Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức công bố tình trạng "khẩn cấp toàn cầu" về virus corona. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Những động thái trên diễn ra khi tình hình dịch bệnh do virus Corona tiếp tục diễn biến phức tạp khi thống kê mới nhất cho thấy, trên toàn thế giới có 12.002 trường hợp mắc bệnh, 259 người tử vong. Dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc. Tại Việt Nam hiện đã ghi nhận 6 trường hợp mắc virus corona và nhiều trường hợp nghi nhiễm.
Việc công bố dịch virus Corona để thực hiện một cách có trách nhiệm, với các biện pháp cụ thể, quyết liệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc từ các cấp cơ sở để khống chế dịch bệnh, không để nCoV lây lan trong cộng đồng.
|
Bảo vệ sức khỏe học sinh trước dịch bệnh là vấn đề cấp bách. |
Trên thực tế, với chỉ đạo quyết liệt từ Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đến các bộ, ngành, địa phương, hiện tại chúng ta vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra mà không mất bình tĩnh. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đòi hỏi các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan có thẩm quyền, tránh tình trạng chủ quan, lơ là với phương châm phòng là chính cùng tinh thần “luôn luôn đặt mức sẵn sàng cao hơn mức bình thường”.
Một trong vấn đề dư luận quan tâm chính là việc bảo vệ sức khỏe các học sinh trong quá trình phòng, chống dịch Virus Corona.
Ngay trong công văn số 79 của Ban Bí thư về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra nêu rõ: "Trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, các hội nghị, hội thảo để tập trung (ưu tiên cao nhất) phòng, chống dịch”. Trong chỉ thị 06/CT-TTg, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Ngoại giao tìm hiểu cách làm của các nước, đề xuất việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học; sẵn sàng thực hiện việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học khi dịch bùng phát.
Điều đó cho thấy, việc phòng chống dịch bệnh trong môi trường giáo dục là vô cùng cấp thiết. Bởi môi trường học đường vốn là nơi tập trung đông người sẽ thật khó kiểm soát nếu virus Corona xuất hiện trong môi trường học đường. Do vậy vấn đề cấp bách là phòng dịch tại các trường học trên cả nước, nơi có hàng triệu học sinh đang theo học.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã quyết định cho học sinh nghỉ thêm một tuần sau thời gian nghỉ tết để có thời gian tiêu độc, khử trùng các trường học và tập huấn cho giáo viên về công tác phòng, chống dịch virus Corona được dư luận cả nước đồng tình ủng hộ. Cần Thơ hiện có gần 500.000 học sinh cho nên việc lùi ngày nhập học khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp là vô cùng cần thiết để bảo đảm sức khỏe cho các em học sinh, tránh lây lan dịch bệnh trong môi trường học đường, đồng thời các cơ sở giáo dục có thời gian chuẩn bị công tác phòng dịch.
Không phải ngẫu nhiên, hành động của TP Cần Thơ khi cho các học sinh trên địa bàn toàn thành phố nghỉ học để phòng chống dịch bệnh Virus corona lại thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi những ngày qua, khi tình hình dịch bệnh ngày càng có diễn biến phức tạp khó lường thì môi trường học đường, nơi tập trung đông người khiến nhiều người dân vô cùng lo lắng.
Bởi dù các trường có thực hiện nghiêm việc các học sinh, sinh viên có biểu hiện nhiễm bệnh không đến trường; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn thì với độ tuổi học sinh nhỏ tuổi rất khó để có thể tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Trong khi nhiều giáo viên chưa được tập huấn để có thể kiểm tra, giám sát một cách nghiêm ngặt để bảo đảm học sinh thực hiện đúng các quy định phòng dịch trên. Sẽ thật khó lường nếu trong trường phát hiện một học sinh nhiễm bệnh dịch bởi khi đó nguy cơ lây lan không chỉ trong môi trường học đường mà còn là môi trường xã hội. Trong khi đó, ngày ngày các em vẫn phải đến trường trong sự lo lắng của các bậc phụ huynh.
Từ hành động của Cần Thơ, nhiều phụ huynh tại Hà Nội và các tỉnh, thành mong muốn Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo các địa phương triển khai cho học sinh các trường tạm thời nghỉ học ở thời điểm này khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan là khó lường dù chúng ta đã kiểm soát tốt trong suốt thời gian qua.
Mới đây, ngày 1/2, Bộ GD&ĐT đã có động thái được dư luận đồng tình khi đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố là địa phương do Thủ tướng công bố dịch (trước tiên theo Quyết định số 173/QĐ-TTg là 3 địa phương: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa) cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non và học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tạm thời nghỉ học từ ngày 3/2/2020 cho đến khi có thông báo của cấp có thẩm quyền và bố trí thời gian học bù vào thời gian thích hợp.
Đối với các tỉnh/thành phố chưa công bố dịch, Thủ tướng chỉ đạo chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố quyết định việc nghỉ học của học sinh trên cơ sở tham mưu đề xuất của sở giáo dục và đào tạo, sở y tế.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra và các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Cụ thể, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viên phổi cấp do chủng virus Corona gây ra; Ban Chỉ đạo đã thường xuyên báo cáo, liên hệ với Ban chỉ đạo Quốc gia, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế để thu thập thông tin về diễn biến của dịch bệnh, kịp thời có biện pháp chỉ đạo phòng, chống dịch trong toàn ngành.
Đồng thời, ban hành nhiều công điện, công văn về việc phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, thiết lập hệ thống thông tin thường xuyên với lãnh đạo của 63 sở giáo dục và đào tạo, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trong cả nước để trao đổi thông tin và có biện pháp xử lý kịp thời về phòng, chống dịch bệnh viên phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trong toàn ngành Giáo dục.
Tuy nhiên, thời điểm này, có lẽ biện pháp cần thiết nhất là Bộ cần tham mưu và đề nghị các địa phương cho học sinh nghỉ học tạm thời để bảo vệ sức khỏe của học sinh, giáo viên và nhà trường, tránh việc dịch lây lan trong môi trường học đường dẫn đến khó kiểm soát. Cần Thơ đã hành động, Hà Nội và các địa phương còn chần chừ gì nữa?
>>> Mời độc giả xem video Tình trạng sức khỏe 3 người Việt nhiễm virus Corona: