã nhận tiền tinh vi ra sao?
  
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)