Từng bị nghi tự kỷ vì… chậm nói
Tìm về thôn Cái Tắt, vừa hỏi đường tới nhà bé gái 3 tuổi biết đọc, ngay từ đầu thôn, ai ai cũng biết. Một bác ngoài 50 tuổi hồ hởi nhận dẫn đường và kể “Nhà bé Phương ở sát cạnh nhà tôi. Cách đây khá lâu, thấy con bé chẳng buồn bi bô tập nói như mọi đứa trẻ khác, ai cũng nghĩ nó tự kỷ nên lo lắng lắm. Đến khi gần 3 tuổi, con bé vẫn không tập nói nên gia đình càng lo. Rồi, bỗng dưng, cả xóm này cùng ngạc nhiên vì con bé không chỉ nói mà còn đọc vanh vách. Chúng tôi ai nấy đều vui mừng quá đỗi. Nếu không tin, cô chú cứ tới nhà bé đó “thử” là biết ngay”.
|
Bé Phương bỗng dưng biết đọc khiến nhiều người kinh ngạc. Ảnh: T.G |
Thấy có khách tới, chị Nguyễn Thị Thúy, 29 tuổi - mẹ bé Mai Phương, hiện đang làm nhân viên thiết bị văn phòng của trường THCS An Đồng nhiệt tình mời vào nhà. Sau khi nghe chúng tôi giới thiệu về mục đích cuộc gặp mặt này, chị Thúy chậm rãi kể: Bé Phương sinh ngày 22/10/2013 trong điều kiện sinh thường. Lúc nhỏ, sức khỏe con bé rất yếu nên việc chăm sóc con đòi hỏi kỹ càng và đặc biệt. Bố làm trong ngành Hàng hải nên thường xuyên xa nhà, bé Phương chủ yếu sống cùng bà và mẹ.
Khi bước vào giai đoạn tập nói, khác với mọi đứa trẻ, bé Phương chỉ biết la hét. Càng lớn, bé Phương càng làm gia đình lo lắng vì chẳng chịu tập nói. Một vài người trong gia đình công tác trong ngành y đã khuyên vợ chồng chị Thúy đưa con lên bệnh viện trên Hà Nội khám vì nghi bé có thể mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, gia đình quyết định gửi bé tới trường mầm non An Đồng gần nhà với hy vọng vào môi trường mới, được tiếp xúc với các bạn, bé Phương sẽ bạo dạn và học nói nhanh hơn.
Bỗng dưng… biết đọc!
Ngày 2/8/2016, bé Phương chính thức đi học mẫu giáo tại trường gần nhà. Thời gian đầu đến lớp, bé chỉ lẽo đẽo theo sau cô giáo. Mỗi khi bạn bè tới gần, bé Phương lại sợ sệt hoặc khóc thét lên. Mỗi lúc như thế, các cô giáo và gia đình lại động viên nhau cố gắng rèn cho bé tập nói. Mỗi lần được nghỉ, chị Thủy lại dẫn con đi mua sắm đồ chơi, sách tô để và đọc tên các bảng hiệu, nhãn hàng cho bé nghe. Tuy rất hy vọng nhưng không phải không có lúc, chị Thúy cảm nhận một nỗi sợ hãi mơ hồ về con gái mình.
Cũng như những đứa trẻ khác, bé Phương rất thích những chương trình vui nhộn như phim hoạt hình, quảng cáo... trên tivi.
Đến lúc được 3 tuổi, Phương bắt đầu bập bẹ nói trong sự vui mừng không kể xiết của cha mẹ. Một thời gian sau, chị Thúy bắt đầu để ý khi thấy con chăm chú đọc theo những dòng chữ chạy trên màn hình của chương trình thời sự Đài truyền hình Việt Nam. Lúc đầu chị Thúy cho rằng con mình nhại theo giọng cô biên tập viên, nhưng về sau chị phát hiện Phương đọc theo dòng chữ mà người dẫn chương trình không đọc. Quá bất ngờ nhưng anh chị cũng chưa dám tin. Để kiểm chứng khả năng đọc của con, anh Lâm – chồng chị liền lấy một tờ báo và chỉ vào một dòng chữ thì bé Phương bập bẹ đọc được. Rồi cứ thế, bất cứ cuốn sách, tờ báo hay chữ viết nào đưa ra, bé Phương đều đọc được.
Chị Thúy chia sẻ: Một lần, dẫn Phương đi tiêm phòng. Khi thấy cô y tá đưa sổ y bạ ra, bé Phương cầm lấy đọc, thậm chí những từ chuyên ngành y khoa bé cũng đọc được như “xét nghiệm, tiêu chuẩn...” với giọng ngọng nghịu, đáng yêu.
Lúng túng trước khả năng kỳ lạ của con
Câu chuyện bé Phương bao nhiêu năm chậm nói bỗng dưng biết đọc dù chưa đi học khiến mọi người đồn đoán bé là “thần đồng”. Giờ cô bé đi tới đâu, người trong thôn lại kéo vào thử tài “thần đồng” tới đó. Ban đầu bé còn sợ sệt và nhút nhát vì gặp người lạ nhưng do được “thử” nhiều nên dần dần bé cũng bạo dạn hơn. Giờ, nếu có gặp, ai hỏi gì bé cũng trả lời, ai đưa gì bé cũng đọc.
Để kiểm chứng thông tin hàng xóm và người nhà bé Phương, chúng tôi lấy 1 tờ báo Gia đình & Xã hội đưa bé đọc. Ban đầu Phương còn rụt rè nhưng được bà và mẹ động viên, bé đã cầm đọc rõ ràng dòng chữ “Hoàng Sa………”. Mở túi lấy cuốn sổ tay, tôi viết một vài con số, đoạn thơ …, bé Phương hơi nhíu mày (có lẽ do chữ viết tốc ký trong sổ tay công tác không được rõ ràng và khó đọc) nhưng rồi sau đó vẫn đọc một cách trôi chảy.
Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên trường mầm non An Đồng, người trực tiếp dạy dỗ bé Phương cho biết: Hiện nay, bé Phương cực kỳ vui vẻ, hòa đồng với bạn bè. Cháu là trường hợp đặc biệt mà hơn 10 năm đi dạy tôi mới gặp. Ban đầu khi thấy bé Phương đọc được tôi cũng không tin nổi và nghĩ rằng cháu học thuộc lòng. Nhưng sau này tôi trực tiếp thử đi thử lại nhiều lần mới dám tin là cháu biết đọc thật. Bé Phương đọc được hết các hướng dẫn của cô giáo tại góc học tập, vui chơi, mặc dù trên lớp các cô chưa dạy chữ, chưa nói gì đến việc ghép âm, vần. Cô Thu cũng cho rằng nên để bé Phương phát triển bình thường và không nên dạy toán, dạy chữ sớm cho cháu.
Hai vợ chồng anh Lâm chị Thúy hiện vẫn đang lúng túng trướ́c khả năng kỳ lạ của con. Từ ngày bé Phương biết đọc chữ, bà con lối xóm đồn bé là thần đồng khiến cuộc sống gia đình và sinh hoạt của bé cũng chút phần ảnh hưởng.
Thậm chí, có người tỏ ý nghi ngờ anh chị kèm chữ con từ nhỏ nên mới quen mặt chữ và biết đọc sớm. Thực lòng, thấy con biết đọc sớm, gia đình rất mừng. Tuy nhiên, hiện cả nhà đều rất bối rối chữa biết phải giúp con thế nào, phương pháp dạy dỗ con ra sao để bé có thể phát huy được khả năng này.
Nhận định về hiện tượng chưa biết nói đã biết đọc ở bé Vũ Mai Phương, 3 tuổi, Tiến sỹ Tâm lý Đoàn Minh Tỵ - Trường Đại học Hải Phòng chia sẻ: “ Hiện tượng như cháu Phương không phải là hiếm gặp, song đây cũng là trẻ có tiềm năng, phát triển nhanh về khả năng ngôn ngữ. Theo nghiên cứu thì cháu Phương là trẻ có trí nhớ rất tốt về hình ảnh, khi người lớn nói là có thể nhập tâm ngay, sau đó cháu tư duy ghép âm, vần rồi luận ra chữ rất nhanh so với các bạn đồng trang lứa. Cháu còn nhỏ và đây mới chỉ là bứt phá về ngôn ngữ, không phải là tư duy toán học nên chưa thể gọi là hiện tượng thần đồng. Do vậy, trên cơ sở tiềm năng nói trên, gia đình cần tiếp tục khuyến khích, động viên, định hướng cho cháu cách đọc ra sao cho không hại mắt, ngữ điệu thế nào, đọc những gì phù hợp với lứa tuổi và có thể cho cháu học thêm một ngoại ngữ nữa để hình thành tư duy có hệ thống”.