Chủ tịch nước: "Không thể vội bỏ toàn bộ Chỉ thị 15, 16, 19"

Google News

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM) khuyến cáo, Việt Nam không thể vội bỏ toàn bộ Chỉ thị 15, 16, 19…Việc này có thể dẫn đến hậu quả rất xấu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM có những chia sẻ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội khi thảo luận ở tổ sáng 21/10.
Không thể đóng cửa mãi đất nước
Bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tất cả những vấn đề diễn ra ở đất nước ta từ dịch bệnh, thiên tai trong chỉ đạo, điều hành hay nói cách khác là quản trị đất nước 100 triệu dân là vấn đề rất khó khăn, do đó tất cả những chỉ đạo điều hành phải chú ý quản trị tốt nhất và ngoài thành quả chung nên rút kinh nghiệm sâu sắc về nhiều vấn đề trong bối cảnh nhiều thách thức đặt ra.
“Nếu làm việc tốt, cầu thị, lo cho dân thì chúng ta sẽ tiến bộ, phục vụ tốt cho nhân dân. Nhân dân trao quyền rất lớn nhưng cũng yêu cầu rất cao. Chúng ta phải biết rút kinh nghiệm tất cả việc đã làm để thời gian tới làm tốt hơn” – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và mong rằng Chính phủ tiếp tục phát huy, các bộ trưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 
Chủ tịch nước nhấn mạnh thay vì quan điểm “Zero COVID”, chúng ta đã xác định phải thích ứng với dịch bằng 5K + vắc xin + thuốc điều trị.
Chu tich nuoc:
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Dẫn chứng Singapore tuyên bố giãn cách xã hội thêm một tháng, Nga cho làm việc ở nhà… Chủ tịch nước khuyến cáo Việt Nam không thể vội bỏ toàn bộ Chỉ thị 15, 16, 19…Việc này, theo Chủ tịch nước có thể dẫn đến hậu quả rất xấu.
Từ một số nơi xuất hiện ổ dịch mới và đang rất khó khăn trong ứng phó như Cà Mau, Phú Thọ, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Nam Định… Chủ tịch nước quán triệt “không thể chủ quan”.
“Chúng ta chưa biết chủng sắp tới như thế nào nên ngành y tế, Chính phủ vẫn phải báo động đỏ để tiếp tục đề cao cảnh giác, không được chủ quan, không được chuyển ngay từ cực này sang cực khác dẫn tới hậu quả” - Chủ tịch nước nêu quan điểm.
Một lần nữa khẳng định quan điểm “không thể đóng cửa mãi đất nước”, Chủ tịch nước cho rằng chúng ta phải mở cửa để giải quyết việc làm, thu nhập và phát triển kinh tế, nhưng vẫn phải đề cao cảnh giác vì COVID-19 vẫn đe dọa đất nước trong thời gian tới. 
Nhìn về một số địa phương đang phục hồi sản xuất rất tốt như Bắc Ninh, Bắc Giang, Chủ tịch nước khẳng định ông có niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ trong thời gian tới.
“Tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới và đạt được mục tiêu mà Chính phủ báo cáo Quốc hội là năm 2022, phấn đấu tăng GDP 6-6,5%” - Chủ tịch nước thể hiện niềm tin.
Lãnh đạo Nhà nước khẳng định uy tín của Việt Nam với thế giới rất lớn, nếu cố gắng giữ một thể chế tốt, điều hành tốt, thu hút mạnh mẽ nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn thì nhất định kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.
Cần lo cho người lao động trở lại
Đại biểu tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương ghi nhận việc thay đổi phương châm chống dịch là bước ngoặt về nhận thức, giúp thực hiện tốt hơn mục tiêu kép.
“Nhưng muốn phục hồi sản xuất thì cần lao động, vậy giờ đưa lao động trở lại bằng cách nào, sự phối hợp của các địa phương, doanh nghiệp ra sao? Vận tải mà đầu này mở, đầu kia đóng thì làm sao thông” - ông Thắng nêu nhiều vấn đề cần giải quyết để phục hồi kinh tế.
Ông đề nghị phân tích cụ thể dư địa chính sách cho phát triển thời gian tới, trong đó phải giữ được những “trận địa” đang phát triển kinh tế tốt nhằm lan tỏa sang địa phương khác. “Phải để anh mạnh lo cho anh yếu, chứ cả nhà 63 anh ốm cả thì ai lo cho ai” - ông Thắng nói.
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu (ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế), việc triển khai Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn với dịch phải được coi là nhiệm vụ cấp bách và thực hiện ngay đầu năm 2022.
“Chiến lược này nên ban hành trong năm 2021 vì nó mang ý nghĩa phục hồi kinh tế và thể hiện cam kết với các nhà đầu tư để họ khôi phục kế hoạch kinh doanh” - ông Hiếu nói.
Đại biểu Lê Tiến Châu (Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) thì nhấn mạnh cần thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và gói này phải đủ lớn, tập trung vào đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh, dành dư địa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất an toàn.
“Người dân đã về quê quay lại nhà máy cũng không phải dễ, không gian sống rất là khó khăn, nên hỗ trợ phải vừa tiết kiệm, vừa đúng, vừa trúng” -  đại biểu góp ý.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Chủ tịch Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV
Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)