Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Ngăn chặn tình trạng "thổi giá", móc ngoặc, "quân xanh – quân đỏ" trong đấu giá đất
Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tình trạng "bắt tay ngầm" trong đấu giá đất; "thổi" giá đất để trục lợi cá nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận thực tế không chỉ có hiện tượng thổi giá còn có hiện tượng móc ngoặc, dìm giá, làm nhiễu loạn thị trường, gây ra nhiều hệ lụy.
Nguyên nhân là do pháp luật liên quan đến đấu giá đất còn thiếu cụ thể như: Trình tự chưa chặt chẽ; chưa quy định điều kiện, năng lực của doanh nghiệp tham gia đấu giá; chế tài đối với người cố tình đẩy giá cao rồi bỏ cọc chưa đủ sức răn đe.
|
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn |
Bên cạnh đó, các công cụ pháp luật để ngăn chặn tình trạng quân xanh, quân đỏ, móc ngoặc hoặc đe dọa người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có sơ hở.
Bộ trưởng cho biết, để ngăn chặn tình trạng trên, Bộ TNMT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này.
Quản lý rác thải của người mắc COVID-19 theo quy định chất thải nguy hại
Trả lời chất vấn của đại biểu về xử lý chất thải y tế có COVID-19 và chất thải y tế nói chung, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đây là chất thải nguy hại, được quản lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại và quản lý chất thải y tế.
Bộ Y tế sẽ xem xét và có hướng dẫn mang tính chuyên môn kỹ thuật, còn ngành tài nguyên môi trường hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng, xác định phương pháp thu gom.
Bộ TNMT đã cung cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý chất thải y tế này trong cả nước để cung cấp cho ngành y tế thời gian qua.
Bộ trưởng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ TNMT cũng đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh trong vấn đề lựa chọn, đánh giá các công nghệ để xử lý.
Cho đến nay, rác thải y tế của người bệnh ở nhà cũng phải coi là một nguồn lây bệnh để có quy trình phân loại, thu gom và xử lý theo hướng dẫn của địa phương.
Coi chất thải rắn là một loại tài nguyên cần tái chế, sử dụng hiệu quả
Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nói chung, Bộ trưởng cho biết, về mặt pháp luật, đến nay chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường 2020 cùng với các nghị định hướng dẫn thực thi luật, các thông tư quy định về vấn đề này.
Cơ bản, pháp luật đã có đầy đủ, trong đó, quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Tài nguyên Môi trường làm gì, địa phương phải làm gì và hệ thống chính trị và người dân làm gì…
Về xử lý chất thải rắn, Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ theo hướng thay đổi quan điểm thay vì chôn lấp, không hợp vệ sinh sang việc coi đây là một loại tài nguyên phải tái sử dụng, tái chế có hiệu quả.
Về công nghệ xử lý, trong năm 2022, Bộ TNMT sẽ tổng kết, đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý chất thải, qua đó nắm rõ hơn tình trạng môi trường trên cả nước hiện nay và sẽ công bố những công nghệ phù hợp để các địa phương chủ động lực chọn.
Nhưng công nghệ gì thì cũng sẽ theo hướng tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải biến thành năng lượng. Địa phương sẽ có hướng dẫn và sẽ lựa chọn để có cách thức xử lý phù hợp biến rác thành phân bón hoặc chuyển hóa thành, biogas, điện...
Cuối cùng theo Bộ trưởng điều quan trọng là phải phát huy được trách nhiệm của người dân, các cơ chế chính sách, các cơ chế tài chính và phải xã hội hóa được công việc xử lý chất thải.
Trong luật đã đề cập về vấn đề dịch vụ, trong đó cũng đã nói là các dịch vụ này hoàn toàn có thể tính toán một phần người dân đóng góp, một phần ban đầu là trách nhiệm của Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm để trở thành một ngành công nghiệp dịch vụ, có các chính sách ưu tiên, ưu đãi.
Còn vấn đề nước thải hiện nay, quan điểm rất rõ là đối với các trung tâm xử lý nước thải, chất thải rắn, phải coi là các trung tâm dịch vụ công và nhà nước phải cung cấp mặt bằng. Thông qua quy hoạch, chúng ta lựa chọn công nghệ và hình thành cơ chế đấu thầu, đấu giá như nào và phải có sự hỗ trợ ban đầu từ nhà nước để làm sao chi phí xử lý nước thải thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Công khai quy hoạch để ngăn chặn tình trạng hứa mua, hứa bán
Trả lời đại biểu về giải pháp khắc phục hiện tượng các dự án trong lĩnh vực bất động sản chưa được phép mở bán theo luật định nhưng một số doanh nghiệp đã tiến hành huy động vốn thông qua ký kết các loại hợp đồng như là hợp đồng hứa mua, hứa bán, hợp đồng góp vốn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, các hợp đồng hứa mua, hứa bán chính là đang lách Luật Đất đai.
Luật đất đai quy định chỉ đưa sản phẩm bất động sản ra thị trường khi đã có quy hoạch, có hạ tầng hay đầu tư xong nền móng… và dự án đó phải trả xong nghĩa vụ tài chính. Việc này được áp dụng bởi Luật Dân sự bởi vì Bộ luật dân sự không cấm những giao dịch hợp đồng.
Theo Bộ trưởng, vấn đề rủi ro ở đây là sẽ có những nhà đầu tư không thật, làm những "dự án ma" không có quy hoạch, không có phê duyệt, đất chưa chuyển mục đích, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa hoàn thành các nghĩa vụ khác thì đã muốn đưa ra thị trường để thu hút nguồn vốn.
Trong Luật Đất đai không quy định về vấn đề hứa bán, hứa mua và hợp đồng. Trong Luật dân sự không cấm, mà đã không cấm thì để hạn chế rủi ro thì phải tìm căn cứ để giải quyết.
Theo Bộ trưởng, để giải quyết căn cơ vấn đề này phải công khai tất cả quy hoạch.
Còn việc thu hút đầu tư sau khi người ta biết chắc chắn là sẽ không có rủi ro, dự án là có thật thì những thỏa thuận mang tính chất thỏa thuận dân sự thì hoàn toàn có thể.
Nghiên cứu trong bộ luật Dân sự để quy định khi có những loại giao dịch thế này thì cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần phải công khai và công bố những gì, trách nhiệm đến đâu.
Nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn tình trạng thổi giá, đầu cơ
Về vấn đề thổi giá, đầu cơ đất đai, Bộ trưởng thừa nhận "đây là hiện tượng rõ ràng có thật". Theo ông, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất, và khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công.
"Nhưng ở góc độ vĩ mô, khi người dân đầu tư vào đất đai thì xu hướng đó không mang lại hiệu quả và đấy là điều rất không tốt với nền kinh tế", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Theo Bộ trưởng, trong vấn đề này, nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề thổi giá. Không để xảy ra tình trạng đất chưa sử dụng mà đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất. Không để tình trạng đất không sử dụng, không đầu tư, nhưng để càng lâu vẫn lên giá.
Về chính sách chúng ta phải làm sao để kiểm soát được các dự án đầu tư phải khả thi. Phải xác định được lộ trình dự án này để đưa vào phục vụ cho phát triển kinh tế.
Thứ nữa là phải phân biệt các phân khúc về thị trường. Phải lấy nhu cầu của bất động sản nhà ở làm cơ sở để quyết định đầu tư phát triển đô thị chứ không phải mục tiêu thu được tiền trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia. Tức là phải đảm bảo tính toán cân bằng cung - cầu của thị trường về bất động sản.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn về giá xăng dầu