Sáng 22/11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chủ trì cuộc họp trực tuyến với 14 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh lên thành bão số 9.
Bão số 9 mạnh cỡ nào?
Theo Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng chống thiên tai - Trần Quang Hoài cho biết, dự báo trong 24 giờ tới ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão; đêm 24/11 sáng 25/11, bão đổ bộ vào đất liền khu vực Phú Yên - Bình Thuận ở cấp 9, 10, giật cấp 12. Đây cũng là thời điểm triều cao nhất trong ngày (đỉnh triều trong ngày là 1,6m/1,7m đỉnh triều của tháng).
Theo thông tin từ các đài quốc tế, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn từ 200-300mm tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Ngoài ra, trên biển cũng có mưa to, trong đất liền cảnh báo xẩy ra dông, lốc cục bộ.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: BCĐ TW về PCTT.
|
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - ông Hoàng Đức Cường nhận định, trong chiều tối nay (22/11), áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão số 9.
Ông Hoàng Đức Cường bão càng gần bờ càng di chuyển chậm và càng vào bờ thì gió bão càng mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Vùng dự báo bão số 9 đổ bộ là các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận trong khoảng đêm và sáng 24/11. Bão sẽ cập bờ với cường độ gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11 – 12.
Ông Hoàng Đức Cường cũng cho biết, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra đợt mưa lớn ở các tỉnh bắc Tây Nguyên, nam Trung bộ, Nam bộ, phổ biến từ 100 - 200 mm. Trong đó, vùng trọng tâm mưa sẽ là từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rất to với lượng mưa 300 - 500 mm, có nơi mưa có thể lên 600 mm.
Trong ngày 25/11, khu vực này sẽ có mưa rất to với tổng lượng mưa dự báo lên tới 200 - 300 mm/24 giờ. “Bão đổ bộ vào bờ vào thời điểm sáng sớm, triều cường và nước biển dâng do bão cao khoảng 1 m sẽ là tình huống nguy hiểm ở các vùng ven biển”, ông Cường cảnh báo.
Cần cảnh giác, không được phép chủ quan
Hiện nay, tổng số tàu cá có công suất từ 20 CV trở lên của 09 tỉnh từ Quảng Nam – TP Hồ Chí Minh là 29.427 tàu cá, trong đó có 17.703 tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Qua hệ thống giám sát tàu cá, hiện có 01 tàu cá của Bình Định (BĐ-98172-TS) trong vùng dự kiến bão ảnh hưởng và đang di chuyển trú tránh. Có 27 khu neo đậu theo tiêu chuẩn với tổng công suất là: 22.527 tàu, đáp ứng 76% nhu cầu. Nuôi trồng thuỷ sản tập trung rất lớn: 11.327 ha và 2,019 triệu m3 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản (năm 2017 là 3,077 triệu m3).
Thông tin về đợt kiểm tra hồ đập sau mưa bão số 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng cho hay, nhiều hồ chỉ tăng 5 - 10% dung tích tích nước nhưng có những hồ tăng lên đến 40%. Hiện tại, nhiều hồ ở khu vực Khánh Hoà đạt 70% dung tích thiết kế, nhưng cũng có hồ chưa đạt mức tích nước yêu cầu.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng cho biết, điều hành quản lý hồ hiện nay ở khu vực nam Trung bộ phải đáp ứng 2 yêu cầu: vừa đảm bảo công trình an toàn và vùng hạ du, nhưng vừa phải đảm bảo nhiệm vụ tích nước chống hạn. Do vậy, Thứ trưởng Thắng đề nghị: “Do có dung tích chênh lệch rất khác nhau nên công trình hồ đập hiện nay không thể chung cách vận hành. Cách tốt nhất là đơn vị quản lý phải dàn lực lượng đến tận các công trình theo dõi thực tế để ra các quyết định điều tiết hợp lý”.
Theo ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở diễn biến thực tế, tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, tuyên truyền tình hình, khả năng áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão tới nhân dân; bố trí lực lượng canh gác tại các điểm xung yếu, nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; chỉ đạo việc vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du.
"Tỉnh Bình Thuận đã tiến hành sơ tán dân tại những vùng nguy hiểm đồng thời tổ chức chỉ đạo việc ứng phó áp thấp nhiệt đới theo phương châm "4 tại chỗ". Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết.
|
Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài báo cáo về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới tại Hội nghị Ảnh: BCĐ TW về PCTT |
Để ứng phó với bão số 9, Khánh Hoà sẽ bám sát với đơn vị dự báo khí tượng để cảnh báo, tuyên truyền phổ biến tới người dân nắm được tình hình. Các địa phương theo dõi diễn biến, chỉ đạo quyết liệt di dời, sơ tán dân khỏi khu vực xung yếu. Ngoài ra, bố trí các lực lượng chốt chặt các điểm xung yếu để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, vận hành xả lũ hợp lý đảm bảo các công trình và hạ du…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển thoát ra, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là 31 phương tiện đang trong vùng nguy cơ ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại bến, nhất là tàu vận tải, tàu hàng, tàu vãng lai; gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy sản. Nếu mạnh lên thành bão số 9 thì cơn bão này có đường đi, quỹ đạo và mạnh tương đương cơn bão số 12 năm 2017, từng gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Khánh Hoà và các tỉnh Nam trung bộ.
Do vậy, công tác phòng chống, ứng phó ở các địa phương phải khắc phục triệt để tâm lý chủ quan, để giảm thiểu thấp nhất nhiệt hại do cơn bão gây ra, đặc biệt là các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất do mưa bão.
Chủ động rà soát lại các phương án ứng phó ATNĐ khả năng mạnh lên thành bão
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời chia sẻ, thăm hỏi với những mất mát về người và tài sản của một số tỉnh Nam Trung Bộ, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa do hoàn lưu bão số 8 vừa qua gây ra.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động rà soát lại các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão hiện nay. Các cơ quan chức năng cử đoàn công tác trực tiếp xuống các địa phương bị ảnh hưởng để phối hợp, chỉ đạo công tác phòng tránh diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới.
Các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ), trong đó Trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo các tỉnh quan tâm, trực tiếp xuống cơ sở để chỉ đạo công tác ứng phó.
"Chủ động phương án sơ tán dân vùng trũng, thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất; phương án đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp tập trung, các khu du lịch. Gia cố nhà cửa, kho tàng, cột tháp, các công trình có khả năng mất an toàn.
Bên cạnh đó, tổ chức tính toán để chủ động các phương án vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du, đặc biệt các hồ chứa xung yếu và các hồ chứa đã trên 70% dung tích". Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực tế, nhất là lượng mưa, mưa lớn... tại các vùng để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó và điều hành hồ chứa, liên hồ chứa.
Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng cường phát sóng các chương trình phổ biến kiến thức, hướng dẫn biện pháp phòng, tránh, kỹ năng ứng phó các loại hình thiên tai, nhất là lũ, lũ quét, sạt lở đất, bão…; đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình và công tác chỉ đạo phòng, tránh, khắc phục thiên tai.