Ngày 26/1, Công an TP.HCM cho biết, vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và 22 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền.
Trong đó, Nguyễn Thái Luyện (36 tuổi), Nguyễn Thái Lĩnh (32 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Bị can Nguyễn Thái Luyện.
|
Bị can Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa ốc Xanh, em ruột Luyện) bị đề nghị truy tố về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Một bị can khác là Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị đề nghị truy tố tội Rửa tiền.
Trong kết luận điều tra bổ sung lần này, Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm đã thành lập hàng loạt pháp nhân, vẽ ra nhiều dự án "ma" tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán cho 4.361 bị hại, qua đó chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng (giảm 171 tỷ đồng so với kết luận cũ).
Cơ quan điều tra đã làm rõ phương thức, thủ đoạn lừa đảo mà Luyện là chủ mưu, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện đã được triển khai theo 5 bước.
Bước 1, Luyện dùng một ít tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt được từ khách hàng, chỉ đạo người thân, nhân viên thân tín thuộc công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bước 2, Luyện chỉ đạo người thân, nhân viên công ty Alibaba đã đứng tên nhận chuyển nhượng đất như trên, lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện lập ra. Từ đó, những công ty do Luyện lập ra vẽ các dự án "ma" trên đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định.
Bước 3, sau khi được ủy quyền từ cá nhân, pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư đã tự vẽ dự án không có thật trên đất nông nghiệp để bán sản phẩm, không thực hiện các thủ tục theo quy định.
Bước 4, Luyện chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối đất nền trong dự án tự vẽ với công ty Alibaba. Từ đó, công ty này trở thành đại lý phân phối đất nền cho khách hàng nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án. Bên cạnh đó, "siêu lừa" còn tạo ra các giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng.
Bước 5, sau khi khách hàng đồng ý mua theo sự quảng cáo của công ty Alibaba, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng nhưng tiền thì nộp về cho Luyện quản lý.
Ngoài ra, để tạo niềm tin và thu hút khách hàng, Luyện đưa ra thủ đoạn bán hàng với cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng, hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền... Với thủ đoạn trên, hầu hết khách hàng mua không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Công ty Alibaba sẽ chuyển sang hình thức trả lãi hoặc mua lại.
Trước đó, tháng 9 và tháng 10/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, Lực còn bị khởi tố về tội Rửa tiền.
Tháng 3/2020, Công an TP HCM khởi tố thêm 14 bị can khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, 11 người bị bắt tạm giam là giám đốc và tổng giám đốc các công ty con của Công ty địa ốc Alibaba. Một người liên quan là vợ của Luyện (được cho tại ngoại). Đến tháng 10/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam thêm 6 bị can khác liên quan sai phạm tại Tập đoàn địa ốc Alibaba.
>>> Xem thêm video: Địa ốc Alibaba dọa đánh phóng viên, đập vỡ máy quay