Thấy gì từ câu chuyện "con ông nọ, bà kia” ở Đài PT-TH Hà Nội?

Google News

(Kiến Thức) - “Con ông nọ bà kia” phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị chứ không chỉ là câu chuyện đang diễn ra ở Đài PT-TH Hà Nội. Nhưng có đến 40% nhân sự đài này nằm trong diện “con ông này, cháu bà kia” thì dư luận không khỏi giật mình…

Trong số 700 người đang làm việc tại Đài phát thanh truyền hình Hà Nội (Đài PT-TH Hà Nội) có đến lại 40% năng lực hạn chế nhiều người là "con ông này, cháu bà kia từ trung ương trở xuống thành phố" - Thông tin này do chính ông Tô Quang Phán - Tổng Giám đốc Đài phát thanh truyền hình Hà Nội cho biết tại tại Hội nghị lần thứ 14 ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVI) diễn ra sáng ngày 3/7.
Đáng chú ý, theo lời ông Phán, dù năng lực cán bộ hạn chế cũng không thể loại bỏ được do họ là “con ông nọ, bà kia”, do họ “làm việc làng nhàng nhưng không vi phạm kỷ luật, không chửi cãi ai..." nên không đuổi được. Thậm chí có cán bộ đi học hết lớp này, lớp kia, thậm chí có 3 bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nhưng không làm được việc gì ở đài.
Tổng Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội cũng nói rằng, chưa cơ quan truyền thông nào lại có nhiều cán bộ chủ chốt như Đài PT-TH Hà Nội khi số cán bộ chủ chốt lên đến 140 người.
 Ảnh minh họa. Nguồn:Internet.
Những con số thống kê trên ngay chính ông Tô Quang Phán còn giật mình thì sao dư luận không khỏi choáng váng, bức xúc.
Và thực tế, câu chuyện “con ông nọ bà kia” đang được gửi gắm vào nhiều cơ quan, đơn vị chứ không chỉ diễn ra ở Đài PT-TH Hà Nội. Đã có nhiều giải pháp đưa ra để hạn chế tuyển dụng kiểu “gửi gắm” mà không dựa trên năng lực song thực trạng trên ngày càng có xu hướng gia tăng.
Từ trước đến nay, ai cũng biết có câu chuyện “con ông nọ bà kia” âm thầm tồn tại trong khắp các cơ quan, đơn vị. Nhưng lần đầu tiên có một lãnh đạo như ông Tô Quang Phán dám thẳng thắn chỉ ra như vậy.
Trước đây nhiều người đặt niềm tin vào những cán bộ thuộc dạng “con ông cháu cha”, “con ông nọ cháu bà kia” khi cho rằng họ sẽ làm tốt do được ăn học đàng hoàng, có bố mẹ "ông nọ bà kia" kèm cặp, bảo ban. Công bằng mà nói, thực tế có những con em cán bộ xứng đáng được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý bởi họ có trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức thật sự.
Nhưng cũng đã có không ít cán bộ trong diện này không có năng lực, như lời ông Tô Quang Phán minh chứng từ chính cơ quan do ông quản lý "có đến 40% trong tổng số 700 người làm việc tại Đài năng lực hạn chế, trong đó có nhiều người là "con ông này, cháu bà kia từ trung ương trở xuống thành phố".
Thông tin của vị Tổng Giám đốc Đài PT-TH Hà Nội cũng đã lý giải được câu hỏi "Vì sao trước đây, Đài PT-TH Hà Nội phải tuyển cả những người không đủ năng lực?". Chung quy là do sức ép, mối quan hệ từ “ông nọ, bà kia” cả ở cấp Trung ương lẫn thành phố.
Mặc dù "ông nọ, bà kia" là ai không được nói rõ nhưng có thể hiểu họ là những người có chức vụ, có am hiểu các quy định của pháp luật nhưng vẫn bất chấp tạo sức ép để con cháu họ được làm việc, dù con cháu họ không đủ năng lực để làm việc. Đó là sự bất công cho những người làm được việc thì không được tuyển dụng, thậm chí được tuyển dụng thì phải làm việc ở những vị trí khó phát huy được năng lực. Thế nhưng khi thanh tra, kiểm tra, tất cả đều đúng quy trình tuyển dụng, quy trình bổ nhiệm.
Trên thực tế chúng ta đã có hệ thống luật rất chặt chẽ như Luật phòng chống tham nhũng, Luật cán bộ công chức viên chức… để hạn chế thực trạng “gửi gắm” con em của ông nọ, bà kia thiếu năng lực. Tuy nhiên, thực trạng quan chức, lãnh đạo vẫn đưa con cháu vào những vị trí chủ chốt từ cơ quan này đến cơ quan khác vẫn diễn ra, và thời gian qua nhiều vụ việc đã bị phanh phui, bị xử lý.
Điều đó minh chứng, quy trình của chúng ta được cho là chặt chẽ nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở cho những ai cố tình muốn "lách luật". “Con voi vẫn có thể chui lọt lỗ kim” do quy trình là do con người đặt ra và cũng chính con người thực hiện.
Bởi với nhiều người thiếu chuẩn mực đạo đức, bất tuân pháp luật... thì chức vụ càng làm to, mọi tiêu chí trong quy trình đều có thể thành hình thức, hợp thức hóa được.
Đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại công tác bổ nhiệm, cần phải đặt chất lượng con người, chất lượng cán bộ lên hàng đầu chứ không phải là "con ông nọ, bà kia". Nói thì dễ vậy nhưng thực hiện vô cùng khó khăn khi những “ông nọ, bà kia” vẫn bất chấp pháp luật để tạo điều kiện cho con cháu họ. Khi xã hội còn nể nang, sợ hãi thì thực trạng này sẽ không thể chấm dứt trong một sớm một chiều.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)