Hoàng loạt cột điện bị đổ sau cơn bão số 1
Như tin tức đã đưa, hàng loạt cột điện 22KV thuộc nhiều xã ở Lý Nhân (Hà Nam) bị đổ gãy khiến người dân hoang mang và đặt ra nghi vấn.
Qua tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, cột điện đường dây 22KV đổ nhiều nhất thuộc xã Nhân Nghĩa, Nhân Chính, Nhân Khang (huyện Lý Nhân, Hà Nam). Nhiều người dân bày tỏ lo ngại khi lõi cột điện bằng thép chỉ như ngón tay.
Cột điện đổ hàng loạt gây ra sự cố mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của người dân, thiệt hại lớn về kinh tế địa phương. Theo chia sẻ lại của các hộ gia đình, nhiều người đi kiểm tra đồng áng không dám lội xuống ruộng vì sợ điện giật do cột điện đổ ngổn ngang, đè dập lúa và hoa màu.
|
Lõi cột điện chỉ to bằng ngón tay (ảnh do người dân cung cấp). |
Mất điện dài ngày dẫn đến việc mất nước, do đó thiếu nước sinh hoạt cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Phải mất 6 ngày, người dân ở đây mới có điện trở lại.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Nhụ, Chủ tịch UBND xã Nhân Nghĩa cho biết, do không có điện trong vòng gần 1 tuần khiến cuộc sống người dân đảo lộn, hoa màu thiệt hại hàng tỷ đồng.
Có mặt tại địa phương để tìm hiểu thông tin, PV thấy những cột điện đổ đã được thay thế. Có những cột điện đã được san lấp hố chôn, tuy nhiên còn một số cột điện thì vẫn tồn tại hố ở đó chưa được san. Lúc này, nghi vấn của người dân vẫn luôn được đặt ra: Liệu những cây cột điện này có đảm bảo chất lượng hay đã bị “rút ruột”?
Không thể đổ lỗi do thiên tai, cần có đơn vị thứ ba vào cuộc
Theo thông tin đã đưa của TTXVN, liên quan đến việc loạt cột điện ở các tỉnh tâm bão đi qua bị đổ, các PV đã trao đổi với ông Phạm Bình Minh, trưởng ban quản lý đầu tư, Tổng công ty điện lực miền Bắc.
Theo ông Minh, tất cả các cột điện bị đổ trong cơn bão đều đạt chuẩn theo quy định... toàn bộ cột điện trung áp đều chịu được gió bão cấp 13.
trong điều kiện thiết kế áp dụng đúng, đủ các điều kiện tính toán nhưng khi mưa bão vẫn gây sự cố thì có thể có các nguyên nhân nằm ngoài các điều kiện được áp dụng khi tính toán.
Bên cạnh đó, do lượng mưa nhiều gây ngập úng nên nước mưa đã thẩm thấu xuống dưới nền đất làm tăng độ bão hòa của nền đất và làm giảm sức chịu tải của nền đất dưới đáy móng cột khiến nền đất dưới đáy móng mất ổn định gây hiện tượng móng cột bị lún nghiêng.
|
Có rất nhiều cột điện bị đổ như thế này. |
Đất tại các chân móng ngậm nước lâu và cột, móng cùng chịu tác động của gió lớn nên nhiều vị trí cột ngã đổ dẫn đến đổ dây chuyền. Việc đổ một vị trí cột cũng có thể dẫn đến lực tác động dây chuyền gây đổ các vị trí cột đỡ tiếp theo.
Tuy nhiên, những lý giải này dường như chưa thích đáng đối với người dân và dư luận. “Những cột điện này mới được bên điện lực làm xong, năm nay đã đổ được thì chúng tôi nghi ngờ chất lượng có vấn đề. Khi ra xem cột điện đổ, chúng tôi thấy những lõi sắt không đều nhau, bê tông có vấn đề”, ông Phạm Văn T., người dân xã Nhân Nghĩa chia sẻ.
Nguyên nhân cột điện đổ là do mưa to, gió lớn, ngập úng, các cột điện trung áp đều chịu được bão cấp 13. Song, những hình ảnh đáng nhìn nhận lại là những cột điện bê tông to lớn đổ rạp nhưng lõi chỉ là những cây thép bé như ngón tay. Nếu không có sự cố thiên tai vừa qua, chắc có lẽ, những cây cột điện ấy sẽ mãi không bị phát hiện dấu hiệu bất thường.
Vì thế, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, tránh việc bao che sai phạm các quy định về an toàn lưới điện quốc gia, các quy định về chất lượng công trình, cần phải có một đơn vị thứ ba độc lập, để tiến hành việc kiểm nghiệm chất lượng. Tuy nhiên, với những nghi vấn được đặt ra, vụ việc đang rất cần cơ quan công an vào cuộc làm rõ.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Giả thiết được đặt ra rằng, nếu những cây cột điện nêu trên không đạt chuẩn và có dấu hiệu “rút lõi” công trình thì tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm được đặt ra như thế nào?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Luật sư Tạ Quốc Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Với sự cố hàng loạt cột điện đổ bất thường tại Hà Nam, ngoài các điều kiện tự nhiên do thiên tai, cần xem xét khách quan chất lượng của cột điện. Việc cơ quan chức năng can thiệp điều tra làm rõ nguyên nhân của sự việc trên là hết sức quan trọng. Hậu quả để lại thông qua các thiệt hại đáng giá hàng tỷ đồng. Do đó, nếu cột điện không đảm bảo chất lượng theo quy định và cam kết thì cơ quan công an hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự về tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 229 BLHS).
Tuy nhiên, cần phải điều tra, xác minh rõ lỗi của các bên, từ đó làm cơ sở truy cứu TNHS, qua đó, chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công phải liên đới chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Theo đó, tùy mức độ nghiêm trọng mà người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm.
Do có thiệt hại xảy ra nên việc bồi thường thiệt hại được đặt ra theo quy định tại Điều 307 và Điều 623 BLDS.