Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội tổ chức khám sàng lọc miễn phí cho người dân phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, đây là những hộ dân sinh sống trong khu vực quanh sau vụ cháy công ty Rạng Đông.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết công ty Rạng Đông báo cáo có khoảng 15,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường sau vụ cháy. Tuy nhiên, tính toán của các nhà khoa học dựa trên số lượng bóng đèn huỳnh quang và compact bị hư hỏng sau vụ cháy cho thấy con số này có thể lên tới 27,2 kg. Lực lượng liên ngành đã lấy mẫu nước, trầm tích xung quanh nhà máy và cho nhiều kết quả khác nhau.
Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả gom nước thải của Công ty Rạng Đông (số 320 Khương Đình) 1 km có giá trị Hg cao nhất, vượt QCVN 6,1 lần. Có 1/6 mẫu không khí có giá trị Hg vượt QCVN 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy.
Lấy kết quả quan trắc phân tích chất lượng môi trường không khí xung quanh Công ty Rạng Đông sau sự cố so sánh với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và châu Âu cho thấy phạm vi vùng có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân nằm trong bán kính 500 m tính từ hàng rào của kho sản phẩm bị cháy.
Qua thống kê của Công ty Rạng Đông, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, lo ngại lớn nhất hiện nay là hóa chất và kim loại ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
|
Khói bốc ra từ nhà máy của công ty Rạng Đông sáng ngày 29/8. |
Trước những thông tin về vụ cháy mà Bộ Tài nguyên & Môi trường đưa ra, người dân trong khu vực có thêm lý do để lo lắng cho sức khỏe và môi trường sống của mình.
Vào tối ngày 28/8 khi xảy ra vụ cháy công ty Rạng Đông, rất nhiều người dân trên phố Hạ Đình cùng nhiều người đi đường có mặt tại hiện trường để di dời đồ đạc, tài sản của các hộ dân nằm liền kề với nhà máy. Một số người khác hiếu kỳ đứng lại chứng kiến vụ hỏa hoạn, một số người hỗ trợ các chiến sỹ PCCC làm nhiệm vụ bằng cách cung cấp vật dụng, đồ ăn, nước uống. Đó là quãng thời gian tiếp xúc không ít với khói độc.
Ở một diễn biến khác, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết hiện đã có 82 trường hợp phát hiện nhiễm thủy ngân trong máu tính đến ngày 5/9.
Xét nghiệm thủy ngân máu được gửi đến Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Cả 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân máu thấp dưới 10 mcg/L.
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, đây là mức cho phép. Các trường hợp còn lại hiện đang chờ kết quả.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), môi trường trong khu vực xung quanh công ty Rạng Đông đã bị ô nhiễm thuỷ ngân. Nếu tiếp tục duy trì lượng thuỷ ngân trong môi trường thì cư dân khu vực có nguy cơ sẽ bị nhiễm thuỷ ngân.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, cần phải tách bạch hai vấn đề là thủy ngân trong môi trường và thủy ngân trong cơ thể con người. Ở thời điểm hiện tại, sức khoẻ con người không phụ thuộc vào lượng thủy ngân đang nhiễm ở môi trường, mà phụ thuộc vào lượng thủy ngân đã nhiễm vào cơ thể.
Nhiễm độc lượng nhỏ thì trong quá trình trao đổi chất, hoạt động, chất độc trong cơ thể sẽ tự tiêu tan.
Nhiễm độc ở cấp độ cấp tính mức vừa thì cơ thể con người xuất hiện các hiện tượng như đau bụng, đau đầu, có lượng thủy ngân trong máu… Cơ thể bị nhiễm độc ở cấp độ cấp tính mức trầm trọng thì sẽ tử vong.
Hiện tại một số người dân trong xung quanh công ty Rạng Đông đã di dời sang địa điểm khác để sinh sống. A
nh Trần Anh Minh (số nhà 68A ngõ 342 Khương Đình) cho biết, mấy ngôi nhà bên cạnh đều bị nứt tường do ảnh hưởng của đám cháy. Hiện anh và gia đình đã thu dọn đồ đạc chuyển đến phòng trọ gần đó để sống tạm vì sợ ngôi nhà của mình có thể bị sập bất cứ lúc nào.
“Ở đây rất nguy hiểm, tường nhà thì nứt, xung quanh lúc nào cũng có mùi hóa chất độc hại nên gia đình phải thuê nhà cách đây khoảng 400m để sống tạm. Thỉnh thoảng mọi người trong gia đình tạt qua để kiểm tra xem nhà có dấu hiệu đổ hay không” - anh Minh nói.
|
Nhiều người dân gần công ty Rạng Đông đã phải đổi chỗ ở do nghi ngại về vấn đề nhiễm độc thủy ngân (Ảnh: Trần Cường). |
Bộ Tài nguyên & Môi trường đã đề nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục cô lập và cách ly khu vực nhà kho cháy theo đúng phương án đã phê duyệt, hướng dẫn thực hiện, phân loại thu gom vận chuyển xử lý tàn dư vụ cháy, kể cả phế liệu vật liệu theo đúng quy định; khuyến cáo người dân phạm vi 500m tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn phơi nhiễm và kiểm tra sức khoẻ định kỳ; tổ chức công bố thông tin và kết quả kiểm tra nhiễm độc, xây dựng chương trình kiểm tra và khám sức khỏe thường xuyên cho người dân và cán bộ…
Bộ TN&MT tiếp tục đưa ra yêu cầu xử lý chất thải nguy hại, hướng dẫn cải tạo khu vực ô nhiễm và quan trắc một số đợt.
Về lâu dài, Bộ TN&MT đề nghị cần có chủ trương, lộ trình thích hợp di dời các nhà máy này ra khỏi khu dân cư.
>>> Xem thêm: Quan trắc vụ cháy nhà máy Rạng Đông: Thủy ngân vượt ngưỡng cho phép