Vụ việc một phụ nữ đang đi đường bị chó Pitbull của một hộ dân xông ra cắn nát tay phải tại xã Điện Thắng Bắc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) khiến dư luận vô cùng bức xúc trước sự bất cẩn của chủ nhà.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc chó Pitbull cắn người. Mới đây, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trong năm 2019 đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị chó dữ tấn công, gây thương tích nặng nề, thậm chí đã có trường hợp người bệnh tử vong. Trong đó đa phần các nạn nhân bị loài chó Pitbull tấn công.
Cụ thể, ngày 27/12/2019, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận cấp cứu cho 4 bệnh nhân ở Thái Nguyên bị chó Pitbull tấn công trong tình trạng thương tích rất nặng nề và phức tạp.
Dư luận đặt câu hỏi, chó điên cuồng cắn người, chủ nhân sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào theo quy định của pháp luật?
|
Hình ảnh chó pitbull cắn phụ nữ đi đường ở Quảng Nam. Ảnh: Vietnamnet. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, dưới góc độ pháp lý, pháp luật Việt Nam quy định vật nuôi bao gồm cả thú cưng là “nguồn nguy hiểm cao độ”, nghĩa là những con thú này có bản tính hoang dã, có thể mất kiểm soát và gây hại cho con người bất cứ lúc nào. Bởi vậy, những người nuôi thú cưng, gia súc mà để thú cưng, gia súc gây hại cho người khác dù không có lỗi vẫn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Ở Việt Nam, trong các loài thú cưng, chó, mèo là loại được nhiều người ưa thích, chọn làm vật nuôi trong nhà để làm cảnh, làm bạn trò chuyện, cũng như để trông nhà, bắt chuột... Dù nuôi với mục đích gì, việc nuôi nhốt chó mèo vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo an toàn theo quyền tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của chính phủ và một số văn bản pháp luật có liên quan.
Cụ thể, đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã: Người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình (theo Quyết định 193/QĐ-TTg). Hà Nội cũng ra Kế hoạch 30/KH-UBND yêu cầu người dân Thủ đô tuân thủ quy định nêu trên.
Chủ nuôi phải thường xuyên tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó mèo: Theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, chó, mèo là những vật nuôi thuộc đối tượng bắt buộc phải tiêm phòng vacxin dại. Chủ nuôi phải tự chi trả việc tiêm phòng vacxin dại cho chó, mèo.
Nếu chủ vật nuôi không tiêm phòng vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 đồng (căn cứ khoản a, Điều 2 Nghị định 90/2017/NĐ-CP).
Để đảm bảo an toàn cho chủ nuôi cũng như những người xung quanh pháp luật quy định chủ nuôi phải đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó khi ra đường: Theo quy định, chủ nuôi chó khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định, chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 đồng.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp. |
Trong trường hợp chủ nuôi vô ý để chó cắn người nhưng hậu quả nạn nhân chưa thiệt mạng, thương tích chưa tới 31 % thì chủ nuôi phải bồi thường theo quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự năm 2015, kể cả trường hợp chủ nuôi không có lỗi.
Việc bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm tiền chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, tiền công người chăm sóc, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại. Mức bồi thường cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng vụ việc cụ thể, việc bồi thường do hai bên thỏa thuận nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp chủ nuôi không tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện đảm bảo an toàn với chó mèo ( như không xích, nhốt, không đeo rỏ mõm, không tiêm phòng...) để chó mèo cắn người gây thương tích cho người khác đến 31 % hoặc gây thiệt mạng cho nạn nhân thì chủ nuôi sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích (trong trường hợp hậu quả nạn nhân bị thương tích) hoặc tội vô ý làm chết người (nếu hậu quả nạn nhân thiệt mạng).
Như vậy, nếu chủ nuôi không tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn khi nuôi chó mèo để chỗ mèo cắn người gây thương tích 31 % thì sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự, mức hình phạt có thể là cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Trong trường hợp gây thương tích cho nhiều người hoặc tỷ lệ thương tích từ 31% trở lên thì hình phạt sẽ là cải tạo không gian giữ từ 1 năm đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu hậu quả nghiêm trọng hơn thì mức phạt tù có thể lên đến 3 năm.
Trong trường hợp hậu quả nạn nhân bị chó, mèo cắn tử vong, chủ nuôi chó, mèo sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo điều 128 bộ luật hình sự với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trong trường hợp chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
>>> Mời độc giả xem video: Chó Pitbull cắn người ở Quảng Nam, bà cụ 80 tuổi nhập viện:
Luật sư Đặng Văn Cường dẫn ví dụ việc các quốc gia trên thế giới đưa ra các quy định nghiêm ngặt về việc nuôi chó. Cụ thể, tại Singapore, Đạo luật Thú và Chim quy định người muốn nuôi chó hơn ba tháng tuổi cần phải đăng ký cấp phép với cơ quan chức năng, ai vi phạm sẽ bị phạt tối đa 5.000 SGD. Bên cạnh đó, đạo luật này cũng đặt ra danh mục giống chó nguy hiểm bị hạn chế nuôi vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân người nuôi và cộng đồng như: Pit Bull, Akita, Tosa... Theo đó, mỗi nhà chỉ được nuôi một con chó thuộc danh mục này song phải cho cấy chip, trải qua khóa huấn luyện hành vi, và được triệt sản. Chủ chó phải mua bảo hiểm có giá trị ít nhất 100.000 SGD để bồi thường trong trường hợp con vật làm bị thương người hoặc làm hư hỏng tài sản... Ngoài ra, người nuôi cần đặt cọc 5.000 SGD với cơ quan chức năng và khoản này sẽ bị sung công trong trường hợp vi phạm các điều kiện trên hoặc để mất chó.
Nếu chó cắn người, chủ sẽ bị phạt và bồi thường, con chó có thể bị tòa ra lệnh tiêu hủy; trừ trường hợp nó cắn người đột nhập trái phép hoặc người có hành vi trêu trọc. Chủ chó cũng sẽ bị phạt và bồi thường nếu con chó có thói quen nhảy xổ vào người khác hoặc vào phương tiện đang di chuyển trên đường hay phá hoại cây cối, hàng rào bên đường…
Tại Anh, có hẳn một đạo luật về kiểm soát chó, trong đó yêu cầu tất cả các chủ nuôi phải mang chó đến các cơ sở để gắn microchip - một phương pháp lưu giữ thông tin và theo dõi chó hiện đại. Hành vi thả rông chó nguy hiểm bị coi là trái luật ở mọi nơi ở Anh. Nếu vi phạm, chủ của con chó sẽ bị phạt tiền không giới hạn và ngồi tù 6 tháng. Nếu chó gây thương tích với người khác, người nuôi có thể đi tù đến 5 năm và bị phạt tiền.
Từ đó, Luật sư Cường cho rằng, so với các quốc gia trên thế giới thì ở Việt Nam các quy định về quản lý vật nuôi trong đó có chó mèo còn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiệt, ít nghiêm khắc và chưa được nhiều người quan tâm.
Cùng với đó, việc áp dụng các quy định này cũng chưa triệt để dẫn đến hậu quả thời gian gần đây nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra, những con chó hùng dữ, đàn chó đã tấn công trẻ em, thậm chí cả người lớn dẫn đến những vụ việc thiệt mạng, thương tích nghiêm trọng.
Bởi vậy, thời gian tới đây các cơ quan chức năng xem xét siết chặt tục nuôi chó mèo đặc biệt là các loại chó hung dữ và sẽ có những hình thức xử lý nghiêm sắc có thể là xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu chủ nuôi để chó cắn gây thương tích hoặc gây thiệt mạng cho những người xung quanh.