Bắt GĐ Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường ở Bắc Giang: Chính quyền… vô can?

Google News

Liên quan đến vụ việc bắt Giám đốc người Trung Quốc (2 công ty Khải Hồng Việt Nam và công ty Khải Thừa Việt Nam) vì làm ô nhiễm môi trường. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương?

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về vụ việc Li Shao Xing (Lý Thiệu Hưng, SN 1972) - Giám đốc Công ty TNHH Khải Hồng Việt Nam và Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam cùng Nguyễn Thị Hương (SN 1982) - PGĐ vừa bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố về hành vi gây ô nhiễm môi trường, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm chính quyền địa phương liên quan vụ việc trên.
“Cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này, làm rõ tại sao hành vi vi phạm kéo dài, số lượng đặc biệt lớn như vậy mà đến nay mới phát hiện, xử lý để xem xét trách nhiệm cán bộ theo quy định pháp luật” - luật sư Cường nêu ý kiến.
Bat GD Trung Quoc gay o nhiem moi truong o Bac Giang: Chinh quyen… vo can?
Li Shao Xing tại cơ quan công an.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Lý Thiệu Hưng với vai trò giám đốc đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hương cho nhân viên vận chuyển chất thải từ Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam (CCN Già Khê, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam) đến chôn lấp tại Công ty TNHH Khải Hồng Việt Nam.
Hành vi trên được phát hiện vào đầu tháng 5/2021 khi Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại dự án xây dựng của Công ty TNHH Khải Hồng Việt Nam, địa chỉ tại CCN Lan Sơn thuộc xã Lan Mẫu và Yên Sơn, huyện Lục Nam. Khoảng 257 tấn chất thải được chôn lấp. Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cho biết, hành vi chôn lấp chất thải trái quy định tại Công ty Khải Hồng có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây là hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường có dấu hiệu tội phạm. Bởi vậy, cơ quan điều tra khởi tố để điều tra về tội gây ô nhiễm môi trường với hai bị can trên là có căn cứ.
Thông tin vụ việc cho thấy, các lái xe của Công ty Khải Hồng khai đã chở khoảng 150 tấn chất thải từ Công ty Khải Thần và Công ty Khải Thừa sang Công ty Khải Hồng để chôn lấp. Qua xác minh của cơ quan điều tra, chất thải rắn công nghiệp này được xác định là chất thải nguy hại, hành vi xả thải ra môi trường, chôn lấp chất thải rắn nguy hại như vậy là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư Cường, theo quy định pháp luật, chất thải nguy hại là những chất thải có chứa các chất hoặc hợp chất có một trong những đặc tính gây nguy hại trực tiếp (làm ngộ độc, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm và các đặc tính nguy hại khác), hoặc tương tác với chất khác dễ gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người.
Luật Bảo vệ môi trường quy định: “Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.”.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Điều 6, Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể, vận chuyển, chôn, lấp, đồ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường; Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên...
Như vậy, hành vi vận chuyển, chôn lấp chất thải rắn nguy hại ra môi trường mà không qua xử lý là hành vi vi phạm quy định tại Điều 6 Luật bảo vệ môi trường. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, với hành vi: “Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật 5.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc 50.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại khác...”, các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thu giữ tất cả các chất thải nguy hại phải xác định thành phần nguy hại bởi các hóa chất nào và đối chiếu với phụ lục A, công ước Stockholm và các quy định của pháp luật về chất thải rắn nguy hại, đồng thời cân nên để xác định trọng lượng, làm căn cứ để xác định khung khoản hình phạt. Với số lượng chất thải rắn nguy hại lớn như vậy, các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này đã phạt tù từ 3 năm đến 7 năm tù.
“Quy định tại Điều 235 BLHS năm 2015, pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, trong trường hợp này pháp nhân thương mại sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là: “Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 12.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm”, luật sư Cường nêu ý kiến và cho rằng, giám đốc người Trung Quốc chôn lấp chất thải là hành vi vi phạm pháp luật về môi trường nghiêm trọng, hành vi có thể gây ô nhiễm môi trường, hậu quả lâu dài đối với môi trường và xã hội. Do đó, việc phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm này là cần thiết.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)