Chủ tịch TPHCM: Một nghị quyết không thể tháo gỡ hết tất cả vướng mắc

Google News

Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các vướng mắc, tạo động lực phát triển, nhưng không phải tất cả.

Chiều 18/5, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi họp báo về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Buổi họp báo diễn ra trong thời điểm bản dự thảo nghị quyết mới vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình ra kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào ít ngày tới.
"Đến giờ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đưa Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 trong kỳ họp sắp tới, với điều kiện thành phố cần tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo hồ sơ. Điều này cho thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của TPHCM và các bộ ngành, tuy nhiên, việc trình nghị quyết cho Quốc hội thảo luận, thông qua phải đảm bảo trình tự thủ tục, đặc biệt là chất lượng hồ sơ", ông Mãi mở đầu buổi làm việc.
Điểm khác biệt của nghị quyết mới
Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, điểm khác cơ bản của dự thảo nghị quyết mới so với Nghị quyết 54 trước đây là mục tiêu hướng tới. Thay vì tập trung cho các cơ chế, chính sách tạo nguồn thu như Nghị quyết 54, nghị quyết mới của TPHCM tập trung nhiều hơn cho các cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục dự án, thí điểm các hình thức đầu tư mới.
"Từ đó, dòng đầu tư vào thành phố sẽ nhanh hơn. Địa phương cũng có điều kiện thí điểm các cơ chế, hình thức đầu tư mới và ưu đãi cho các nhà đầu tư xã hội chiến lược. Nếu làm tốt việc đầu tư xã hội, thành phố sẽ đạt được cả trăm tỷ", ông phân tích.
Chu tich TPHCM: Mot nghi quyet khong the thao go het tat ca vuong mac
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì buổi họp báo (Ảnh: Q.Huy).
Người đứng đầu chính quyền thành phố cho hay, nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 gồm 43 nội dung cơ chế, chính sách, chia làm 4 nhóm. Nhóm 1 là các cơ chế, chính sách đã có trong Nghị quyết 54; nhóm 2 là cơ chế, chính sách đặc thù được quy định cho các địa phương khác; nhóm 3 là cơ chế, chính sách đặc thù có trong các dự thảo luật sẽ sửa đổi thời gian tới; nhóm 4 là các cơ chế, chính sách mới, chưa được quy định.
Ông Mãi cho rằng, với 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù này, thành phố sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về thể chế và chắc chắn tạo được động lực lớn để phát triển. Đặc biệt, nghị quyết mới sẽ giúp TPHCM phân cấp, ủy quyền kịp thời, chủ động hơn, tháo được "chiếc áo cơ chế" để TP Thủ Đức phát triển.
"Nếu hỏi một nghị quyết, một luật có tháo gỡ hết vướng mắc, khó khăn hay không, khơi thông hết mọi động lực hay không, tôi e là không. Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, chúng ta cần thêm các văn bản pháp luật khác để giải quyết các vấn đề thực tiễn, kể cả vướng mắc lẫn nhu cầu phát triển", ông nhấn mạnh.
Không phải tất cả cán bộ đều e dè, sợ trách nhiệm
Lãnh đạo chính quyền thành phố cũng thẳng thắn chỉ rõ, vừa qua, các cơ quan báo chí quan tâm đến việc tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức, viên chức tại TPHCM. Ông Phan Văn Mãi nhận định, việc một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tại TPHCM và cả nước còn e dè, ngại trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhưng không phải tất cả.
"Đối với một bộ phận này, Thành ủy đã có các biện pháp tư tưởng, khích lệ, động viên, hệ thống chính quyền cũng động viên, nhắc nhở, phê bình và có cả biện pháp hành chính. UBND TPHCM cũng đã rà soát lại, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, công chức, viên chức, giao việc cụ thể, kiểm tra, đánh giá gắn với thu nhập tăng thêm", Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ.
Chu tich TPHCM: Mot nghi quyet khong the thao go het tat ca vuong mac-Hinh-2
Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, còn một bộ phận cán bộ, công chức e dè, ngại trách nhiệm nhưng không phải tất cả (Ảnh: Q.Huy).
Ông Mãi chia sẻ thêm, tại buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu TPHCM hết sức quan tâm, tập trung xây dựng đội ngũ thực thi nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.
"Với kinh nghiệm trong thời gian thực hiện Nghị quyết 54, chúng tôi đã có các bài học về chuẩn bị đội ngũ, tâm thể để triển khai nghị quyết mới. Đến nay, thành phố đã có những bước chuẩn bị chủ động, phân công các cơ quan từng phần việc và lên nội dung để trình HĐND TPHCM vào các kỳ họp tới", ông Mãi thông tin.
Liên quan đến khâu chuẩn bị, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, địa phương đã phối hợp với một số cơ quan tư vấn, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố để xây dựng các đề án, kế hoạch. Trong năm 2023, TPHCM cần chuẩn bị tâm thế, hồ sơ, thủ tục để triển khai bản nghị quyết mới trong 4 năm còn lại.
Trong bản đánh giá tổng kết Nghị quyết 54, TPHCM nhận định, ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế của địa phương này liên tục tăng trưởng cao. Bình quân hàng năm giai đoạn 2016-2019 là 7,72%, cao hơn giai đoạn trước.
Sau khi kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm âm 6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, năm 2022, địa phương đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng đạt 9%.
Theo đánh giá của thành phố, với Nghị quyết 54, tiến độ các dự án nhóm A đã được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Thành phố cũng đạt nhiều thành công với các chính sách nâng hạn mức huy động vốn, chi thu nhập tăng thêm và điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường.
Bên cạnh các kết quả đạt được, thành phố vẫn còn hạn chế trong các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn…
Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư...
Ngoài ra, một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm.
Theo Q.Huy/ Dân Trí

>> xem thêm

Bình luận(0)