Hơn 1.000 người thuộc các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, kiểm lâm, người dân địa phương được huy động để tham gia chữa cháy. Lãnh đạo tỉnh Lào Cai có Bí thư tỉnh ủy Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cùng công an tỉnh, thị xã Sa Pa đích thân đến hiện trường trực tiếp xem xét, chỉ đạo các phương án chữa cháy rừng.
Theo chân lực lượng chữa cháy vào tận hiện trường các điểm cháy, PV báo Tiền Phong ghi nhận những thửa rừng bị cháy là cánh rừng tự nhiên, tái sinh. Tại thực địa, có dấu vết nhiều gốc cây lớn bị chặt hạ, đặc biệt gỗ pơ mu, trong đó nhiều cây có gốc to bằng người ôm. Một số gốc pơ mu bị bén lửa vẫn âm ỉ cháy.
Bên cạnh pơ mu, phóng viên cũng ghi nhận có những cây thân gỗ lớn khác ngã đổ với dấu vết của việc mới bị đốn hạ.
Theo người dân địa phương tham gia chữa cháy, cách đây 15-20 năm, cả khu vực rừng này bạt ngàn gỗ pơ mu nhưng đến hiện tại loại cây gỗ quý có mùi hương thơm này gần như bị xóa sổ.
Bên cạnh pơ mu, phóng viên cũng ghi nhận có những cây thân gỗ lớn khác ngã đổ với dấu vết của việc mới bị đốn hạ do gốc cây và thân cây với vết cưa còn mới.
|
Gốc cây lớn với dấu tích mới bị chặt hạ Ảnh: Hân Nguyễn
|
Phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Quang Vĩnh - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người được UBND tỉnh Lào Cai ủy quyền phát ngôn thông tin liên quan vụ cháy rừng Vườn quốc gia Hoàng Liên để tìm hiểu thông tin có hay không tình trạng phá rừng tại các cánh rừng xảy ra cháy, ông Vĩnh không bắt máy.
Trong khi đó, ngày 20/2, chỉ một ngày sau đám cháy đầu tiên, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết, nguyên nhân xảy ra cháy là do hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân dưới tán rừng. Tuy nhiên, các hoạt động này ảnh hưởng hay tác động thế nào không được nói rõ.
Thống kê nhanh ban đầu của UBND thị xã Sa Pa, vụ cháy trong những ngày vừa qua đã khiến khoảng 30 ha rừng bị thiêu rụi, tác động đến hệ sinh thái là rất lớn, phải mất thời gian dài để phục hồi.