Theo lịch dự kiến, hôm nay (27/12), TAND cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án 9.000 tỷ đồng tại VNCB do Phạm Công Danh là chủ mưu ra xét xử phúc thẩm. Thẩm phán cấp cao Đặng Quốc Khởi làm chủ tọa phiên tòa.
Trước đó, với những sai phạm trong quá trình tái cơ cấu VNCB, sau phiên sơ thẩm, Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB) bị tuyên 30 năm tù, các bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 20 năm tù, Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) 22 năm tù, Hoàng Đình Quyết (nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) 19 năm tù cùng về các tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại VNCB.
32 bị cáo còn lại nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 9 năm tù giam.
Sau phiên xử, 25/36 bị cáo đã làm đơn kháng cáo. Trong đó, bị cáo Phạm Công Danh đề nghị xem xét lại một số hành vi và xin giảm nhẹ hình phạt.
|
Phạm Công Danh (bên trái) cùng một số bị cáo tiếp tục hầu tòa phiên phúc thẩm vào ngày 27/12. Ảnh: Thăng Long. |
Theo nội dung vụ án, trung tuần tháng 11/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an kết luận điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB, do Phạm Công Danh chủ mưu.
Danh chỉ đạo lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại 63 tỷ đồng; thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM gây thiệt hại 581,6 tỷ đồng cho VNCB.
Bị cáo Danh cùng các đồng phạm rút 5.190 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích nhưng không được sự đồng ý và có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ không có hồ sơ vay của nhóm này. Số tiền này sau đó được chuyển cho ông Trần Quí Thanh cùng với số tiền lời hàng chục tỷ đồng.
Ngoài ra Danh cùng thuộc cấp còn rút 903 tỷ dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu. Các bị cáo đã gây thiệt hại cho VNBC lên đến 7.000 tỷ đồng.
Ngoài những vi phạm nói trên, Phạm Công Danh còn gây thiệt hại 2.000 tỷ khi cùng hơn 30 bị cáo khác cho 14 công ty vay 14.000 tỷ đồng (trong đó có 12 công ty của Phạm Công Danh lập nên, đưa tài xế, người rửa xe, bảo vệ lên làm giám đốc). Số tài sản đảm bảo để vay tiền được nâng khống về giá trị lên nhiều lần.
Theo dự kiến, phiên xử phúc thẩm sẽ kéo dài đến 25/1/2017.