Cha con đại gia Thiện “Soi” bị bắt: Tội chồng tội... kết cục sẽ thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Cha con đại gia Lê Thái Thiện bị bắt tạm giam để điều tra hành vi cho vay nặng lãi và rửa tiền. Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp tội chồng tội, cái giá phải trả sẽ thế nào?

Cha con đại gia Thiện "Soi" sẽ bị xử lý thế nào?
Ngày 1/12, Cơ quan CSĐT Công an TX Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với ông Lê Thái Thiện (55 tuổi, thường được gọi là đại gia Thiện "Soi", chủ sở hữu biệt thự dát vàng ngay QL51 tại xã Tân Hải, TX Phú Mỹ) và con trai ông Thiện là Lê Thái Phong, 20 tuổi) để điều tra làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và rửa tiền theo khoản 2, điều 201 và khoản 3, điều 234 của BLHS năm 2015.
Đáng chú ý, trong quá trình khám xét, lực lượng chức năng thu giữ nhiều giấy liên quan đến cho vay tiền cùng 2 khẩu súng bắn đạn bi, lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong toàn bộ số giấy tờ trên để phục vụ công tác điều tra, ngoài ra còn thu giữ 2 siêu xe của ông Lê Thái Thiện đứng tên.
Cha con dai gia Thien “Soi” bi bat: Toi chong toi... ket cuc se the nao?
Đại gia Thiện Soi thời điểm bị bắt giữ, khám nhà. 
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, dồn người vay vào thế khốn cùng sau đó ép họ phải bàn giao tài sản nhà đất là một hành vi bóc lột tàn nhẫn. Các đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân để ép nạn nhân phải vay với lãi suất cắt cổ, khi không trả được, lãi mẹ sẽ đẻ lãi con, sau đó chiếm đoạt toàn bộ tài sản mà họ tích góp cả đời mới có được, đẩy người dân khốn khó vào chốn đường cùng, khiến gia đình tan nát, hủy hoại tương lai của rất nhiều con người. Bởi vậy đây là hành vì không những vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, lãi suất trong giao dịch dân sự do hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20 % một năm. Người nào cho vay với lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất mà nhà nước quy định, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định cụ thể tại điều 201 BLHS năm 2015.
Theo đó, với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì các đối tượng trong vụ án này có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Có thể áp dụng hình phạt bổ sung đến 100 triệu đồng. Đây là những chế tài hình sự mà người vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài việc phải đối mặt với mức hình phạt có thể đến 3 năm tù nêu trên, các khoản tiền thu được do phạm tội mà có sẽ bị tịch thu sung công quỹ. Bởi vậy, biệt thự dát vàng kia và các tài sản mà các đối tượng cho vay nặng lãi có được có nguồn gốc tội phạm hoặc do phạm tội mà có thì sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Ngoài ra, số tiền vi phạm pháp luật dùng vào đầu tư mua đất đai, nhà cửa, đầu tư vào hoạt động kinh doanh, hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật bởi vậy đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý thêm về tội rửa tiền theo Điều 324 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì một người phạm tội rửa tiền khi thực hiện một trong các hành vi sau đây: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có”.
Cha con dai gia Thien “Soi” bi bat: Toi chong toi... ket cuc se the nao?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Cường cho biết, tội rửa tiền có thể áp dụng cả với pháp nhân và cá nhân, mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân có thể đến 15 năm tù theo điều Điều 324 BLHS 2015.
Ngoài ra hành vi tàng trữ súng đạn, vũ khí sẽ bị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy khẩu súng được xác định là súng quân dụng hoặc có tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, các đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hình sự thêm tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Dấu hỏi về các đại gia giàu lên bất thường?
Theo luật sư Cường, những đại gia sở hữu những khối tài sản khổng lồ một cách dễ dàng, nhanh chóng thường có những sai phạm, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, những người hay khoe khoang tiền của, khoe mẽ về tài sản chỉ là vỏ bọc cho sự hào nhoáng để thực hiện các hoạt động kinh doanh phi pháp hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế, thời gian gần đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý các sai phạm của các đại gia như Đường "Nhuệ", đại gia Hải Dương, đại gia Ngô Văn Phát nay đến Thiện "Soi"...
Cha con dai gia Thien “Soi” bi bat: Toi chong toi... ket cuc se the nao?-Hinh-3
Biệt thự dát vàng của đại gia Thiện Soi. 
Luật sư Cường cho rằng, thông thường để trở thành một doanh nhân, sở hữu nhiều tài sản phải mất rất nhiều năm làm ăn kinh doanh tâm huyết, những người giàu có thường kín tiếng và tài sản thường nằm ở giá trị đầu tư, họ ít hưởng thụ, khoe khoang. Còn một số đối tượng làm ăn phi pháp, giàu lên nhanh chóng thường hay khoe tài sản, sử dụng tài sản như một công cụ, vỏ bọc để thực hiện các hoạt động kinh doanh trá hình, vi phạm pháp luật.
Bởi vậy, với những người không có khả năng gì đặc biệt, không tạo ra sản phẩm giá trị gì nổi bật trong xã hội mà lại giàu có một cách nhanh chóng chắc chắn cơ quan chức năng sẽ đặt câu hỏi là cách làm ăn phi pháp của họ làm gì, họ đang vi phạm các quy định pháp luật nào để tiến hành điều tra xác minh xử lý theo quy định.
Nếu như ở các quốc gia phát triển, việc gia tăng khối tài sản của cá nhân, doanh nghiệp sẽ kèm theo việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Việc quản lý thuế có thể làm cơ sở để xác định các thu nhập bất hợp pháp, các hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều quốc gia ít sử dụng tiền mặt, các tài sản có giá trị lớn thường phải đăng ký chính chủ, nhà nước kiểm soát chặt chẽ nguồn thu của công dân nên rất dễ phát hiện các thu nhập bất hợp pháp từ việc gia tăng số tiền trong tài khoản mà không nộp thuế.
Ở Việt Nam do quản lý tài sản, quản lý kinh tế còn nhiều hạn chế nên hành vi trốn thuế vẫn còn xảy ra nhiều. Tuy nhiên với những đại gia giàu có lên một cách nhanh chóng mà kiểm tra về thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp không tương xứng với giá trị tài sản tăng lên, cơ quan chức năng cũng cần xem xét xử lý những nguồn thu bất chính đó, có thể là nguồn thu từ hành vi vi phạm pháp luật. Việc khoe khoang tài sản trên mạng xã hội cũng như, những người không có đóng góp nhiều cho xã hội, ít nộp thuế mà lại ở trong những lâu đài, biệt phủ... rất dễ trở thành tội phạm hoặc đang là những tội phạm mà chưa bị xử lý.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt giam 2 cha con đại gia Thiện Soi ở TX.Phú Mỹ về tội rửa tiền

Nguồn: VTV TSTC 

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)