Ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc viết thư cầu cứu Thủ tướng Chính phủ.
Ông Đảo cho rằng, liên quan vụ án Chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM cách đây hơn 5 năm, ông liên tục kêu oan, nhiều tài liệu chứng cứ chứng minh ông không phạm tội “Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn” nhưng cơ quan tố tụng vẫn quy buộc ông trách nhiệm hình sự.
“Nguyên tắc suy đoán vô tội” theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng bị cơ quan tố tụng bỏ qua.
|
Ông Vũ Văn Đảo cho rằng, cơ quan điều tra không khách quan trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự vụ án này. |
“Là Bí thư chi bộ đảng với gần 40 đảng viên, là người sáng lập và điều hành một số doanh nghiệp với cả ngàn lao động, hàng năm đóng góp cho ngân sách hàng chục tỷ đồng nhưng tôi lại đang bị các cơ quan tố tụng TP HCM "hành" suốt 5 năm qua liên quan đến một vụ án tai nạn giao thông đường thủy xảy ra ngày 2/8/2013.
Suốt 5 năm qua, tôi bị cấm xuất cảnh nên nhiều hợp đồng với các đối tác nước ngoài bị ảnh hưởng.
Là người quản lý nhiều doanh nghiệp, phải lo việc làm cho nhiều lao động, tôi vừa làm lại vừa phải đi kêu oan.
Là Bí thư chi bộ Đảng nhưng tôi lại bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng nên 5 năm qua Chi bộ đảng không có người đứng đầu, các đảng viên mất niềm tin, nhất là vào cơ quan tố tụng TP HCM”, thư ông Đảo gửi Thủ tướng.
Vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra vào đầu tháng 8/2013 được xác định rất rõ ràng là không phải do chất lượng phương tiện mà do chở quá người và gặp thời tiết xấu, người điều khiển phương tiện đã mất, cơ quan tố tụng lại khởi tố ông Vũ Văn Đảo– là giám đốc doanh nghiệp sản xuất ra phương tiện.
Ca nô gây tai nạn BP12-04-02 do Công ty CP Công nghệ Việt Séc bán và bàn giao cho biên phòng. Ca nô cũng đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân đăng kiểm cho phép đưa vào sử dụng từ tháng 7/2013.
Ông Đảo không phải là chủ phương tiện, không phải là người điều khiển phương tiện đã gây tai nạn và cũng không phải là người đăng kiểm phương tiện nhưng cơ quan tố tụng lại khởi tố vì cho rằng ông đã đưa công nghệ tiên tiến từ Châu Âu vào Việt Nam để sản xuất ra tàu thuyền khi chưa được cơ quan đăng kiểm cho phép.
Một vụ án tai nạn giao thông, luật cho thời hạn điều tra có 4 tháng, Cơ quan điều tra đã xin gia hạn đến 2 lần, Viện kiểm sát đã chấp thuận gia hạn và kết thúc vụ án trước ngày 4/9/2014.
|
Chiếc Ca nô gặp nạn. |
Theo quy định của pháp luật khi hết thời hạn gia hạn điều tra (ngày 4/9/2014) mà Cơ quan điều tra không chứng minh được tội phạm thì phải đình chỉ điều tra.
Khoản 6 Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự (LTTHS) 2003 quy định: “Khi đã hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra.”
Ngày 7/9/2014, ông làm đơn yêu cầu đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra Công an TP HCM lại ban hành Bản kết luận điều tra trái pháp luật vào ngày 12/9/2014 (ban hành khi đã hết thời hạn điều tra).
Do không chứng minh được hành vi tội phạm, Cơ quan điều tra vẫn quy kết cho ông hành vi “sai phạm” đưa công nghệ vật liệu mới PPC (Polypropylen copolymer) vào sản xuất tàu thuyền khi chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép.
Kết luận điều tra ngày 12/9/2014 viết như sau: “Hành vi sai phạm của bị can Vũ Văn Đảo thể hiện xuyên suốt qua ý thức chủ quan: Vũ Văn Đảo đưa công nghệ và vật liệu mới PPC vào sản tàu thuyền tại Việt Nam. Tuy nhiên khi tổ chức sản xuất, Vũ Văn Đảo không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về sản xuất phương tiện giao thông, không thực hiện những quy định về đăng kiểm nên Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa giải quyết đăng kiểm cho tàu thuyền sản xuất bằng PPC (trong đó có ca nô BP 12-04-02). Khi tàu thuyền sản xuất bằng PPC không thể đăng kiểm theo hệ dân sự, Vũ Văn Đảo đã chuyển hướng bán cho lực lượng vũ trang và ký hợp đồng với Đăng kiểm Hải quân để đưa tàu thuyền sản xuất bằng PPC vào lưu thông”.
Khi cơ quan công an đề nghị truy tố, VKS thống nhất quan điểm, nhưng Tòa án Nhân dân TP HCM đã phải 2 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung yêu cầu xác định mối quan hệ nhân quả, hậu quả của vụ án.
Tòa án yêu cầu làm rõ, phương tiện chở quá người, gặp thời tiết xấu… liên quan gì đến việc Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn?.
Việc cơ quan điều tra không đình chỉ điều tra khi không chứng minh được tội phạm và còn cố tình vi phạm thời hạn điều tra là nguyên nhân làm cho vụ án kéo dài suốt 5 năm qua.
Các cơ quan tố tụng đã tìm đủ mọi lý do để “ngâm án, treo án”(?!), làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình đốn.
Sau 3 năm tạm đình chỉ vụ án với lý do chờ trưng cầu giám định tàu gây tai nạn, khi kết quả giám định cũng đã rõ nguyên nhân không phải do chất lượng phương tiện, thay vì đình chỉ vụ án thì Cơ quan điều tra Công an TP HCM lại ra Kết luận điều tra bổ sung đề nghị Viện kiểm sát truy tố. Hồ sơ vụ án hiện đã được chuyển đến Viện kiểm sát nhân dân TP HCM.
Theo Điều 7, Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2015: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ, trình tự, thủ tục của Bộ luật này”.
Tuy nhiên, theo dõi tiến trình vụ án, với quá trình thực hiện tố tụng của cơ quan điều tra hiện nay không chỉ làm dư luận băn khoăn mà khiến giới nghiên cứu luật quan ngại khi các nguyên tắc về hoạt động tố tụng đang bỏ qua mọi điều chỉnh của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Liên quan vụ án này, Văn phòng Chính phủ đã 6 lần có ý kiến chỉ đạo gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương, chính quyền và các cơ quan tố tụng TP HCM yêu cầu giải quyết dứt điểm nhưng các cơ quan tố tụng TP HCM vẫn tiếp tục tìm lý do ngâm án (?!).
“Tôi tha thiết kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm hơn nữa đến doanh nhân, doanh nghiệp và có chỉ đạo mạnh mẽ tới Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM chỉ ngay vụ án oan sai đã kéo dài hơn 5 năm qua. Việc để một vụ án tai nạn giao thông kéo dài tới hơn 5 năm qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của doanh nhân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, làm cho doanh nhân, doanh nghiệp thấy nản lòng trước tình trạng lạm dụng quyền lực trong hoạt động tố tụng và trên bảo dưới không nghe”, ông Vũ Văn Đảo cầu cứu Thủ tướng.