Liên quan vụ đại úy Lê Thị Hiền (sinh năm 1983) gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất, Công an Hà Nội đã giao đơn vị trực thuộc quận Đống Đa ký quyết định tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với cán bộ này.
Với vi phạm trên, bà Hiền bị đồn công an sân bay xử phạt 200.000 đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167. Sau vụ việc, nhiều độc giả Zing.vn thắc mắc án phạt này có phải là một tiền sự? Hành động của nữ đại úy vi phạm quy tắc của ngành công an ra sao?
|
Hình ảnh bà Hiền chửi bới ở sân bay được đánh giá rất phản cảm. Ảnh cắt từ clip. |
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng việc bà Hiền vi phạm quy tắc ứng xử của Công an Nhân dân theo Thông tư 27 không phải là một tiền sự. Tuy nhiên, nữ công an bị xử phạt hành chính 200.000 đồng do vi phạm Nghị định 167 thì đó là một tiền sự.
Ông Cường lý giải Thông tư 27 chỉ quy định nguyên tắc ứng xử; quy tắc ứng xử chung của cán bộ, chiến sĩ công an; quy tắc ứng xử khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ; ứng xử trong nội bộ, trong quan hệ xã hội và với môi trường tự nhiên. Người vi phạm bộ quy tắc này sẽ bị kỷ luật theo quy định của ngành công an.
Còn Nghị định 167 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người bị xử phạt hành chính sẽ mang tiền sự.
Theo luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), Công an quận Đống Đa căn cứ Thông tư 27/2017 để xác định bà Hiền vi phạm về ứng xử nơi công cộng của cán bộ chiến sĩ Công an Nhân dân.
Cụ thể, Điều 11 Thông tư này quy định cán bộ, chiến sĩ không có lời nói, hành vi vi phạm các chuẩn mực về thuần phong, mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc nơi công cộng.
Cũng theo Điều 11, người Công an Nhân dân phải gương mẫu chấp hành nội quy, quy tắc nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức công dân được pháp luật quy định hoặc đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện; ứng xử văn minh, thân thiện, giữ trật tự, vệ sinh công cộng.
Ngoài ra, Điều 6 Thông tư 27 còn quy định cán bộ, chiến sĩ công an giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; xưng hô đúng mực, thái độ lịch sự, hòa nhã, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn.
Theo các luật sư, vi phạm trên của bà Hiền ngoài bị xử phạt hành chính còn có thể bị kỷ luật theo quy định của nội bộ ngành công an.
Căn cứ khoản 2, Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trong 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính, nếu bà Hiền không tái phạm hành vi tương tự thì sẽ được xem như chưa có tiền sự.
|
Nữ đại úy Lê Thị Hiền. Ảnh: Diệp Anh. |
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Ngọc Quảng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành động và lời nói của bà Lê Thị Hiền được ghi nhận qua video là hết sức phản cảm, xúc phạm người khác. Đặc biệt trong clip thứ 2, bà này còn có hành vi xô xát, ăn vạ với lực lượng an ninh sân bay.
"Hành vi của bà Hiền thể hiện sự gây rối và phản cảm ở ngay sân bay. Việc gây rối ở sân bay có phần nghiêm trọng nhiều hơn so với những khu vực công cộng khác vì đây là khu vực nhạy cảm, đặc thù ảnh hưởng đến nhiều hành khách khác cũng như an ninh trật tự tại khu vực này", luật sư Quảng nêu quan điểm.
Luật sư Nguyễn Ngọc Quảng phân tích thêm: "Đối với bà Lê Thị Hiền là cán bộ công an, vốn là người am hiểu kiến thức pháp luật. Tuy nhiên, cách hành xử trên gây ảnh hưởng mạnh đến uy tín ngành công an và tạo sự phản cảm và bức xúc trong dư luận xã hội".
Tuy nhiên, hành vi gây rối của người phụ nữ này chưa gây ra hậu quả quá nghiêm trọng, do đó có thể răn đe bà Lê Thị Hiền bằng mức phạt hành chính cao hơn là hoàn toàn hợp lý.
Luật sư Nguyễn Trương Quốc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng mức xử phạt 200.000 đồng đối với bà Hiền là quá nhẹ. Ông kiến nghị cơ quan chức năng nên áp dụng Nghị định 162/2018 lĩnh vực Hàng không dân dụng với hình phạt nặng hơn.
Trong trường hợp này, bà Hiền sẽ bị áp dụng mức phạt 1-3 triệu đồng cho hành vi làm mất trật tự an ninh khu vực sân bay.