Trong suốt một thời gian dài, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, lãnh đạo chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid 19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc” triển khai chủ động, quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch từ rất sớm. Nhờ vậy, Việt Nam đã đạt được kết quả tốt được cộng đồng quốc tế và nhân dân đánh giá cao, tăng thêm niềm tin trong nhân dân.
Tuy nhiên, điều không mong muốn tiếp tục xảy ra khi dịch bệnh Covid 19 đã trở lại, xuất hiện lây lan tại nhiều tỉnh thành khiến ca nhiễm bệnh đã tăng lên con số 53 (theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế ngày 13/3) và tiếp tục diễn biến phức tạp.
Thảm cảnh kéo theo, hàng triệu học sinh tiếp tục nghỉ học, cuộc sống nhiều gia đình đảo lộn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, hàng loạt cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ buộc phải đóng cửa, nhiều người không có việc làm. Hàng vạn nhân lực ngành y tế và cả hệ thống chính trị từ trung ương xuống địa phương phải căng mình thực hiện nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc”.
Ai đã góp gió để cơn bão dịch bệnh tiếp tục lây lan, cuốn đi bao hi vọng trong suốt thời gian qua của người dân? Ai đã góp nước để thành trận “đại hồng thủy” dịch bệnh lan rộng ra các tỉnh thành, cuốn đi bao công sức của cả một hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh?
Câu hỏi trên không khó trả lời khi nhìn lại lộ trình của các ca nhiễm bệnh. Đa số họ du hí trời Âu, Mỹ và trở về nước mang theo dịch bệnh và lây lan ra cộng đồng.
|
Người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng liên quan dịch Covid 19. Ảnh: SGGP |
Đi công tác, du hí vùng dịch rồi …ôm bệnh về nước
Một số ca nhiễm đi công tác đến vùng dịch bệnh và trở về nước như trường hợp ca 50 mới đây là bệnh nhân nam 50 tuổi (trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội). Bệnh nhân đi công tác tại Pháp ngày 4/3 và trở về Việt Nam ngày 10/3 trên chuyến bay VN18.
Đáng chú ý, bệnh nhân sau khi nhập cảnh đã về nhà và đến cơ quan tại quận Long Biên và tiếp tục nhiều người. Sau khi thấy mệt mỏi, đau đâu, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 bằng taxi và kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với Covid 19.
Tương tự một trường hợp khác là bệnh nhân thứ 34 – nữ doanh nhân Đ.T.L.T (51 tuổi trú tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận). Ngày 22/2, nữ bệnh nhân từ sân bay Tân Sơn Nhất đến New York (Mỹ), quá cảnh 3 giờ tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ngày 25/2, bệnh nhân từ New York bay đến Washington tham quan, du lịch. Trong quá trình lưu trú ở Mỹ, bệnh nhân khai không nhớ rõ mình ở quận nào, tiếp xúc với ai có triệu chứng ho, sốt. Ngày 29/2, bệnh nhân bay từ Washington về sân bay Doha (Qatar) trên chuyến bay Qatar Aiways QR708 để quá cảnh. Từ 18h45 ngày 1/3, bệnh nhân từ sân bay này về Tân Sơn Nhất trên chuyến bay Qatar Aiways QR974, hạ cánh lúc 6h sáng ngày 2/3.
Bệnh nhân khai khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã di chuyển thẳng về nhà bằng xe riêng và trước lúc nhập viện chỉ ở nhà và lên công ty riêng và đến ngày 9/3 mới nhập viện điều trị. Tuy nhiên thực tế bệnh nhân đã không khai báo đầy đủ lịch trình và những người tiếp xúc với mình trong thời gian ủ bệnh.
Bởi thực tế bệnh nhân này đã từng ở lại TP.HCM để giao lưu với đối tác. Khi về đến TP Phan Thiết, ngoài nhà riêng và công ty, bệnh nhân còn di chuyển đến nhiều nơi ăn uống. Hậu quả của việc khai báo gian dối “nhỏ giọt” của nữ bệnh nhân này không chỉ khiến người làm, nhân viên của bệnh nhân 34 bị lây nhiễm mà những người bị lây nhiễm còn xuất hiện ở huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) và mới nhất là một bệnh nhân ở TP.HCM vừa bị dương tính do tiếp xúc với BN 34 mới được công bố và con số người lây nhiễm từ BN 34 chắc hẳn sẽ chưa dừng lại.
|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, dư luận đã vô cùng bức xúc trước hành vi khai gian dối khi nhập cảnh của nữ bệnh nhân Nguyễn Hồng Nhung – ca nhiễm thứ 17.
Nữ bệnh nhân đã đi thăm chị gái tại Anh và cùng chị gái qua Italy, Pháp du lịch và trở về Hà Nội 4h30 ngày 2/3/2020 trên chuyến bay VN0054. Tuy nhiên khi nhập cảnh, bệnh nhân không khai báo y tế khi nhập cảnh từ châu Âu dù thời điểm đó, nữ bệnh nhân đã có biểu hiện ho, đau mỏi nhưng không sốt có dấu hiệu nghi nhiễm Covid 19. Từ việc khai báo gian dối này, nữ bệnh nhân đã khiến một số người bị lây nhiễm.
Nói đến những trường hợp trên để thấy rằng, trong khi cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương vào cuộc với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, nhiều biện pháp rất mạnh được áp dụng với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân hàng đầu, nhân dân cả nước hết mình ủng hộtham gia, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vẫn còn một số cá nhân vì sự ích kỷ của bản thân, vì thiếu trách nhiệm với cộng đồng đã thực hiện những hành vi làm nguy hại cho cộng đồng, khiến dịch bệnh lây lan.
Họ thật đáng trách bởi không có chuyến công tác nào quan trọng bằng sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội trong thời điểm dịch bùng phát tại nhiều quốc gia. Bản thân họ biết nhưng vẫn đến vùng dịch rồi mang theo dịch bệnh về nước, gây nguy cơ lây lan cộng đồng.
Không thể không đáng trách bởi hành vi khai gian dối khi nhập cảnh dù biết bản thân có nguy cơ nhiễm dịch bệnh khi đến và về từ vùng dịch. Thực tế hành vi thiếu trách nhiệm của một số cá nhân đã truyền dịch và gây họa cho cộng đồng. Khiến bao công sức, tiền bạc để ngăn chặn dịch bệnh dường như “đổ sông, đổ biển”, khiến cuộc sống của bao người dân bị đảo lộn, học sinh không được tới trường do dịch bệnh, hàng nghìn doanh nghiệp lao đao trong khốn khó. Không biết chuyến công tác nước ngoài mang lại cho họ những gì, những chuyến du lịch nước ngoài mang lại cho họ niềm vui gì nhưng thực tế, họa do họ mang lại cho đất nước đã hiện hữu trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 thời gian gần đây.
Cứ đổ bệnh, nghi nhiễm Covid 19 lại về Việt Nam!
Ngoài những trường hợp đi công tác, đi du lịch, trong các ca nhiễm có một số trường hợp là du học sinh như trường hợp bệnh nhân 51 là một du học sinh tại châu Âu 22 tuổi.
Từ ngày 23/2 đến 12/3/2020, bệnh nhân đã đến Italy, Tây Ban Nha và Đan Mạch, ngày 13/3/2020 bệnh nhân về Việt Nam trên chuyến bay QR968 từ Qatar. Bệnh nhân được người đón tại sân bay và đưa ngay vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để khám và nhập viện điều trị.
Trước đó, bệnh nhân thứ 32 nhiễm COVID-19 là nữ, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có tiếp xúc với BN17 tại London (Anh) ngày 27/2. BN32 khởi phát ho vào ngày 2/3 tại London (Anh), không sốt. Bệnh nhân đến bệnh viện tại London để khám và được cho thuốc về nhà điều trị. Ngày 7/3/2020 sau khi biết tin BN17 tại Việt Nam mắc bệnh COVID-19, bệnh nhân đến lại bệnh viện để khám và được cho thêm thuốc về nhà nhưng triệu chứng ho khan không giảm, không sốt.
Không an tâm về sức khỏe, bệnh nhân thuê máy bay riêng (số hiệu WGT2B) về Việt Nam và nhập cảnh lúc 8h15 ngày 9/3 có nhiệt độ 37,5°C, ho khan, ngay lập tức được chuyển về bệnh viện dã chiến Củ Chi bằng xe chuyên dụng cách ly nghiêm ngặt. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với Covid 19.
Một trường hợp khác cũng khiến dư luận chú ý, một nữ du học sinh trên chuyến bay VN50 từ London (Anh) về TPHCM ngày 12/3 sau khi bay hơn 2 tiếng người nhà mới báo Trung tâm kiểm dịch y tế Tân Sơn Nhất về việc nữ hành khách này có triệu chứng nhiễm Covid-19 với biểu hiện sốt, ho. Trước đó, tại Anh, lưu học sinh này đã đến bệnh viện khám nhưng bác sĩ ở Anh kết luận là cúm thông thường và không xét nghiệm Covid-19.
Dù những trường hợp trên không thiếu trách nhiệm như trường hợp thứ 17 khi ca nhiễm 32 khi nghi ngờ nhiễm bệnh, người nhà đã thuê hẳn một chuyên cơ với chi phí lớn để bay nửa vòng trái đất về nước điều trị bệnh tật, khi nữ du học sinh có biểu hiện nghi nhiễm người nhà đã thông báo cơ quan chức năng về tình hình bệnh tật sau 2 giờ lên máy bay để kịp cách ly khi hạ cánh (nữ du học sinh này sau đó có kết quả âm tính với Covid 19).
Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi, sao cứ nghi nhiễm bệnh là phải về nước? Phải chăng ở những nước họ sinh sống không đủ điều kiện để khám chữa bệnh hay nước khác họ không quan tâm đến người nước ngoài sinh sống ở nước họ khi dịch bệnh?
Thực tế không phải vậy. Mà bởi các du học sinh khi nghi nhiễm bệnh cố gắng trở về nước bởi họ có niềm tin vào những gì các cơ quan chức năng Việt Nam đã làm được trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid 19 trong suốt thời gian qua. Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành y tế với sự ưu tiên sức khỏe người dân là hàng đầu đã dồn mọi công sức vào việc phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh, quan tâm đến những bệnh nhân, những người cách ly…
Không phải ngẫu nhiên mà Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS. Kidong Park trong buổi tiếp xúc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sáng 14/3 đã đánh giá cao cách ứng phó của Việt Nam ở 3 điểm, đó là sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đầu tư đều đặn cho phòng chống dịch; sự tham gia, tuân thủ nghiêm ngặt của toàn thể nhân dân.
Không đâu có thể bằng quê hương nên dù họ có đi xa, đến nước nào đi nữa, khi nghi nhiễm dịch bệnh, trở về nước là một sự lựa chọn đúng đắn bởi quê hương luôn sẵn sàng ôm ấp, chở che, chữa trị cho họ nếu mắc bệnh. Đó là một tinh thần Việt Nam mà hiếm có nơi nào sánh được.
Có niềm tin sẽ chiến thắng dịch bệnh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây nói rằng, muốn thành công phải huy động sức mạnh toàn hệ thống, toàn dân.
Thời gian qua và hiện nay, Việt Nam coi phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương và toàn dân. Chính phủ cũng đưa ra một chương trình hỗ trợ trực tiếp, kể cả bảo đảm cung ứng các nhu yếu phẩm dồi dào cho người dân. Cũng trong thời gian qua, nhiều người dân sẵn lòng tham gia đóng góp, ủng hộ, hỗ trợ Chính phủ, Bộ Y tế để chống dịch.
Đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong ngành y tế Việt Nam đã khơi dậy sự say mê nghiên cứu, sáng tạo, nhờ đó đã thúc đẩy nghiên cứu thành công bộ kit xét nghiệm Covid 19, xác lập trình tự gene virus…Bên cạnh đó, lực lượng y tế Việt Nam luôn nhiệt tình trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở nông thôn cũng như thành thị. Đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế, sinh viên ngành y luôn sẵn sàng thực hiện các kịch bản đã đề ra. Mỗi người dân, mỗi khu dân cư được xem là “pháo đài” phòng chống dịch.
Thủ tướng cũng nói rằng, trong phòng chống dịch thì niềm tin là hết sức quan trọng, không bao giờ bi quan trong bất cứ tình huống. Việt Nam đã từng chữa khỏi 16 trường hợp, kể cả người cao tuổi có bệnh nền phức tạp. Do đó, Việt Nam có ý chí, quyết tâm cao để chiến thắng đại dịch. Việt Nam chủ trương công khai, minh bạch ngay từ đầu, không có gì giấu diếm nhân dân, giấu diếm thế giới. Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm chống dịch hiệu quả đi đôi với bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, xã hội ổn định.
Dẫn ý kiến trên để thấy rằng, người dân cần tuyệt đối tin tưởng vào những biện pháp mà Chính phủ, Bộ y tế, các địa phương đang quyết liệt triển khai và chấp hành, tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về phòng chống dịch bệnh, tự giác thực hiện triệt để các khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chức năng.
Có niềm tin, chúng ta sẽ chiến thắng bệnh dịch. Không nên giấu dịch, khai man hành trình di chuyển để dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra cộng đồng, không nên tung tin đồn nhảm để gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh của các cơ quan chức năng. Niềm tin và sự gắn kết toàn dân sẽ là sức mạnh để khống chế, dập tắt “hỏa hoạn” dịch bệnh đang bùng lên, lây lan tại các địa phương.
>>> Mời độc giả xem video WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch: