Chiều 31/7, ông Nguyễn Quốc Nam, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận đã chủ trì cuộc họp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan để bàn giải pháp khắc phục tình trạng ngập nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại lý trình Km25+419 đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân.
Tại cuộc họp, đại diện Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng 533, đơn vị tư vấn thiết kế dự án, khẳng định thiết kế dự án đúng theo các quy định và được thẩm tra kỹ.
Lực lượng chức năng cứu hộ xe tải trên đoạn cao tốc ngập nước (Ảnh: CTV).
Theo đơn vị trên, kích thước 2,5x2,5m cống thoát nước được thiết kế, xây dựng dựa trên những tính toán, căn cứ vào điều tra dòng chảy, mực nước của sông Phan và đỉnh lũ năm 1992 tại địa phương. Thiết kế cầu và cống hiện hữu phù hợp với các đặc trưng dòng chảy lũ tiêu chuẩn TCVN 9845-2013 và sổ tay tính toán thủy văn thủy lực cầu đường.
"Trong quá trình khảo sát sau khi xảy ra ngập tại vị trí Km 25+419 cho thấy một trong những nguyên nhân ngập úng cao tốc là nước từ đập Sông Phan chảy về vị trí ngập quá lớn", đại diện đơn vị tư vấn thông tin.
Đồng quan điểm với đơn vị thiết kế, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khẳng định đợt ngập vừa qua tại vị trí Km 25+419 cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là do mưa lớn và nước từ đập Sông Phan xả lũ về.
Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Hoàng Bình).
Ông Thái phân tích: "Thời điểm ngập, khu vực này có cả 3 dòng chảy dồn về: dòng chảy thượng lưu dự án, dòng chảy từ đập Sông Phan và dòng chảy của hồ nuôi tôm. Khi chúng tôi kiểm tra thì đập Sông Phan đang mở 2 cửa xả với lưu lượng 90m³/giây. Từ 3 yếu tố này cộng với lượng mưa quá lớn làm cho dòng nước cản ngược lại gây ra ngập, chứ không phải do vấn đề đặt cống hay thiết kế".
Về hướng khắc phục, ông Thái cho biết, để giải quyết trước mắt không lặp lại ngập úng trên cao tốc, đơn vị sẽ khơi thông tất cả dòng chảy, kể cả những dòng chảy nằm ngoài dự án. Cạnh đó sẽ cho nạo vét kênh mương, lòng sông để tạo dòng chảy tối ưu nhất.
Về lâu dài, Ban quản lý dự án chỉ đạo đơn vị tư vấn đi kiểm tra toàn bộ khảo sát địa hình thủy văn lên mô hình đánh giá thực trạng để có giải pháp lâu dài, bền vững trong thời gian tới.
Đại diện Công ty cổ phần tư vấn xây dựng 533 tại buổi họp (Ảnh: Hoàng Bình).
Ngoài ra, đơn vị tư vấn khẳng định hệ thống thoát nước tại các vị trí cống qua đoạn Dầu Giây - Phan Thiết đã được thu thập số liệu từ nhiều nguồn và thiết kế kỹ thuật thoát nước chưa có gì sai.
Có mặt tại cuộc họp, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận phản bác ý kiến của đơn vị tư vấn và ban quản lý dự án cao tốc. Đại diện Sở khẳng định thời điểm đoạn cao tốc bị ngập, hồ Sông Phan không xả lũ mà chỉ xả tràn với lưu lượng khoảng 90m3/s. Còn nếu xả lũ thì lưu lượng sẽ lên tới khoảng 600m3/s, khi đó mức độ thiệt hại chắc chắn nặng hơn nên cần sớm có giải pháp khắc phục.
Đại diện Sở cho biết thêm với thiết kế hồ Sông Phan là công trình thủy lợi cấp 2, lũ tần suất là 50 năm xảy ra 1 lần, với lưu lượng xả phải là 600 m³/giây. Lượng mưa, xả tràn vừa qua chưa phải là lũ lớn. Vì vậy, cần phải kiểm tra lại mực nước để xác định lại thiết kế cao độ cống, tính toán lại mực nước xả lũ để có điều chỉnh phù hợp.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Nam đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long có phương án xử lý nếu mực nước dâng cao trên cao tốc. Ngoài ra, cần chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương khảo sát và ngay trong tháng 8 (chậm nhất đến 15/8) phải nạo vét khơi thông dòng chảy trên sông Phan.
Ban Quản lý dự án Thăng Long cần phối hợp với các đơn vị tư vấn, thiết kế khảo sát địa hình, khảo sát thủy văn để có phương án lâu dài, bền vững trong thời gian sớm nhất.