“Trùm” sản xuất, buôn bán hàng giả Trần Trí Mãnh - Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Gia Thịnh chi 20 tỷ cho một nhóm đối tượng để chạy điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang với mục đích dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội.
Đáng chú ý, chính “trùm” buôn hàng giả này lại bị các đối tượng lừa đảo khi nhận 10 tỷ nhưng không chi được cho cơ quan, tổ chức nào để thực hiện được mục đích nhưng chỉ chuyển lại cho Mãnh 7,4 tỷ đồng, số còn lại chúng chia nhau tiêu xài.
|
Đối tượng Trần Trí Mãnh. |
Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên dư luận đặt câu hỏi, việc Mãnh chi tiền để để chạy điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang có phạm tội?
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang khi nói về vụ việc trên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã hoàn tất hồ sơ, chuyển sang VKSND cùng cấp phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời khẳng định, cơ quan cảnh sát điều tra đã đủ chứng cứ chứng minh hành vi lừa đảo chạy điều chuyển công tác cán bộ và xác định đây chỉ là đường dây lừa đảo. Đối với hành vi chi tiền của Mãnh, hiện công an đang tiếp tục điều tra và tất cả đều nằm trong kế hoạch, trong quá trình điều tra có thể khởi tố bổ sung hoặc thay đổi tội danh.
Động cơ của “trùm” buôn hàng giả?
Trao đổi với PV, trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho biết, hiện tượng người vi phạm pháp luật tìm mọi cách can thiệp, tác động vào quá trình điều tra, xử lý sai phạm của cơ quan chức năng, với mục đích cản trở, làm thay đổi kết quả theo hướng có lợi cho mình, đang rất phổ biến. Ông cho rằng, đó là phản ứng tự vệ của nhóm những người sai phạm trước các nguy cơ đe dọa sự an toàn của bản thân họ.
Đồng thời cho rằng, vụ việc chi 20 tỷ đồng để nhằm mục đích “chuyển” Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi nơi khác cũng là một “dạng” như thế.
|
Trung tá Đào Trung Hiếu. |
Nói thêm về thủ đoạn “vô hiệu hóa” hoạt động điều tra của các đối tượng phạm tội, chuyên gia Đào Trung Hiếu cho rằng, có hai hướng hay được các đối tượng sử dụng.
Đó là can thiệp làm thay đổi theo hướng có lợi cho kết quả xử lý, giải quyết công việc. Thứ hai là “vô hiệu hoá” những chủ thể quyết tâm làm rõ sự việc, thông qua việc tác động vào công tác tổ chức để điều chuyển họ ra khỏi vị trí công tác liên quan đến sự việc đang điều tra. Đây là kế “rút củi đáy nồi”, “dập lửa từ nguồn phát nhiệt” rất thâm hiểm, độc địa!
Việc các đối tượng chi 20 tỷ đồng với mục đích tác động, “chuyển” Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi nơi khác là điển hình về chiêu trò, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm.
“Tôi cho rằng, một trong những biện pháp các đối tượng thường dùng, mang lại hiệu quả, đó là sử dụng các mối quan hệ với người có chức vụ, quyền hạn cao trong hệ thống cơ quan Nhà nước, hoặc có uy tín với chủ thể tiến hành hoạt động điều tra, để tác động vào quá trình giải quyết sự việc” – trung tá Đào Trung Hiếu nói.
Theo trung tá Đào Trung Hiếu, để thực hiện được việc can thiệp trái pháp luật vào hoạt động điều tra, xử lý sai phạm, người vi phạm thường sử dụng tiền, quan hệ, hoặc kết hợp cả 2, để tiếp cận, tác động lên người có chức vụ, quyền hạn về công tác tổ chức đối với chủ thể đang tiến hành hoạt động điều tra, xử lý sai phạm. Nếu cán bộ điều tra không đủ bản lĩnh, không tỉnh táo thì rất có thể sẽ bị sa vào những “viên đạn bọc đường”.
Phân tích về nguyên nhân các đối tượng thường dùng tiền, quan hệ để can thiệp vào hoạt động điều tra, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, thực tế có một số người sau khi bị tác động, đứng trước sức hấp dẫn của lợi ích vật chất, hoặc do áp lực từ các mối quan hệ, đã làm những việc không được làm, hoặc không làm những việc pháp luật buộc phải làm, vì lợi ích của đối tượng tác động.
“Các quan hệ lợi ích, cánh hẩu giữa cán bộ, công chức thoái hoá biến chất với người vi phạm, đang tồn tại khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Họ gắn bó, cấu kết với nhau bởi lợi ích. Những quan hệ này tạo ra cơ hội để tội phạm can thiệp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước, tạo ra những phi vụ làm ăn ở tầm chính sách” – ông nói.
Chi tiền tỷ, “ông trùm” có phạm tội?
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong vụ án trên, sẽ khởi tố về nhiều tội danh liên quan đến sai phạm về kinh doanh, thuế và số tiền 20 tỷ đồng mà các đối tượng đã thống nhất chỉ ra để điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang.
Luật sư Cường phân tích, riêng số tiền 20 tỷ đồng mà các đối tượng thỏa thuận để điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh, có thể thấy, mục đích đầu tiên của các đối tượng là thực hiện hành vi đưa hối lộ để người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của các đối tượng là điều chuyển lãnh đạo công an tỉnh.
Theo đó, ý định của đối tượng Trần Trí Mãnh chi tiền ra là ý định đưa hối lộ và nhận thức rằng đối tượng nhận tiền là trung gian thực hiện hành vi môi giới hối lộ.
Tuy nhiên, trong vụ việc này sự việc đã không diễn ra do đối tượng thực hiện hành vi môi giới đã đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người chi số tiền 10 tỷ đồng trong tổng số 20 tỷ đồng sẽ được xác định là người bị hại trong vụ án lừa đảo.
Theo quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015: Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị xử lý hình sự về tội đưa hối lộ.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Do đó, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đối tượng đã chi số tiền 10 tỷ đồng ra để nhờ các đối tượng khác đưa cho một người có chức vụ quyền hạn cụ thể nhằm nhờ người này thực hiện một công việc theo yêu cầu của người đưa tiền, hành vi này cấu thành tội đưa hối lộ. Với số tiền đưa hối lộ 20 tỷ đồng, đối tượng phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù.
Theo quy định của điều 364 và điều 354 BLHS năm 2015, có thể có tội đưa hối lộ xảy ra nhưng tội nhận hối lộ không xảy ra bởi có những trường hợp người có chức vụ quyền hạn không biết về vấn đề này. Bởi hành vi đưa hối lộ cấu thành kể từ thời điểm các đối tượng có ý định đưa một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để yêu cầu người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của các đối tượng mà chưa cần người có chức vụ quyền hạn phải đồng ý.
“Trong vụ án trên, nếu cơ quan điều tra không chứng minh được hai bên đã thỏa thuận là đưa tiền cho ai, cho một người cụ thể nào (người có chức vụ quyền hạn có thể thực hiện được công việc theo yêu cầu của đối tượng đã chi tiền) để thực hiện công việc nêu trên, người có chức vụ quyền hạn cũng không biết về sự việc này, hành vi chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội đưa hối lộ” – Luật sư Cường cho biết.
Các đối tượng nhận tiền chia nhau bị xử thế nào?
Theo Luật sư Cường, đối với các đối tượng nhận tiền từ Trần Trí Mãnh, nếu có căn cứ cho thấy các đối tượng đưa thông tin gian dối để lấy tiền 10 tỷ đồng thì đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
|
Luật sư Hoàng Tùng. |
Đồng quan điểm, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, hành vi của các đối tượng có mục đích là đưa tiền điều chuyển công tác đối với Đại tá Đinh Văn Nơi – Giám đốc Công an tỉnh An Giang với số tiền ban đầu xác định là 20 tỷ đồng.
Việc thực hiện giao dịch hiện tại với số tiền 10 tỷ đồng cho nhóm đối tượng do Quý cầm đầu có dấu hiệu của hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Mức hình phạt của tội danh này áp dụng với các đối tượng sẽ phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến vụ án lừa đảo "chạy điều động" Giám đốc Công an tỉnh đi địa phương khác.
Trần Trí Mãnh - Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Gia Thịnh bị điều tra về hành vi "Sản xuất, buôn bán hàng giả" khai báo có một số đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo lời khai, Mãnh liên hệ với Đào Ngọc Cảnh (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng); Ngô Văn Trọng (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng); Vũ Văn Quý (quận 3, TP.HCM) và Hoàng Thị Tâm (TP Hà Nội) để bàn mưu thực hiện điều chuyển giám đốc Công an tỉnh An Giang đi địa phương khác với giá 20 tỷ đồng.
Mãnh chuyển trước vào tài khoản của Tâm 10 tỷ đồng và cam kết sau 3 ngày sẽ có quyết định điều chuyển, nếu không thực hiện được sẽ trả lại tiền cho Mãnh. Sau đó, do Quý không thể thực hiện được âm mưu trên, nên Quý, Tâm, Trọng đã bàn bạc chỉ chuyển lại cho Mãnh số tiền 7,4 tỷ đồng. Số tiền còn lại 2,6 tỷ đồng Quý và đồng bọn báo Mãnh đã chi phí cho việc "chạy chọt, lo lót" vụ điều chuyển, nhưng thực chất số tiền này đã được chúng chia nhau tiêu xài.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nữ nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.