Chủ nhà chém chết tình nghi ăn trộm ở Long An: Đình chỉ vụ án là đúng đắn

Google News

(Kiến Thức) - Việc cơ quan Công an tỉnh Long An cho rằng, người phụ nữ chém chết người nghi ăn trộm là hành vi phòng vệ chính đáng và đình chỉ vụ án Giết người tại xã Thuận Thành (huyện Cần Giuộc) theo luật sư là hoàn toàn đúng đắn.

Thông tin mới nhất vụ nữ chủ nhà chém chết người nghi ăn trộm ở Long An, ngày12/7, tại buổi họp báo quý thường kỳ, đại tá Phạm Hữu Châu - Phó giám đốc Công an tỉnh Long An cho biết, cơ quan này vừa đình chỉ vụ án Giết người tại xã Thuận Thành (huyện Cần Giuộc) do quá trình điều tra nhận định, người phụ nữ chém chết người nghi ăn trộm là hành vi phòng vệ chính đáng.
Tóm tắt diễn biến vụ án, Nguyễn Thành Trung (31 tuổi, ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) nợ anh Võ Tấn Hội (38 tuổi, ngụ cùng xã) khoảng 60 triệu đồng, anh Hội nhiều lần đến nhà Trung đòi nợ nhưng không gặp. Ngày 8/3, Trung hứa ngày 11/3 sẽ đến nhà anh Hội giải quyết nợ nần.
Đến rạng sáng 11/3, Trung mặc áo khoác đen, mang theo 2 con dao Thái Lan, 2 đôi găng tay rồi đột nhập vào nhà anh Hội từ cửa sau. Trung đến khu vực giường ngủ của vợ chồng anh Hội và chị Hằng, rồi ra tay cắt cổ anh Hội khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Ngay sau đó, Trung khống chế, dùng tay bóp cổ chị Nguyễn Thúy Hằng và bị phản kháng quyết liệt. Trong lúc bị Trung cầm dao nhọn truy sát, chị Hằng giằng co qua lại và lấy được con dao dài khoảng 30cm chém trúng Trung, hậu quả làm Trung tử vong tại chỗ. Bản thân chị Hằng cũng bị trúng 16 nhát dao.
Chu nha chem chet tinh nghi an trom o Long An: Dinh chi vu an la dung dan
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ án. Ảnh: Lao động. 
Liên quan việc Công an tỉnh Long An cho biết, cơ quan này vừa đình chỉ vụ án Giết người trên, trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, với diễn biến vụ án thì hành vi của chị Hằng rõ ràng là phòng vệ chính đáng.
“Chị Hằng đã có hành động chống trả một cách cần thiết đối tượng đột nhập có hung khí để bảo vệ tính mạng của bản thân mình. Vì vậy, việc cơ quan điều tra đình chỉ điều tra với người phụ nữ này là có căn cứ và đúng pháp luật”, Luật sư Cường nói.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, phòng vệ chính đáng là một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Khi hành vi đã được xác định là phòng vệ chính đáng thì dù hậu quả xảy ra thế nào chăng nữa (Kể cả trong trường hợp đối tượng bị người phòng vệ chính đáng chống trả lại đến mức bị thiệt mạng) thì người thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không phải là tội phạm.
Phòng vệ chính đáng là quy định pháp luật nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân, ghi nhận quyền phòng vệ, tự vệ của công dân trước sự tấn công trái pháp luật của người khác đối với bản thân người thực hiện hành vi phòng vệ hoặc với người khác.
Không phải hành vi tấn công, chống trả nào gây thương tích, thiệt mạng cho người khác do hành vi vi phạm của người bị hại gây ra cũng là hành vi phòng vệ chính đáng, để xác định hành vi là phòng vệ chính đáng thì hành vi chống trả lại phải ở mức độ “cần thiết” (một cách cần thiết) đối với hành động của đối tượng đang tấn công xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì mới được coi là hành vi phòng vệ chính đáng.
Luật sư Cường phân tích thêm, hành vi phòng vệ chính đáng phải thỏa mãn các điều kiện như đáp ứng đầy đủ các điều kiện làm cơ sở phát sinh quyền phòng vệ, bao gồm: Có sự tấn công nguy hiểm đáng kể và trái pháp luật; Sự tấn công xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác (là những quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ); Sự tấn công phải đang hiện hữu, nghĩa là hành vi tấn công phải đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra ngay tức khắc.
Thứ hai, mục đích phòng vệ là nhằm gạt bỏ sự tấn công, nghĩa là hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người đang có hành vi tấn công.
Thứ ba, về phạm vi phòng vệ, sự phòng vệ phải trong giới hạn cần thiết để ngăn chặn sự tấn công. Sự cần thiết của hành vi phòng vệ được đánh giá dựa trên các yếu tố: tính chất của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm hại; mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra; sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công; tính chất, mức độ của phương pháp, phương tiện hay công cụ mà kẻ tấn công đã sử dụng; thời gian, địa điểm xảy ra hành vi tấn công và phòng vệ; sức mạnh và khả năng phòng vệ.
“Trong vụ án nêu trên, đối tượng Trung mang theo hung khí đã đột nhập vào nhà của chị Hằng, với mục đích sát hại vợ chồng chị để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Hành vi này rõ ràng là trái pháp luật, thể hiện tính chất côn đồ, manh động cao độ, trực tiếp xâm hại đến nhiều khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ.
Hành vi của đối tượng đã tước đoạt mạng sống của chồng chị Hằng và đe dọa uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của chị Hằng, chứng kiến cảnh tượng đó chị Hằng hoàn toàn có quyền chống trả lại một cách cần thiết, thậm chí được phép tước đoạt tính mạng của đối tượng để bảo vệ tính mạng của bản thân mình.
Trong tình huống đó, nếu không may mắn hạ gục được đối tượng này thì có lẽ chị Hằng cũng sẽ bỏ mạng dưới tay dao của sát thủ máu lạnh này. Bởi vậy cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chị hằng, xác định đây là hành vi phòng vệ chính đáng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy định pháp luật”, Luật sư Cường nhận định.
Luật sư cho biết thêm, nếu đối tượng Trung còn sống thì cũng sẽ bị xử lý về tội giết người mà nạn nhân là chồng chị Hằng. Do đối tượng cũng đã chết nên cơ quan điều tra sẽ đình chỉ vụ án này. Tuy nhiên, đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm hại đến tính mạng trong trường hợp đối tượng này có tài sản thì chị Hằng hoàn toàn có quyền yêu cầu những người thừa kế của đối tượng này phải dùng tài sản do đối tượng để lại để trả nợ và bồi thường thiệt hại do đối tượng đã sát hại chồng của chị này theo quy định pháp luật.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, xét hành vi của đối tượng Nguyễn Thành Trung (31 tuổi, ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) đã có lỗi xâm phạm chỗ ở, chuẩn bị hung khí nguy hiểm đột nhập vào nhà ở người khác vào ban đêm để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Khi bị vợ chồng anh Võ Tấn Hội (38 tuổi, ngụ xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, Long An) phát hiện truy hô, Trung đã dùng hung khí tấn công khiến anh Hội tử vong tại chỗ. Rõ ràng, hành vi phạm tội của Nguyễn Thành Trung sát hại anh Võ Tấn Hội đã cấu thành tội Giết người theo Điều 123 BLHS 2015 nhưng do đối tượng đã chết nên không có căn cứ xử lý.
Chưa dừng lại ở đó, khi chị Nguyễn Thúy Hằng sợ hãi, ôm con nhỏ một tuổi bỏ chạy thì Trung cầm hung khí đuổi theo nhằm sát hại, bịt đầu mối. Khi Trung đâm trúng chị Hằng thì chị này may mắn nhặt được hung khí rồi quơ tay về sau đâm trúng hung thủ khiến đối tượng gục tại chỗ.
"Việc sử dụng hung khí của chị Hằng chống trả lại Trung đang truy sát tiếp tục giết mình là cần thiết và tương xứng để bảo vệ tính mạng của bản thân và cháu nhỏ. Hành vi của chị Hằng dùng hung khí đâm trúng hung thủ gây tử vong trong hoàn cảnh này thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng nên không cấu thành tội phạm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, theo hướng dẫn của TAND Tối cao đã quy định "Nếu hành vi trái pháp luật của nạn nhân trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng..." Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho hay.
Luật sư Thơm cho rằng, khi Công an tỉnh Long An đình chỉ vụ án Giết người tại xã Thuận Thành (huyện Cần Giuộc) thì đương nhiên chị Hằng không có tội gì nữa.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)