Bất bình trước việc xảy ra với mình, chị Nẻo làm đơn khiếu nại gửi lên cấp huyện, nhưng gần 1 tháng trôi qua vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Dù chưa hết thời gian nghỉ thai sản, nhưng việc chị Nẻo bất ngờ bị cho thôi việc khiến tinh thần chị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lại thêm việc mất đi chế độ hưởng lương khiến cuộc sống khó khăn.
|
UBND xã Hồ Thầu, nơi chị Nẻo công tác hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, khi đến nay khi đang nghỉ thai sản thì chị bỗng dưng nhận được quyết định thôi trả lương, mất việc. |
Đáng chú ý, để xác minh và khách quan thông tin, trước đó ngày 24/4/2019, PV Kiến Thức đã có buổi làm việc với ông Quách Tá Thiện - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu. Thế nhưng ngay từ đầu ông Thiện đã tỏ ra khó chịu khi PV đề cập đến sự việc của chị Nẻo.
“Nó (tức chị Nẻo - PV), không phải là cán bộ công chức thông qua con đường tuyển dụng, chỉ là cán bộ dân bầu nhá. Nếu đã là cán bộ thông qua con đường tuyển dụng thì nghỉ thai sản đương nhiên không thể thôi việc như thế được”, ông Thiện nói.
Điều khiến PV càng ngạc nhiên hơn là ở buổi làm việc với ông Thiện, vị này liên tục gọi đồng chí cũ của mình là “nó” một cách thiếu tôn trọng.
|
Ông Quách Tá Thiện - Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu tỏ ra thiếu tôn trọng đồng chí cũ của mình và liên tục gọi chị Nẻo là "nó" khi trao đổi thông tin với PV. |
Sự việc chị Nẻo, Chủ tịch MTTQ xã bị mất việc khi đang nghỉ thai sản khiến dư luận bất bình, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP HCM) đã đứng ra bảo vệ quyền lợi miễn phí cho chị Nẻo.
Chia sẻ với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh: Phụ nữ, trẻ em là các chủ thể được Nhà nước và xã hội rất quan tâm chăm sóc và bảo vệ. Hiện nay, Nhà nước đã có chính sách bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ người phụ nữ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ.
|
Quyết định thôi trả lương chị Nẻo do Chủ tịch UBND huyện Tam Đường Ký. |
“Trở lại vấn đề của chị Lù Thị Nẻo, với tư cách là một người trợ giúp pháp lý cho Nẻo tôi được biết chị Nẻo là người dân tộc thiểu số, từ khi tiếp xúc cũng như được Nẻo cung cấp các tài liệu liên quan, trong đó có Quyết định về việc bị thôi hưởng lương đối với cán bộ cấp xã do Chủ tịch UBND huyện Tam Đường đã ký tôi như không thể tin.
Chị Nẻo là Chủ tịch UBMTTQ, một chức danh cán bộ được quy định rõ trong Luật cán bộ, công chức năm 2008 với đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ”, luật sư Bình nói.
Luật sư Bình phân tích: “Giả sử, trong trường hợp bản thân chị Nẻo vi phạm pháp luật sẽ phải có hình thức kỷ luật thì theo Điều 4 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức.
Không cho phép xử lý kỷ luật đối với các trường hợp: Đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cho phép, hoặc đang trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; Công chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật”.
Ông Bình nói tiếp: “Ngoài ra, theo những căn cứ mà tôi đã tìm hiểu và được nắm thì ở đây UBND huyện Tam Đường dựa vào kết luận của Ban thường vụ huyện ủy số 27/KL/HU ngày 13/03/2019, về công tác cán bộ với hình thức cho chị Nẻo, buộc thôi việc với lý do “2 năm hoàn thành nhiệm vụ” là không đúng với quy định của pháp luật.
Ở đây, chị Nẻo không vi phạm pháp luật, không vi phạm Luật cán bộ, công chức thì công chức 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác”.
Vị luật sư tiếp tục viện dẫn: Tại Điều 62 Luật cán bộ, công chức cũng quy định cán bộ, công chức cấp xã khi giữ chức vụ được hưởng lương và chế độ bảo hiểm; khi thôi giữ chức vụ, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật được xem xét chuyển thành công chức.
Trong trường hợp này, được miễn chế độ tập sự và hưởng chế độ, chính sách liên tục; nếu không được chuyển thành công chức mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì thôi hưởng lương và thực hiện đóng bảo hiểm tự nguyện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp là cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái thì cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp hoặc giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật.
“Với một người được đào tạo chính quy về công tác xã hội và nhiều bằng cấp khác, đặc biệt đã hơn 10 năm cống hiến với công việc thì việc đánh giá chị Nẻo hạn chế năng lực khi đang mang thai sản là một việc làm cảm tính, thiếu sự thấu hiểu”, ông Bình phân tích.
Luật sư Bình nói thêm: Tại Điều 11 Luật bình đẳng giới quy định về việc bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị:
Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý Nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.
Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức. Và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm đó là: Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan Nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
PV Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ việc Chủ tịch UBMTTQ xã bị mất việc khi đang nghỉ thai sản.