Ngày 13/8, Công an huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang vào cuộc điều tra vụ việc một cháu bé tử vong tại điểm giữ trẻ trên địa bàn. Nạn nhân là cháu T.Q.C (SN 2020) được gia đình gửi tại nhà bà Phạm Thị Phượng (SN 1973, ngụ thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng).
Theo điều tra ban đầu, vụ bé hơn 1 tuổi chết trong xô nước xảy ra vào khoảng 16h ngày 10/8, bà Phượng đưa cháu C. vào nhà vệ sinh rồi để cháu ở lại đó 1 mình, tự đi vệ sinh. Khoảng 20 phút sau, bà Phượng quay lại thì phát hiện cháu C. đã tử vong trong tư thế chúi đầu vào xô nước. Được biết, bà Phượng giữ trẻ hộ cho người quen, với giá từ 30 ngàn đồng đến 40 ngàn đồng/ngày/cháu.
|
Hình ảnh nơi xảy ra vụ việc. |
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, cần xác minh nhà giữ trẻ này có đủ điều kiện hoạt động hay không. Trường hợp không đủ điều kiện hoạt động thì có thể bị phạt lên tới 20 triệu đồng.
"Thứ hai, về vấn đề cháu bé bị thiệt mạng. Theo thông tin ban đầu thì người trông trẻ đã để cháu trong nhà vệ sinh 1 mình trong khoảng thời gian 20 phút, khi phát hiện thì cháu bé đã tử vong do úp mặt vào chậu nước. Khả năng phần lớn thì đây là tai nạn, cháu bé không may trượt chân hoặc nghịch nước dẫn đến hậu quả như trên, nhưng trách nhiệm của người trông trẻ là rất lớn. Hành vi để cháu bé một mình trong nhà vệ sinh đến 20 phút, trong nhà vệ sinh có chậu nước là hành vi có dấu hiệu của vô ý làm chết người. Người trông trẻ hoàn toàn có thể nhận biết được việc để 1 cháu bé chỉ hơn 1 tuổi (hoặc chưa đến 1 tuổi) ở trong nhà vệ sinh một mình trong thời gian 20 phút hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cháu bé. Với hành vi vô ý làm chết người thì có thể bị xử phạt là phạt tù lên tới 5 năm" - luật sư Tùng nói.
|
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Cũng trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là một vụ việc đáng tiếc và có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra sẽ sớm vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Hoạt động trong giữ trẻ em là hoạt động giáo dục, có sự quản lý của nhà nước để đảm bảo an toàn cho học sinh cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo. Bởi vậy, trước tiên cơ quan chức năng sẽ xác định xem cơ sở giáo dục này có được phép trông giữ trẻ hay không.
Luật sư Cường cho hay: "Việc trông giữ trẻ nhưng không được cơ quan chức năng cho phép, người trông giữ trẻ không có trình độ chuyên môn phù hợp thì đây là hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hành chính. Cơ quan chức năng sẽ làm rõ diễn biến sự việc và hành vi của người trông giữ trẻ này. Nếu kết luận của cơ quan chức năng xác định người này có lỗi vô ý dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong thì sẽ xử lý hình sự người phụ nữ này về tội vô ý làm chết người.
Trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ đặc điểm của chậu nước và hiện trường vụ án có thể dẫn đến nạn nhân thiệt mạng hay không. Thực tế thì trẻ em từ vong trong chậu nước, số nước, trong các thùng, vại rất nhiều trong đời sống xã hội... Đặc điểm lứa tuổi, tâm sinh lý của đứa trẻ hai tuổi là hiếu động và thích nghịch nước. Khi có chậu nước thì đứa trẻ sẽ thường tiến lại gần để nghịch nước và có thể ngã vào đó".
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Cường cho biết thêm, khi đứa trẻ ngã chúi đầu vào chậu nước thì hoàn toàn có thể thiệt mạng và trên thực tế rất nhiều vụ việc đau lòng như vậy đã xảy ra. Một người bình thường sẽ phải nhận thức được sự nguy hiểm như vậy nhưng người phụ nữ này đã không nhận thức được nên rất có thể cơ quan điều tra sẽ xác định người này có lỗi vì làm chết người và sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 128 bộ luật hình sự năm 2015.
"Như vậy, trường hợp cơ quan chức năng xác định người phụ nữ này đã có lỗi dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người phụ nữ này sẽ phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân bao gồm chi phí mai táng theo phong tục địa phương, bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình nạn nhân theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm" - luật sư Cường chia sẻ.
Hiện vụ bé hơn 1 tuổi chết trong xô nước ở Đắk Lắk đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
>>>> Xem thêm video: Bé gái 5 tuổi bị bác họ dùng dao sát hại
Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.