Bê tông hầm chui cao tốc tỷ đô như “kẹo lạc không đường“

Google News

Hầm chui cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sau va quệt bị bong tróc đã xuất hiện vết “sẹo” trơ sỏi đá như "kẹo lạc không đường".

Ông Lê Xuân Thu (thôn Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) phản ánh: Giữa tháng 4/2016, một chiếc xe tải va vào cạnh cửa hầm chui dân sinh tại km4+900 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng làm vỡ một mảng bê tông.
Điều đáng nói là bên trong lớp bê tông toàn đá dăm rời rạc, giữa các viên đá có khe rỗng, không thấy xi măng gắn kết. Khi dùng tay gỡ thì từng viên đá dăm rất dễ rơi ra, thiếu sự kết dính.
Bê tông hần chui cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bong tróc như "kẹo lạc không đường". 
“Đường được đầu tư hơn 2 tỷ USD nhưng bê tông sỏi đá bóc rơi rời rạc thiếu độ kết dính, điều này chứng tỏ chất lượng công trình thi công chưa đảm bảo”, ông Thu nói.
Ông cho biết việc không đảm bảo chất lượng đã được ông phản ánh với các cơ quan chức năng ngay từ khi hầm chui đang thi công.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã chỉ đạo tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI - chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) và Ban quản lý dự án Thăng Long khẩn trương kiểm định, khắc phục ngay các tồn tại về chất lượng hầm chui này và phải hoàn thành trước ngày 30/5.
Ngày 20/5, VIDIFI đã thuê công ty TNHH Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng (CTEI - đơn vị kiểm định độc lập do Hội đồng nghiệm thu nhà nước chỉ định) kiểm định.
Kết quả kiểm định cho thấy, toàn bộ cấu kiện hầm chui đạt yêu cầu về cường độ thiết kế (trên 25Mpa). Riêng 2 điểm nằm ngay vị trí bê tông vỡ (kích thước 15x20cm, sâu 5cm) cường độ bê tông chỉ đạt 23Mpa và 20Mpa so với yêu cầu là 25Mpa.
Trong báo cáo gửi Bộ GTVT sau đó, ông Vũ Hữu Thành, Phó tổng giám đốc VIDIFI cho biết: Theo đánh giá của đơn vị kiểm định, nguyên nhân dẫn đến bê tông bên trong không có độ kết dính là do ván khuôn được ghép không đảm bảo kín khít. Do vậy trong quá trình đầm bê tông tạo khe hở dẫn đến mất nước xi măng.
Chủ đầu tư đã yêu cầu tư vấn giám sát chỉ đạo nhà thầu (công ty Cổ phần đầu tư xây lắp dầu khí IMICO) đục tẩy các vị trí bê tông chất lượng kém theo vùng bê tông xấu được đánh giá, thay thế bằng bê tông có sử dụng phụ gia sika chống co ngót. Kinh phí khắc phục sửa chữa do nhà thầu thi công chịu trách nhiệm.
Chưa đảm bảo chất lượng phải sửa lại
Sau khi vết “sẹo” bê tông mới khắc phục, sửa lại được vài ngày thì người dân thôn Kiêu Kỵ tiếp tục phản ánh chất lượng sửa chữa chưa đảm bảo.
Ông Lê Xuân Thu cho rằng: Việc khoan bắn kiểm tra cường độ bê tông chưa đảm bảo nên sau khi tường bê tông được trát lại gặp trời mưa bê tông vẫn thấm nước. Vào những ngày mưa còn có hiện tượng nước chảy thấm từ trong hầm đường chảy ra.
Ông Tô Đức Quân, Phó giám đốc Ban kỹ thuật VIDFI cho biết: Sau khi tiếp tục nhận được phản ánh của người dân về việc sửa hầm đường chưa đảm bảo, ngày 28/5, VIDFI đã mời công ty kiểm định Đại học Xây dựng Hà Nội xuống kiểm định lại chất lượng bê tông thêm một lần nữa trước sự chứng kiến của người dân.
Tại đây, VIDIFI đã đề nghị đơn vị kiểm định chọn các điểm ngẫu nhiên kiểm tra và kiểm định lại nơi hư hỏng vừa được sửa lại để đánh giá thêm một lần nữa.
Kết quả kiểm định cho thấy các vị trí chọn ngẫu nhiên độ đồng nhất bê tông ổn định, cường độ bê tông đạt trên mức yêu cầu (trên 25 Mpa). Còn tại vùng xung quanh vị trí hư hỏng, chất lượng ổn định, bê tông đồng nhất.
“Riêng vị trí bị hư hỏng vừa sửa chữa, do bê tông mới được 3 ngày nên đợi đến khi cường độ bê tông đủ 28 ngày, chủ đầu tư sẽ cho kiểm định lại vị trí mới sửa chữa này. Nếu sau 28 ngày cường độ bê tông không đạt, chủ đầu tư sẽ yêu cầu nhà thầu làm lại”, ông Quân nói.
Mời quý độc giả xem video Chung cư cũ ở Hà Nội (nguồn Youtube):
Theo Vietnamnet

Bình luận(0)