Ngày 13/5, Công an tỉnh đã điều tra, khám phá vụ án, tiến hành bắt giữ nghi can Đỗ Văn Minh khi đối tượng đang lẩn trốn tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Trước đó 5 ngày, gia đình đã tổ chức mai táng cho ông Minh vì cho rằng ông đã chết cháy cùng với chiếc ô tô bán tải bên đường...
Tại cơ quan công an, đối tượng Minh khai nhận tại Cơ quan điều tra, do quá trình làm ăn, Minh có nợ số tiền hơn 10 tỷ đồng nên khoảng đầu tháng 4/2020, Minh nảy sinh ý định mua bảo hiểm nhân thọ rồi tìm xác chết để trên xe ô tô và tạo hiện trường giả để mọi người lầm tưởng mình đã chết nhằm mục đích xoá nợ và để vợ con được hưởng bảo hiểm mà Minh đã mua.
Đáng chú ý, một cán bộ địa phương được mời chứng kiến việc Cơ quan chức năng khám xét nhà ông Minh vào chiều 10/5, cho biết lúc đó thùng tiền phúng điếu vẫn còn y nguyên, chưa "khui". Và đây là chi tiết được các điều tra viên rất chú ý. Phải chăng bà H. biết trước đám tang người xấu số không phải chồng mình?
|
Nghi can Đỗ Văn Minh tại cơ quan công an (ảnh báo CAND) |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đỗ Thị Hằng – Luật sư Cao cấp Công ty Luật TNHH ANT (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Các tình tiết khách quan có thể đưa ra những khả năng rằng bà H., vợ ông bí thư xã, có liên quan đến vụ việc mà ông chồng mua bảo hiểm và giết cháu họ để thế thân nhằm chiếm đoạt tiền của bảo hiểm.
Việc chứng minh, làm rõ là trách nhiệm của cơ quan điều tra rất quan trọng để xác định được liệu có yếu tố đồng phạm trong tội phạm mà ông Minh đã thực hiện hay không?
Trong trường hợp bà H. có liên quan đến tội phạm mà ông Minh đã thực hiện, Bà H. có thể phải đối mặt với việc truy cứu trách nhiệm hình sự của mình với vai trò là đồng phạm trong vụ án.
Theo đó, căn cứ pháp lý của đồng phạm là Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018 (gọi tắt là Bộ luật Hình sự 2015) quy định về đồng phạm như sau:
1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng
thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.
Xét theo yếu tố cấu thành tội phạm giữa mặt chủ quan, khách quan, chủ thể và khách thể để lập luận việc bà H. có liên quan tới vụ án hay không, có tham gia thực hiện tội phạm hay không như sau:
Căn cứ khách quan
Căn cứ vào số lượng người tham gia trong vụ án, căn cứ vào tính liên kết về hành vi cùng thực hiện một tội phạm, căn cứ vào hậu của do vụ án đồng phạm gây ra.
- Căn cứ và số lượng người trong vụ án: Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 quy định trong vụ án đồng phạm phải có từ hai người trở lên, những người này đều phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
- Căn cứ vào tính liên kết về hành vi: Những người trong vụ án đồng phạm phải cùng nhau thực hiện một tội phạm. Hành vi của người đồng phạm này liên kết chặt chẽ với hành vi của người đồng phạm kia. Hành vi của những người đồng phạm phải hướng về một tội phạm, phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho nhau để thực hiện một tội phạm thuận lợi, nói cách khác hành vi của đồng phạm này là tiền đề cho hành vi của đồng phạm kia. Hành vi của tất cả những người trong vụ án đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại chung của tội phạm.
- Căn cứ vào hậu quả tác hại: Hậu quả tác hại do tội phạm gây ra trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra. Hành vi của mỗi người trong vụ án đề là nguyên nhân gây ra hậu quả chung ấy, mặc dù có người trực tiếp, người gián tiếp gây ra hậu quả tác hại. Đây là đặc điểm về quan hệ nhân quả trong vụ án đồng phạm.
|
Luật sư Đỗ Thị Hằng |
Căn cứ chủ quan
Tất cả những người trong vụ án đồng phạm phải có hình thức lỗi cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Tất cả họ đều thấy rõ hành vi của toàn bộ những người trong vụ án đềy nguy hiểm cho xã hội. Mỗi người đồng phạm đều thấy trước hành vi của mình và hành vi của người đồng phạm khác trong vụ án đồng phạm là nguy hiểm, thấy trước hành vi của tất cả những người đòng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại. Vụ án có yếu tố đồng phạm khác vụ án thông thường do một người thực hiện ở những điểm sau đây:
- Vụ án có yếu tố đồng phạm có hai người trở lên, còn vụ án khác chỉ có một người thực hiện.
- Thông thường vụ án đồng phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm hơn vụ án do một người thực hiện.
- Vụ án đồng phạm có hình thức lỗi cố ý, còn vụ án do một người thực hiện có thể cố ý hoặc vô ý.
- Hành vi của những người trong vụ án đồng phạm có sự liên kết chặt chẽ để cùng thực hiện một tội phạm, còn hành vi của người phạm tội đơn lẻ không liên kết với ai.
- Hậu quả tác hại trong vụ án đồng phạm là hậu quả chung do toàn bộ những người đồng phạm gây ra, hậu quả tác hại trong vụ án do một người thực hiện là hậu quả riêng do chính hành vi của người đó gây ra.
Các cơ quan điều tra cần phân tích những yếu tố trên để kết luận, liệu bà H. có phải là đồng phạm trong vụ án hình sự này không? Nếu đã đáp ứng đủ, bà H. sẽ cùng chịu trách nhiệm về Tội giết người theo Điều Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt cao nhất mà bà H. có thể phải đối mặt lên tới 15 năm tù theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015.
>>> Xem thêm video: Vụ bí thư xã giết người, đốt xe: Nghi phạm từng đi trộm mộ mượn xác