Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tính đến sáng 21/3, số người tử vong do Covid 19 trên toàn cầu đã tăng lên 11.366 ca và gần 274.643 ca nhiễm bệnh. Mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo có thể hàng triệu người trên thế giới sẽ mất mạng vì Covid-19, đặc biệt tại những nước nghèo, nếu không có một nỗ lực phối hợp toàn cầu qui mô để đối phó với đại dịch này.
Để ngăn chặn dịch bệnh, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những giải pháp mạnh. Một trong những biện pháp cứng rắn là xử phạt nghiêm đối với người trốn cách ly. Cụ thể, tại Úc, mới đây chính quyền nước này đã nâng mức phạt đối với người trốn cách ly lên đến 50.000 đôla Úc, thậm chí có thể bị xử phạt 1 năm tù.
Tương tự tại Singapore, người vi phạm yêu cầu cách ly có thể bị phạt tới 10.000 đôla Singapore hoặc 6 tháng tù. Mức phạt đối với người vi phạm lệnh cách ly tại Hàn Quốc có thể lên đến 1 năm tù hoặc phạt hành chính 10 triệu won (8.200 USD). Trong khi đó, tại Israel có thể phạt người cố ý vi phạm lệnh cách ly tới 7 năm tù, người vô ý tối đa 3 năm tù.
|
Nơi cách ly mà người nhà của bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 35 trốn đi. Ảnh: PLO |
Mới đây, chính quyền Đài Bắc đã quyết định phạt 1 triệu Đài tệ (tương đương hơn 33.000 USD) do đã rời khỏi phòng trong khu cách ly mà không có sự cho phép của đội ngũ y tế.
Những dẫn chứng trên cho thấy chính quyền các nước làm chặt việc cách ly – một biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Bởi nếu không siết chặt các quy định về cách ly thì hậu quả khôn lường. Trên thực tế, tại Italia, bệnh nhân đầu tiên không được kiểm tra, cách ly dẫn đến dịch bệnh lan rộng ở quốc gia này khiến Chính phủ nước này phải ban bố tình trạng phong tỏa toàn quốc.
Tại Việt Nam, đến thời điểm này dư luận tiếp tục yêu cầu phải xử lý nghiêm những người vi phạm, thậm chí xử lý điểm một vài trường hợp chứ không thể để tình trạng này tái diễn ảnh hưởng đến công cuộc phòng chống virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
“Xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, trốn cách ly” - chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 20/3 được dư luận ủng hộ. Bởi như lời Thủ tướng đã nói: “Nếu chúng ta ngăn chặn được thì thành công, còn không thì thất bại” mà một trong những biện pháp quan trọng ngăn chặn dịch bệnh chính là cách ly những trường hợp nghi nhiễm.
Trên thực tế, thời gian qua, vẫn còn nhiều trường hợp thể hiện ý thức công dân, trách nhiệm với xã hội vô cùng kém cỏi khi khai báo gian dối, trốn khỏi nơi cách ly đã dẫn đến nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng rất cao, khả năng dịch bùng phát rất lớn.
Điển hình mới đây, 5 người thân của nữ bệnh nhân Covid-19 thứ 35 đã bỏ trốn khi đang cách ly tại Trung tâm Y tế Hải Châu chiều 19/3 sau khi đã thực hiện cách ly ở đây 10 ngày khiến dư luận vô cùng bức xúc. Bởi trong suốt quá trình cách ly, 5 người thân nữ bệnh nhân 35 đều được theo dõi, kiểm tra sức khỏe 2 lần/ngày và được cung cấp suất ăn, tạo điều kiện sinh hoạt bình thương như những người khác đang được cách ly ở đây.
Việc những người này phá khóa phòng cách ly sau đó bỏ trốn không chỉ có thấy ý thức và trách nhiệm kém khi không tuân thủ quy định cách ly mà còn làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống virus SARS-CoV-2 khi một lực lượng lớn các cơ quan chức năng buộc phải huy động để đến vận động, tuyên truyền đưa những người này vào khu vực cách ly theo quy định.
Đáng chú ý, hành vi này diễn ra khi có quá nhiều trường hợp đã bị lên án khi bỏ trốn khỏi khu cách ly như trường hợp một phụ nữ ở Lạng Sơn bỏ trốn sang Trung Quốc, trường hợp đánh tráo người cách ly của Chủ tịch một công ty điện gió ở Hướng Hóa (Quảng Trị)…
Hành vi này cũng diễn ra sau khi có quá nhiều những vụ việc do ý thức trách nhiệm công dân kém đã bị dư luận xã hội phê phán khi gây hậu quả với cộng đồng như trường hợp bệnh nhân thứ 17 Nguyễn Hồng Nhung không khai báo trung thực về lịch sử đi lại cũng như tình trạng sức khỏe dẫn đến lây nhiễm dịch bệnh cho nhiều trường hợp khác hay như nữ doanh nhân ở Bình Thuận (ca nhiễm 34) khai báo nhỏ giọt, không trung thực khiến dịch bệnh lây lan.
Bản thân những người tiếp xúc gần với ca nhiễm 35 ở trên là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao dù kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn có khả năng nhiễm bệnh khi chưa hết thời gian cách ly. Việc họ bỏ trốn khu cách ly và trở về nhà khiến người dân địa phương lo lắng và làm tăng khả năng dịch lây lan ra cộng đồng.
Mấy ngày nay, dư luận lan truyền một hình ảnh gây xúc động. Đó là hình ảnh những tình nguyện viên, đội ngũ hậu cần tranh thủ chợp mắt sau những ca trực thâu đêm tại ký túc xá ĐH Quốc gia quận Thủ Đức, TP.HCM. Một hình ảnh khác cũng khiến nhiều người suy nghĩ đó là hình ảnh các y bác sĩ truyền tay nhau một thông điệp “Chúng tôi đi làm vì bạn, xin bạn ở nhà vì chúng tôi”.
Những hình ảnh cho thấy, để bảo vệ sức khỏe cho những người được cách ly và cộng đồng xã hội, có biết bao nhiêu người phải hi sinh thầm lặng để lo cho những người cách ly nơi ăn chốn ngủ, biết bao nhiêu bác sĩ, y tá đã phải vật lộn, trắng đêm để lo toan, chăm sóc cho các bệnh nhân, cho những người được cách ly. Do vậy những người bị cách ly cũng nên ý thức trách nhiệm của bản thân với cộng đồng xã hội.
Mấy ngày nay, ngay khi phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, nhiều cá nhân tổ chức đã thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng khi sẵn sàng nhường cơm sẻ áo đóng góp tiền, hiện vật ủng hộ để cùng chung tay ngăn chặn dịch bệnh. Cháu nhỏ lấy tiền mừng tuổi của mình để mua sắm khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người, người nhà trích quỹ lương ít ỏi mua máy thở ủng hộ trạm xá, doanh nghiệp ủng hộ tiền bạc…người góp của, người góp công để chung sức cùng các cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống Covid 19. Tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái", "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc tiếp tục lan tỏa.
Trong suốt thời gian qua, để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với nhiều biện pháp mạnh mẽ để “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe của người dân. Nhà nước dù ngân sách eo hẹp cũng đã phải trích ra khoản kinh phí không nhỏ để hỗ trợ chỗ ăn ngủ cho những người cách ly, hỗ trợ điều trị cho những người nhiễm bệnh. Thậm chí, nhà nước cũng đã phải hi sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân.
Những nỗ lực trên không cho phép bị đánh đổ bởi những người thiếu trách nhiệm với bản thân và xã hội. Những hành vi khai báo gian dối, bỏ trốn khỏi khu vực cách ly cần phải xử lý nghiêm và chí ít cần xử lý điểm một vài trường hợp để tăng tính răn đe khiến mọi người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Thủ tướng mới đây nói rằng: “Nếu chúng ta chậm trễ, dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta; nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa”. Do vậy, phải tìm mọi biện pháp hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm, phải khoanh vùng dịch bệnh, khử trùng đúng quy trình khẩn cấp, kịp thời. Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là pháo đài phòng chống dịch. Thực tế ấy cũng đòi hỏi, mỗi người dân cần có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Đồng thời, yêu cầu với các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp trốn tránh cách ly, đi ngược lại với nỗ lực của cả một cộng đồng, một dân tộc.
>>> Mời độc giả xem video Cưỡng chế 5 người trốn cách ly quay trở lại
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Nhà nước, đa số quần chúng nhân dân và cán bộ, nhân viên các cơ quan chức năng đang thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao và được thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Thật rất đáng để được biểu dương, khen ngợi, thậm chí thời gian qua nhiều người dân Việt Nam đã tự hào về tinh thần và hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh đa số những người tốt, đáng được biểu dương vẫn còn một số trường hợp người dân có ý thức kém, cố tình “né”, trốn tránh cách ly, khai báo gian dối thông tin về dịch bệnh gây khó khăn cho công tác phòng và chống dịch bệnh, hoang mang lo lắng cho nhiều người. Đây là hành vi rất đáng lên án và cũng cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Còn dưới góc độ pháp lý, hành vi trốn cách ly là hành vi vi phạm quy định pháp luật về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và quy định về kiểm dịch ý tế biên giới, quy định về các ly y tế....
Đối với dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm A như Covid-19 thì việc cách ly, khoanh vùng là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng và chống lại bệnh dịch nguy hiểm này. Với đặc điểm lây nhiễm của covid-19 chính là từ giọt bắn và tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh, người mang mầm bệnh và người nhiễm bệnh nên việc cách ly sớm, kịp thời là rất cần thiết để tránh dịch bệnh lây lan.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cách ly y tế là biện pháp áp dụng với những người nghi nhiễm hoặc mắc bệnh truyền nhiễm để hạn chế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng đã được quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007. Trong trường hợp cấp thiết, chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với những trường hợp buộc phải cách ly theo luật quy định.
Pháp luật nghiêm cấm các hành vi: Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Khi cá nhân cố tình trốn cách ly liên quan bệnh dịch COVID19 (thuộc nhóm A các bệnh truyền nhiễm) thì có thể bị cưỡng chế cách ly và tùy tính chất, mức độ vi phạm mà còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A có thể bị Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ông trời sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Như vậy, với tất cả những người trốn tránh cách đi trong trường hợp này sẽ bị xử phạt hành chính đồng thời sẽ bị cưỡng chế cách ly theo quy định pháp luật nêu trên.
Ngoài ra nếu bản thân người trốn cách ly mang mầm bệnh, trong quá trình trốn tránh cách ly mà làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm này ra cộng đồng thì hành vi trốn cách ly y tế gây hậu quả là mi làm dịch bệnh và cộng đồng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 BLHS 2015.
Vấn đề hiện nay của cơ quan chức năng và cần phải xác minh làm rõ thông tin của những người trốn tránh cách ly này để áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly, đồng thời xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần phải xác định từ thời điểm trốn tránh cách ly thì những người này đã tiếp xúc với những ai để tiếp tục tiến hành cách ly những người tiếp xúc (f2,f3..) đó theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy quá trình trốn cách ly những người này đã làm lây lan dịch bệnh (Nhận thức rõ hành vi trốn cách ly của mình có thể làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm này nhưng cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả dịch bệnh có thể xảy ra, thực tế dịch bệnh đã bị lây lan từ những người này ra cộng đồng..) thì sau khi chữa khỏi các bệnh, hoặc sau khi cách ly mà không nhiễm bệnh thì những người này có thể bị khởi tố về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự điều trên, mức hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.