Luật sư cho rằng việc lập lại trật tự trong xây dựng để giành vỉa hè cho người đi bộ là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cách làm của quận 1 đã đi quá giới hạn.
Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định việc xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè phải được điều chỉnh bởi Luật xử lý vi phạm hành chính. Để tiến hành bước cưỡng chế thì quận phải thực hiện đúng trình tự thủ tục như Luật quy định.
Cuộc rượt đuổi mang tính đối phó
“Đầu tiên, quận 1 phải lập biên bản người có hành vi xây dựng trái phép, sau đó ra quyết định xử phạt. Hoặc nếu đã hết thời hạn xử phạt thì ra quyết định khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc người có hành vi xây dựng trái phép tháo dỡ. Nếu không tiến hành tháo dỡ thì mới ra quyết định cưỡng chế. Chi phí cưỡng chế do người có hành vi vi phạm chịu trách nhiệm”, luật sư Trần Hải Đức nói.
Về việc đoàn công tác của quận 1 do Phó chủ tịch UBND quận Đoàn Ngọc Hải dẫn đầu đã cưỡng chế hai vọng gác của lực lượng Công an bảo vệ Ngân hàng Nhà nước chiều 27/2, luật sư cho rằng chốt bảo vệ là một công trình đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia trong lĩnh vực tiền tệ.
|
Người đàn ông đeo kính phản ứng mạnh trước quyết định tháo dỡ chốt bảo vệ của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Tùng Tin. |
“Vọng gác này không phục vụ cho mục đích riêng của bất cứ ai. Đây là một trong những nơi trọng điểm, theo quy định của luật pháp là bảo vệ 24/24. Sau khi phá dỡ, lực lượng Công an bảo vệ, họ sẽ đứng gác ở vị trí nào? Bởi vì mục tiêu là bảo vệ 24/24 chứ không chỉ đơn thuần trong giờ hành chính. Tôi nghĩ việc này đã đi hơi quá”, luật sư Trần Hải Đức bình luận.
Hơn nữa, theo luật sư, nếu tháo dỡ công trình được dựng nên từ ngân sách Nhà nước thì cũng phải có thời gian. Trước hết, quận 1 có thể yêu cầu Ngân hàng Nhà nước dời vào vị trí phù hợp, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
“Việc nào đúng quy định pháp luật, bảo đảm trật tự chung thì không chỉ riêng người dân mà giới hành nghề luật cũng hoàn toàn tán thành. Nhưng đừng vì nhân danh lợi ích nhà nước mà hành xử không đúng quy định của pháp luật”, ông Trần Hải Đức nhấn mạnh.
Ông Đức cũng cho rằng để trả lại vỉa hè cho người đi bộ, đầu tiên UBND quận 1 và các quận khác nên có cảnh báo, tuyên truyền giáo dục rộng rãi để khơi dậy ý thức chấp hành cho người dân.
“Kể cả huy động toàn hệ thống chính trị để chung tay làm việc này chứ không chỉ đơn thuần một đồng chí phó chủ tịch UBND quận nay xuống đường này mai qua đường khác. Làm vậy chỉ có thể chữa cháy chứ không mang tính đồng bộ”, ông Đức nói.
|
Quận 1 trả lại chốt bảo vệ trước Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh chụp lúc 22h30 ngày 27/2: Tùng Tin. |
“Sự đồng bộ đó phải đến từ người chấp hành pháp luật lẫn người đại diện, thực thi pháp luật. Bây giờ giống như một cuộc rượt đuổi mang tính đối phó. Trong thực thi pháp luật mà lại thực hiện theo kiểu đối phó thì hiệu quả mang lại sẽ không cao”, luật sư lưu ý thêm.
Một giải pháp được luật sư Trần Hải Đức đưa ra là TP nên giao cho lãnh đạo chính quyền phường, xã, thị trấn và công an chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự đô thị lòng lề đường. Nếu để xảy ra sai phạm thì có thể cách chức người đứng đầu.
Xâm phạm quyền sở hữu của cá nhân, doanh nghiệp
Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP HCM (không nêu tên) cho biết xét ở góc độ luật pháp, có rất nhiều ý kiến phản đối hành động “dẹp loạn” vỉa hè gần đây của quận 1.
Luật sư cho biết vi phạm hành chính và chế tài của nó đều được quy định rõ trong luật. Tuy nhiên, vi phạm hành chính không phải là cơ sở để tước bỏ quyền sở hữu đối với tài sản của cá nhân, tổ chức.
|
Đội quản lý đô thị quận 1 tiến hành tháo dỡ chốt bảo vệ của Ngân hàng Phát triển nông thôn Việt Nam trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1). Ảnh: Tùng Tin. |
“Xét về bản chất vấn đề là xâm phạm quyền sở hữu của người khác. Vi phạm hành chính phải xử lý bằng biện pháp hành chính chứ không sử dụng biện pháp không có cơ sở pháp lý nào để xâm phạm quyền sở hữu của người khác”, luật sư này nói.
Theo luật sư, trong quy định hiện hành không tồn tại cái gọi là cấp phép dựng vọng gác. Do đó, việc Phó chủ tịch UBND quận 1 yêu cầu trình giấy tờ chứng minh vọng gác là sai.
“Ở đây có hai vấn đề. Một là công trình đó không phải xin phép về mặt pháp lý. Đây có thể coi là công trình ngoại lệ, áp dụng riêng để bảo đảm an ninh cho ngân hàng. Cũng giống như các lãnh sự quán, sứ quán có các vọng gác trên vỉa hè”, luật sư phân tích.
Một nguy cơ nữa cũng được luật sư đặc biệt lưu ý là việc không có biên bản kê khai các tài sản thu hồi hay đập phá. “Điều này dễ dẫn đến tiêu cực, đồng thời cũng dễ xảy ra tình trạng lạm quyền”, ông cảnh báo.